Những thông điệp "ẩn" của ông Trump
Đầu tuần này, Nhà Trắng đã tuyên bố kế hoạch rút các lực lượng Mỹ khỏi miền bắc Syria, đây được coi là động tác "bật đèn xanh" để Thổ Nhĩ Kỳ "thế chân" trong khu vực và đối đầu với các chiến binh người Kurd mà họ liệt kê là khủng bố.
Hôm 8/10, chỉ một ngày sau khi đe dọa hủy diệt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ "đi quá xa" ở Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ gặp nhau vào tháng tới.
Đồng thời, ông Trump đã gửi một loạt tweet gây xôn xao, đề cập tới việc Ankara là một đối tác thương mại lớn của Mỹ, nhà cung cấp thép chính cho bộ khung của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 và cho biết sẽ chào đón ông Erdogan tại Nhà Trắng vào ngày 13/11.
Trong các tweet của mình, ông Trump tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp bộ khung thép cho máy bay chiến đấu F-35 và "giúp nước Mỹ" trong việc bảo vệ các mạng sống tại tỉnh Idlib.
Có thể thấy rõ, mấu chốt của tất cả các sự kiện diễn ra tuần này liên quan tới quyết định rút quân của Mỹ bắt nguồn từ cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Erdogan ngày chủ nhật, 6/10.
Theo Reuters, cuộc trao đổi có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley. Tuy nhiên chi tiết về cuộc trao đổi nói trên không được tiết lộ.
Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington bình luận:
"Một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ (không bị người Mỹ hạn chế) sẽ cho phép họ chia cắt các khu vực lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Syria.
Nó sẽ cho phép ông Erdogan thiết lập một khu vực để gửi người tị nạn Syria trở về và chứng minh một lần nữa ảnh hưởng của ông đối với Syria trước chính quyền của ông Trump. Đây có thể là một sự phát triển đáng kể ở Trung Đông hiện tại".
Ông Erdogan từ lâu đã bày tỏ ý định thiết lập một “khu vực an toàn” sâu 30 km và dài gần 500 km dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Khu vực đó theo ông, sẽ dành riêng cho ít nhất 1 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan và tấm bản đồ về khu vực an toàn ở miền bắc Syria trong cuộc họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 24/9 (Ảnh AFP).
Đối với ông Trump, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS của Mỹ đã kết thúc, và vấn đề duy nhất còn tồn tại là việc quản lý gần 10.000 tù binh IS với hơn 2.000 là người nước ngoài.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một "khu vực an toàn" có thể là giải pháp để người Mỹ rũ bỏ trách nhiệm với những tù binh nói trên, đó là thông điệp của ông Trump khi nhắc tới việc Thổ Nhĩ Kỳ đã "giúp nước Mỹ" trong việc bảo vệ các mạng sống tại tỉnh Idlib.
Ngoài ra, một thông điệp sâu xa hơn trong twit của ông Trump đó là Thổ Nhĩ Kỳ là nước đã tham gia một phần quan trọng của chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35.
Đây có thể là gợi ý về việc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ sớm đàm phán để hoàn tất đơn hàng hơn 100 máy bay F-35 mà ông Trump đã phải "đóng băng" vào tháng 7/2019 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Cần nhớ rằng vào thời điểm phải đưa ra quyết định, ông Trump đã đổ lỗi cho người tiền nhiệm Obama (không đồng ý cung cấp hệ thống Patriot PAC-3 cho Thổ Nhĩ Kỳ) và thông cảm với ông Erdogan: "Đó là tình huống rất khó khăn (mua S-400) mà họ (Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị ép buộc".
"Vì họ mua hệ thống phòng không sản xuất tại Nga, nên giờ họ bị cấm mua hơn 100 máy bay. Tôi sẽ nói rằng Lockheed (nhà sản xuất máy bay F-35) không vui vẻ gì. Đó cũng là rất nhiều việc làm (cho người Mỹ). Thật lòng mà nói, tôi luôn có mối quan hệ tốt với ông Erdogan".
Thổ Nhĩ Kỳ có thể sở hữu cả hệ thống phòng không S-400 và máy bay F-35 sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra vào ngày 13/11.
Thổ Nhĩ Kỳ "một vốn bốn lời"?
Lợi ích đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đàm phán với Mỹ là giải quyết "bài toán kinh tế".
Kiểm soát thêm "khu vực an toàn" ở miền bắc Syria hoàn toàn có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo UNHCR, tại Thổ Nhĩ Kỳ có tới gần 3,7 triệu người tị nạn Syria (dân số Thổ Nhĩ Kỳ là 82 triệu người) và đây là một gánh nặng kinh tế lớn cho quốc gia này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Liên minh Châu Âu hỗ trợ họ trong việc kiểm soát dòng người tị nạn với một kế hoạch thiết lập các khu định cư. Thổ Nhĩ Kỳ đã và EUvới dấu mốc quan trọng là thỏa thuận năm 2016 và số tiền tài trợ lên tới 3 tỷ USD.
Việc đưa hàng triệu người tị nạn trở về Syria được cho là sẽ giải quyết được một phần gánh nặng kinh tế mà nước này phải chịu đựng kể từ năm 2018 tới nay.
Tỉ lệ phân bổ người tị nạn Syria hiện tại trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, các khu vực đậm màu nhất thể hiện số lượng người tị nạn vào khoảng 2.500 đến 10.000 người (Nguồn: UNHCR)
Lợi ích thứ hai - Hủy diệt các bàn đạp của nhóm vũ trang PKK tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cáo buộc Lực lượng dân chủ Syria (SDF) là chi nhánh của nhóm vũ trang bị nước này liệt vào danh sách khủng bố Đảng công nhân người Kurd (PKK).
SDF liên tục bác bỏ cáo buộc này tuy nhiên tỉ lệ khá lớn chiến binh người Kurd trong thành phần SDF (theo đánh giá của Mỹ là chiếm tới 80%) là điều khó có thể phủ nhận.
Lực lượng SDF (đặc biệt là các nhóm vũ trang YPG và YPJ) cũng thường xuyên thể hiện họ có tư tưởng ủng hộ PKK và lãnh đạo PKK Abdullah Ocalan.
Về ngắn hạn, việc thiết lập "khu vực an toàn" kéo dài từ Afrin đến biên giới Iraq sẽ khiến PKK và các chi nhánh ở Trung Đông mất hoàn toàn lợi thế về quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Syria tị nạn được tái định cư tại các vùng đất từ lâu người Kurd chiếm đa số cũng được cho là chiến lược dài hạn (hòa tan sắc tộc) nhằm kiềm chế tham vọng độc lập của người Kurd.
Chiến binh người Kurd thuộc YPJ và hình ảnh thủ lĩnh của PKK Ocalan sau chiến thắng trước IS tại Raqqa.
Thứ ba - tham vọng tái thiết lập "Đế quốc Ottoman kiểu mới"
Một số phương tiện truyền thông châu Âu từ lâu đã đề cập đến tham vọng "khôi phục Đế quốc Ottoman" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang nắm lấy "thời cơ bằng vàng" khi các quốc gia láng giềng từng thuộc đế quốc này đang chìm trong xung đột (Syria) hoặc bất đồng (Iraq).
Cùng với việc triển khai các hoạt động quân sự nhằm vào người Kurd ở Syria thì đồng thời ở nước láng giềng Iraq, lính đặc nhiệm Thổ được cho là có "quyền sinh quyền sát" nhằm vào các nhóm PKK với hậu thuẫn của chính quyền Kurdistan (KRG).
Rõ ràng, việc kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria là lợi thế trong đàm phán với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad về các vấn đề liên quan tới vị thế của Thổ và các lực lượng trung thành trong thành phần chính trị tươi lai của nước láng giềng đang chìm trong nội chiến.
Trong tương lai, các vấn đề trong khu vực Levantine (Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq - Syria - Lebanon - Jordan) sẽ cần một cơ chế liên kết chính trị mới để giải quyết xung đột và Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thiết lập tối đa "quyền lực mềm" để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực..
