"Nếu không muốn chết, ruột đừng có cặn"
Cơ thể có khỏe mạnh hay không đều phụ thuộc vào chức năng hoạt động của từng bộ phận trên cơ thể có an toàn và sạch sẽ hay không. Đường ruột hay hệ tiêu hóa chính là "đầu mối" quan trọng đảm bảo sự ổn định của tình trạng sức khỏe.
Người xưa thường lưu truyền câu nói nổi tiếng đại ý rằng "muốn sống trường thọ, đường ruột phải sạch". Trong cuốn sách nổi tiếng "Luân Hoành" của tác giả Vương Xung từ thời nhà Hán (Trung Quốc) đã viết "nếu không muốn chết, ruột đừng có cặn".
Từ những lý thuyết Đông y từ cổ chí kim đều nhất trí rằng, ruột càng thông sạch bao nhiêu, sức khỏe càng tốt bây nhiêu. Điều này càng ngày càng được đánh giá cao bởi tính đúng đắn và thiết thực.
Y học Trung Quốc cho rằng, căn nguyên của sức khỏe con người dựa vào sự ổn định bình thường của các bộ phận cơ thể gồm phần khí và phần cơ. Trong đó, đại tiện thông tràng là một trong những yếu tố then chốt giúp cho hệ tiêu hóa vận hành liên tục và duy trì cơ thể hoạt động nhịp nhàng.
Chúng ta thử hình dung rằng, theo lý thuyết Đông y thì thực phẩm ăn vào để nuôi cơ thể tạm gọi là Dương, việc đại tiện để đào thải chất cặn bã là Âm. Nếu chúng ta càng tăng phần "dương" lên bao nhiêu thì sẽ đồng thời phải thực hiện việc đào thải phần "âm" nhiều bấy nhiêu. Như vậy thì cơ thể mới cân bằng âm dương, "vào – ra" nhịp nhàng, đều đặn.
Nếu táo bón, phần chất cặn bã không giải quyết, khi tăng thực phẩm vào trong cơ thể rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng lớn, từ đó gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu.
Đường ruột càng sạch, hệ tiêu hóa càng khỏe mạnh (Ảnh minh họa)
Sau đây là ba bước quan trọng để làm sạch chất thải trong đường ruột.
1. Nên tạo cho mình thói quen vận động thích hợp
Theo Đông y, việc vận động hay tập thể dục giúp cơ thể hít vào nhiều hơn không khí, hay còn gọi là dương khí, từ đó thúc đẩy đào thải khí tồn tại trong đường ruột ra ngoài. Bạn chỉ cần lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng và duy trì việc đó đúng cách.
Thời gian tập thể dục tốt nhất cho bạn là khoảng 40 – 60 phút mỗi ngày. Nguyên tắc của tập thể dục là từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, để giúp cơ thể làm quen với thời gian và cường độ tập luyện.
Khi tập thể dục bạn nên cố gắng đảm bảo làm cho cơ thể nóng lên, tốt nhất là đạt đến mức cơ thể đổ mồ hôi. Nội dung tập luyện mỗi người mỗi khác, nhưng cần lựa chọn môn tập đúng sở thích để bạn có thể theo đuổi lâu dài. Cách hoàn hảo nhất là có thể đi bộ hoặc bơi.
2. Xoa bụng
Để lòng bàn tay áp sát bề mặt da bụng và xoa tròn đều theo chiều kim đồng hồ làm cho tay ma sát với bụng để cho bụng ấm dần lên.
Hãy bắt đầu từ vùng thượng vị, bàn tay xoa rộng sang hai bên hông, rồi xoa dần đều xuống vùng bụng dưới, thực hiện lần lượt như vậy cho hết phần bụng. Cách tốt nhất là có thể thực hiện luôn trong thời gian đi bộ vào buổi tối, sau bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ. Vừa đi bộ vừa xoa bụng như vậy.
Nếu người mắc bệnh trĩ và các bệnh liên quan đến hậu môn hay trực tràng khác, có thể kết hợp với bài tập luyện cơ hậu môn/vùng chậu bằng cách hít thở và co bóp hậu môn.
Cách thực hiện là thả lỏng toàn thân, hít sâu, dần dần thở ra nhẹ nhàng, đồng thời dùng lực co cơ hậu môn, co cơ vùng chậu, cơ bụng dưới, hít thật sâu. Nín thở một khoảng thời gian trong khả năng, sau đó thả lỏng. Nhẹ nhàng hít thở.
Tóm lại là bạn hít thở kết hợp với co thắt và thả lỏng vùng chậu, thư giãn, thực hiện nhịp nhàng khoảng từ 10 -15 lần.
3. Đảm bảo đại/tiểu tiện đều đặn
Muốn có một hệ thống đường ruột sạch sẽ, không có "rác" hay cặn bã, mầm bệnh, bạn buộc phải duy trì đường ruột thông thoáng, ít nhất là luôn trong trạng thái thông tiện đều đặn.
Ngoài ra, bạn cần điều chỉnh nhịp độ ăn uống, chế độ ăn uống cần thay đổi và duy trì ở mức cân bằng. Hạn chế ăn quá nhiều chất béo, bữa tối nên ăn uống vừa phải, khoảng 70-80% là đủ, không nên ăn quá no.
*Theo Sina