Mỗi năm Bệnh viện E tiếp nhận từ 4-5 trường hợp tập luyện thể thao gắng sức phải nhập viện. Bệnh nhân thường tới viện khi đã có biến chứng tổn thương thận.
Ths. BS Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Nội khoa (Bệnh viện E) cho hay, mới đây khoa đã tiếp nhận và cứu sống một trường hợp bệnh nhân tên T (37 tuổi, tại Hà Nội) tham gia chạy phong trào và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng vật vã, kích thích.
Anh T có tiền sử khoẻ mạnh, rất chăm tập thể dục thể thao. Bệnh nhân thường chơi đánh bóng bàn, tham gia chạy bộ phong trào.
Trước ngày tham gia giải chạy mấy ngày, anh T có sốt, mệt. Tuy nhiên, tới ngày tham gia chạy anh đã hết sốt nên vẫn tham gia giải chạy.
Khi anh T chạy được khoảng 2.000m thì đột ngột thấy choáng và ngất xỉu. Ngay sau đó bệnh nhân được mọi người gọi xe cấp cứu chuyển vào Bệnh viện E.
Theo bác sĩ Phong, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có kích thích vật vã và có dấu hiệu mất nước rõ, mạch nhanh, huyết áp tụt… Bệnh nhân không có dấu hiệu thần kinh khu trú.
Chẩn đoán sơ bộ ban đầu được đưa ra là bệnh nhân sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức. Bệnh nhân được chỉ định theo dõi theo tình trạng tiêu cơ vân cấp do vận động gắng sức.
Ths. BS Đỗ Quốc Phong (ảnh Ngọc Minh).
Nam bệnh nhân nhanh chóng được truyền dịch, bù điện giải và làm các xét nghiệm máu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng toan chuyển hoá, suy thận cấp, tăng CK máu (một loại enzyme xúc tác phản ứng sinh hóa trong cơ thể).
Bệnh nhân được chẩn đoán tiêu cơ vân cấp, sốc, giảm khối lượng tuần hoàn vì hoạt động gắng sức.
Do bệnh nhân T được đưa vào viện sớm nên sau quá trình tích cực điều trị lọc máu 2 tuần, bệnh nhân đã bình phục dần dần. Bệnh nhân đã có nước tiểu trở lại, mạch và huyết áp ổn định dần, tỉnh táo.
Qua trường hợp của bệnh nhân T, bác sĩ Phong khuyến cáo mọi người không nên luyện tập gắng sức vì có thể gây hại cho sức khoẻ. Ngoài ra, mọi người cũng không nên luyện tập thể dục thể thao khi sức khoẻ đang có vấn đề.
5 dấu hiệu cảnh báo cần đi khám ngay
Theo bác sĩ Phong, tất cả những trường hợp hoạt động gắng sức đều có nguy cơ sốc, giảm khối lượng tuần hoàn. Nạn nhân có thể sẽ bị choáng, ngất, mạch nhanh, truỵ mạch. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị rối loạn chuyển hoá nặng dẫn tới suy thận cấp, thậm chí có trường hợp bị suy thận mạn, thậm chí đột tử…
Bác sĩ Phong khuyến cáo đối với người hoạt động thể thao với cường độ mạnh cần chú ý tới những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm dưới đây để phòng ngừa tiêu cơ vân cấp:
- Sau hoạt động thể lực cơ thể mệt nhiều dù đã nghỉ ngơi.
- Khát nước liên tục dù đã uống nhiều nước.
- Đau cơ ngày càng tăng dữ dội.
- Tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ.
- Choáng, ngất.
Bác sĩ Phong cho biết khi cơ thể xuất hiện 1 trong những triệu chứng trên, mọi người cần nhanh chóng tới viện đề phòng ngừa nguy cơ tổn thương thận do tiêu cơ vân cấp.
Trước đó, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận một người đàn ông tử vong khi đang chạy bộ. Được biết, vào khoảng 19h30, ngày 15/10, một người đàn ông đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, ngay sau đó được người nhà và người có mặt tại công viên gọi cấp cứu.
Nạn nhân sau đó được đưa vào Bệnh viện Đại học y Hà Nội cấp cứu. Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời điểm tiếp nhận, nạn nhân được xác định đã tử vong ngoại viện.
Trước đó, cũng đã ghi nhận trường hợp một nam du khách tử vong khi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Trường hợp này là ông N (61 tuổi, sống tại Hải Phòng). Khi leo lên đến độ cao hơn 2.000m (gần đỉnh), trong lúc dừng lại nghỉ ngơi, người đàn ông bất ngờ ngã gục và ngất lịm. Dù được người dân sơ cứu nhưng nạn nhân cũng đã không qua khỏi.