Lãnh thổ của đế chế Ottoman và bản đồ Trung Đông hiện đại, nó cho thấy tham vọng kiểm soát chính trị và quân sự trong khu vực của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại.
Cuối cùng, khả năng quân sự vượt trội của Thổ Nhĩ Kỳ
Những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra là một thế lực đang trỗi dậy trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò quan trọng trong hai cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria và Libya
Thổ Nhĩ Kỳ cũng thay đổi hoàn toàn quan điểm sau vụ đảo chính năm 2016 và không che giấu việc ủng hộ hoặc hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ đối địch với Israel và Arab Saudi trong khu vực (Iran, Qatar, Lebanon, Gaza, Bờ Tây sông Jordan).
Tương lai khu vực Trung Đông được cho là sẽ tạo thành hai thế lực đối đầu nhau với Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ở một phía, còn Israel, Arab Saudi và UAE ở phía còn lại.
Với các lợi thế quân sự mà Israel đang sở hữu (máy bay chiến đấu F-15I, F-16I, F-35I và các hệ thống phòng không tự phát triển), việc Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh của một "Đế quốc Ottoman kiểu mới" đối đầu với nhà nước Do Thái phải được đảm bảo bằng khả năng quân sự.
Khi quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng "khắc khẩu", Thổ Nhĩ Kỳ cần vũ trang mạnh hơn trước Lực lượng phòng vệ Israel (IDF).
Cùng với việc sở hữu hệ thống phòng không S-400 dành cho phòng thủ, Thổ Nhĩ Kỳ cần có những vũ khí hiện đại như máy bay tiêm kích tấn công phối hợp F-35 hoặc máy bay đa nhiệm như Su-57.
Rõ ràng một quốc gia NATO sở hữu cả máy bay F-35 và Su-57 (Nga đang chào bán Su-57E và Su-35) là điều chưa có tiền lệ, Thổ sẽ là một thế lực không thể bỏ qua trên bất kỳ bàn đàm phán nào về vấn đề Trung Đông.
Su-57 không bao giờ có thể thay thế F-35 vì hai máy bay được thiết kế cho các mục đích khác nhau: Su-57 được thiết kế để trở thành một máy bay chiếm ưu thế trên không tốt nhất trong khi F-35 vượt trội trong vai trò thâm nhập sâu, tấn công mặt đất.
Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo Su-57E có thể được sản xuất với số lượng đủ lớn để đáp ứng khung thời gian mua sắm trang bị đầu năm 2020 và Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất đã bày tỏ sự quan tâm sơ bộ đối với Su-35 như một giải pháp tạm thời cho đến khi máy bay TF-X của họ hoàn thiện.
Su-57 và Su-35 của Nga hạ cánh tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một sự kiện triển lãm.
Kết luận
Nga và Mỹ đang cố gắng cạnh tranh để cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ các vũ khí hiện đại nhất và những chiến binh đã chiến thắng nhóm khủng bố nguy hiểm nhất lịch sử đã bị bỏ qua.
Cái giá phải trả cho các hợp đồng vũ khí khổng lồ là sự cả tin của người Kurd và hi vọng độc lập có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Đó là chưa kể tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria hiện tại và Iraq trong tương lai.
Khả năng "đi dây" tài tình giữa các thế lực trên thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là một bài học để vừa đảm bảo được an ninh quốc gia, vừa gia tăng sức mạnh trong khu vực và trên thế giới tiến tới trở thành một cường quốc trong tương lai đáng để suy ngẫm.
Năm 2007 Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch đặt hàng 116 chiếc F-35. Vào năm 2018, 2 chiếc đầu tiên đã được bàn giao tại cơ sở của Lockheed Martin ở Fort Worth. 2 chiếc F-35 này của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang ở Mỹ nhằm phục vụ cho công tác huấn luyện phi công trước khi Mỹ tuyên bố "đóng băng" hợp đồng.