Vụ 7 người tử vong: Có thể "test" methanol, sao vẫn nhiều người chết vì rượu?

Ngọc Anh |

Nồng độ methanol trong máu ở ngưỡng 20mg/dL đã đe doạ tổn thương thần kinh, nhưng những bệnh nhân nhập viện thường phát hiện hàm lượng từ 120-200mg/dL!

Sau vụ ngộ độc lớn vừa xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khiến 37 người cấp cứu, 7 người chết, cơ quan y tế đã phát hiện hàm lượng methanol rất cao trong rượu.

Cụ thể, 3 mẫu rượu do chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy kiểm tra có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol là 970 mg/lít cồn 100 độ, 556.000 mg/lít cồn 100 độ và 475.000 mg/lít cồn 100 độ. 

Trong khi đó, hàm lượng methanol an toàn với sức khỏe được quy định là dưới 100 mg/lít cồn 100 độ. Như vậy, về mặt y tế, rượu nhiều khả năng là một nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với dư luận lúc này là: Liệu có thể nhận biết (test) trước hàm lượng methanol trong rượu để tránh tình trạng ngộ độc tương tự xảy ra trong cộng đồng? Câu trả lời là: Có công cụ "test", nhưng sử dụng được công cụ đó trong cộng đồng hay không lại là chuyện khác.

Vụ 7 người tử vong: Có thể test methanol, sao vẫn nhiều người chết vì rượu? - Ảnh 1.

Ảnh các bác sỹ đang tập trung cấp cứu cho nạn nhân tại BV Đa khoa tỉnh Lai Châu. Ảnh: N. Tuấn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này thường xuyên phải tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc rượu do methanol và hầu hết được chuyển đến viện muộn, khi bệnh nhân đã có tình trạng tổn thương cơ thể nghiêm trọng.

Nguy hiểm nhất là tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng. Với những trường hợp này, dù được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng phần lớn đều không qua khỏi. Số ít qua được nhưng để lại nhiều di chứng như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ.

Theo chuyên gia của Trung tâm chống độc, nếu một người hấp thu đến khoảng 7ml methanol có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Thông thường, nồng độ methanol trong máu ở ngưỡng 20mg/dL đã đe doạ tổn thương thần kinh, nhưng những bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp thì thường phát hiện hàm lượng từ 120-200mg/dL!

Về việc "test" methanol trong rượu, bác sĩ Nguyên cho biết hiện nay ở một số cơ sở an toàn thực phẩm có các "test" thử nhanh cồn methanol hay cồn ethanol. Tuy nhiên, các thao tác test thử này hiện chỉ giới hạn ở công tác kiểm tra, không phổ biến trong cộng đồng. Và giả sử có loại thiết bị này đi chăng nữa, thường không mấy ai trước khi uống rượu lại "test" thử xem rượu như thế nào.

Do đó, quan trọng nhất theo bác sĩ Nguyên, vẫn là ý thức. Nhiều người "vô trách nhiệm" với chính sức khỏe an toàn của bản thân mình, uống rượu vô tội vạ, không rõ nguồn gốc... dẫn đến những kết quả đáng tiếc không ai mong muốn.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo cách sơ cứu người ngộ độc rượu như sau:

- Khi bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, rõ nhất là biểu hiện rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản lúc sơ cứu là người thân phải để thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết.

- Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiên an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại