Vụ 7 người chết sau bữa tối ở Lai Châu: Nhiều gia đình có tới 3 người cùng bị ngộ độc

Hoàng Đan |

Ông Nam cho rằng, kết quả kiểm định mẫu rượu và xét nghiệm mẫu máu các nạn nhân chỉ là một trong những cơ sở để xác định nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc khiến 7 người chết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cho biết, vụ ngộ độc khiến 7 người chết ở xã biên giới Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ được lãnh đạo tỉnh xác định là rất nghiêm trọng.

Theo ông Nam, tính đến ngày 15/2, tổng số người bị ngộ độc đã lên tới con số 38 (31 nam, 6 nữ và 1 trẻ em).

Trong đó, có 7 người đã tử vong, 3 người đang được điều trị tại Trạm y tế xã, 4 người đã được khám và cho về nhà tiếp tục theo dõi, 10 ca đang được cấp cứu, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Phong Thổ.

Ngoài ra còn có 10 ca đang cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và một số người được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để hỗ trợ lọc máu, chạy thận nhân tạo và đều đã qua cơn nguy kịch.

Cũng theo Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lai Châu, trong vụ việc này, một số gia đình có đến 2 hoặc 3 người cùng bị ngộ độc và trong đó, có cả phụ nữ và trẻ em.

Ông Nam cũng thông tin, số rượu nhà ông Lèng sử dụng cho mọi người uống không phải có nguồn gốc từ một địa chỉ mà được mua từ nhiều cơ sở bán rượu khác nhau.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an đã xác định rõ những cơ sở bán rượu này và ra quyết định niêm phong toàn bộ để chờ điều tra, xử lý.

Kết quả kiểm nghiệm một số mẫu rượu được lấy tại đám ma nhà ông Lèng cho thấy, methanol vượt 10 lần quy định cho phép, ông Nam cho rằng, kết quả mẫu rượu và xét nghiệm mẫu máu các nạn nhân chỉ là một trong những cơ sở để xác định nguyên nhân gây độc.

Theo ông Nam, hiện tỉnh còn gửi 10 mẫu máu và nhiều mẫu thực phẩm, dịch dạ dày của các nạn nhân về Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để xét nghiệm.

Kết quả bước đầu cho thấy, 8 mẫu rượu vượt ngưỡng methanol, còn các mẫu khác chưa có kết quả. Song song với ngành y tế, Công an tỉnh Lai Châu cũng gửi các mẫu máu, mẫu rượu và một số mẫu khác về Viện Kỹ thuật - Hình sự (Bộ Công an) để xét nghiệm.

Dự kiến, trong ngày 16/2 sẽ có kết quả mẫu máu và rượu từ Viện Kỹ thuật - Hình sự, còn các mẫu khác cần thời gian để xét nghiệm.

"Hiện tại chúng tôi chưa thể đưa ra bất cứ kết luận nào vào lúc này. Ngoài các mẫu rượu, chúng tôi còn gửi rất nhiều mẫu khác đi xét nghiệm như mẫu thực phẩm dùng trong lễ tang, mẫu máu các nạn nhân, mẫu nội tạng…

Chỉ đến khi tất cả các mẫu trên có kết quả xét nghiệm cuối cùng thì mới đi tới kết luận chính xác nguyên nhân gây ngộ độc", ông Nam nêu rõ.

Bác sĩ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, đã phối hợp tích cực với lực lượng hỗ trợ của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu các nạn nhân, kịp thời lọc máu, chạy thận và cho thở máy nên đã cứu sống được 6 nạn nhân trong tình trạng rất nguy kịch.

Hiện các bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện và tạm thời qua cơn hiểm nghèo.

Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, đã cử đoàn công tác gồm 16 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan, do GS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai làm Trưởng đoàn, trực tiếp đến Lai Châu để hỗ trợ điều trị cũng như xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại