Thảm án Hòa Bình: Ông Trương Quý Dương tiếp tục vắng mặt, đột ngột ủy quyền cho luật sư

Như Loan - Bích Hiền |

LS Đỗ Quốc Quyền, Đoàn LS Hà Nội cho biết: "Chính thức là ngày hôm qua tôi mới nhận được văn bản ủy quyền của ông Trương Quý Dương".

Ngày đầu diễn ra phiên tòa xét xử vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong tại BV ĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư của các bên liên quan như luật sư của bị cáo Quốc, bị cáo Sơn cho rằng triệu tập ông Trương Quý Dương là cần thiết để làm rõ nhiều tình tiết của vụ án.

Hôm nay, ngày xét xử thứ hai, có sự xuất hiện của một vị đại diện ủy quyền ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BV ĐK tỉnh Hòa Bình). Đó là ông Đỗ Quốc Quyền, Đoàn Luật sư Hà Nội. 

"Tôi đã làm thủ tục báo cáo với tòa về sự có mặt của mình với tư cách là đại diện ông Trương Quý Dương tới dự phiên tòa" - ông Quyền nói.

Thông tin về phiên vụ việc, vị đại diện ủy quyền cho rằng, đây là một vụ việc rất đáng tiếc, hoàn toàn do lỗi cố ý của một số bộ phận. Trong phiên xét xử sáng nay, ông thấy lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên thận nhân tạo, các bác sĩ cũng như điều dưỡng trong quá trình làm việc không có sự thống nhất với nhau.

Thảm án Hòa Bình: Ông Trương Quý Dương tiếp tục vắng mặt, đột ngột ủy quyền cho luật sư - Ảnh 1.

LS Đỗ Quốc Quyền - người đại diện ủy quyền của ông Trương Quý Dương.

Ông Quyền cũng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, thực tế vụ việc như thế nào thì Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử sẽ phải làm việc rõ hơn, để xem thực hư có câu chuyện ủy quyền hay phân công trong nội bộ khoa hồi sức tích cực về việc ai là người phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.

Tại cuộc trao đổi, vị đại diện ủy quyền cũng dẫn ra dẫn chứng cụ thể, theo quy chế bệnh viện, chúng ta cũng cần nắm rõ quy chế 1895 của bệnh viện năm 1997 của Bộ Y tế áp dụng cho tất cả các bệnh viện, kể cả bệnh viện tư có vốn đầu tư nước ngoài.

Xem video chi tiết:

Luật sư ủy quyền của ông Trương Quý Dương trả lời phỏng vấn. (Video: Hoàn Như)

Trong quy chế này, quy định từng chức danh, nhiệm vụ của từng đơn vị, đặc biệt là quy trình lọc máu chạy thận nhân tạo được quy định rất rõ. Với trường hợp này, vị đại diện ủy quyền nghĩ nằm ở trách nhiệm của Khoa, nếu như lãnh đạo khoa không chứng minh được rõ ràng cho Bác sĩ Hoàng Công Lương thì việc quy kết bác sĩ Lương có nhiều vấn đề phải nói.

Chúng ta cần phải xem xét kỹ hơn về câu chuyện phân công nhiệm vụ. Trong buổi sáng ngày hôm nay, tòa đều biết đến câu chuyện về sổ giao ban được các bị cáo nhắc đến.

"Chính vì thế tòa sẽ cần thu thập thêm bằng chứng từ đội ngũ y bác sĩ của đơn nguyên lọc thận nhân tạo" – vi đại diện ủy quyền khẳng định.

Tại phiên tòa sáng nay, các vấn đề sáng nay đề cập đến nằm ở các khoa và các phòng, việc của BS Dương là việc phân công nhiệm vụ trong ban giám đốc.

Ông Đỗ Quốc Quyền cho hay, trong thời gian xảy ra sự cố, trong ban Giám đốc còn có sự có mặt của BS Hoàng Đình Khiếu là trưởng khoa Hồi sức tích cực kiêm Phó Giám đốc BV.

Những việc liên quan đến khoa và phòng chỉ cần báo cáo với ban giám đốc là được, trừ những việc quan trọng mà BS Khiếu cần phải hội ý với Giám đốc thì lúc đó mới cần ông Dương.

"Trong những ngày tới BS Dương chưa kịp có mặt tại Việt Nam, tôi sẽ đại diện ủy quyền của BS để làm việc bình thường.

Những câu hỏi của HĐXX, giám sát viên, viện kiểm sát liên quan đến BS Dương tôi sẽ cố gắng ghi chép lại, nếu nội dung nào tôi nắm được và có sự ủy quyền của BS Dương tôi sẽ trả lời, còn nội dung nào cần có sự hội ý của BS Dương thì tôi sẽ gửi văn bản để có câu trả lời sau đó" – ông Quyền nói.

Khi được hỏi về việc biên bản bàn giao được lập sau khi sự cố 8 người đã xảy ra thì liên quan trực tiếp đến khoa thận nhân tạo và phòng vật tư. Sự việc lập biên bản chậm đây là việc làm của các cá nhân chứ không phải của BV, của khoa hay của phòng.

Trách nhiệm này thuộc về cá nhân thì phải làm rõ, nếu cần làm kỹ hơn rằng biên bản này do Sơn tự làm hay có sự chỉ đạo?

Tóm tắt vụ án: Sáng 29/5/2017, sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), hàng loạt bệnh nhân đang được lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng. Đây là một thảm hoạ y tế gây chấn động không chỉ trong lịch sử y học VN mà còn cả trên thế giới.

Một tháng sau thảm hoạ y khoa này, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã xác định có việc tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO.

Các mẫu nước cấp vào máy lọc thận số 10 và 13 cho thấy các chỉ tiêu pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Flouride lần lượt cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Chính mức Flouride cao quá mức an toàn cho chạy thận nhân tạo hàng trăm lần này là nguyên nhân gây ra thảm họa ở Hòa Bình.

Ngày 22/2/2018, VKSND tỉnh Hòa Bình ban hành cáo trạng truy tố đối với ba bị can:

1. Bị can Bùi Mạnh Quốc về tội " vô ý làm chết người " theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999 (nay là khoản 2 Điều 128 BLHS năm 2015);

2. Bị can Trần Văn Sơn và bị can Hoàng Công Lương về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (nay là khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại