Điều họ mong muốn là HĐXX xét xử đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm.
Trong ngày đầu tiên xét xử vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa làm chết 8 người tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, người nhà của các nạn nhân đều bày tỏ sự bức xúc khi ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình không có mặt tại tòa.
Trao đổi với PV Infonet sau khi kết thúc ngày xét xử đầu tiên, ông Đinh Văn Tính, bố của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng (xã Sủi Ngòi, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho rằng việc vắng mặt ông Dương và những người được triệu tập nhưng không đến theo lệnh triệu tập sẽ gây ảnh hưởng đến tính khách quan trong việc xét xử.Hội đồng xét xử cho biết đã 2 lần triệu tập ông Trương Quý Dương nhưng hiện nay ông Dương đang không có mặt tại địa phương.
Ông Đinh Văn Tính trao đổi với PV Infonet bên ngoài phiên tòa. |
"Những người có liên quan đã được triệu tập nhưng vẫn cố tình vắng mặt thì làm sao bảo đảm được tính khách quan cho phiên tòa? Quan điểm của gia đình chúng tôi là phải xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm", ông Đinh Văn Tính nói.
Nói về bác sỹ Hoàng Công Lương, một trong ba bị cáo của vụ án này, ông Tính không hề tỏ ra trách cứ khi cho rằng các Giáo sư đầu ngành của Bộ Y tế cũng đã phân tích rất rõ, bác sỹ chỉ có nhiệm vụ khám chữa bệnh, còn những công đoạn khác là của người khác.
Theo ông Tính, cần phải xem xét kỹ hợp đồng giữa bệnh viện với Công ty Thiên Sơn bởi vấn đề này chưa được đánh giá, phân tích rõ ràng.
“Trách nhiệm trong hợp đồng là của ai? Liệu Công ty Trâm Anh và Công ty Thiên Sơn có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này hay không? Các nhân viên của hai công ty này có được đào tạo về lĩnh vực này hay không?
Hay chỉ quen đi sửa đường ống nước sinh hoạt? Để đi vào quy trình thì phải có người chỉ đạo, vậy ai đã chỉ đạo những bị cáo này thực hiện công việc? Họ có nói với nhân viên của mình về những điều không được phép làm hay không?”...
Một loạt câu hỏi được ông Đinh Văn Tính đặt ra và đi đến kết luận: “Người có trách nhiệm, có hiểu biết về chuyên môn đương nhiên sẽ không bao giờ làm như thế, vì liên quan đến tính mạng con người. Ban Giám đốc BVĐK Hòa Bình không được phép ký hợp đồng với một đơn vị không có chuyên môn, nhưng họ vẫn cố tình ký, đây là điểm xuất phát dẫn đến vụ án này”.
Rất đông người nhà của các nạn nhân đến theo dõi phiên tòa từ sớm. |
Rất đông người nhà các bệnh nhân đến theo dõi phiên tòa. Vì phòng xử án không đủ chỗ ngồi nên luôn có một nhóm người nhà nạn nhân theo dõi phiên tòa từ bên ngoài phòng xử. |
Họ thậm chí còn ngồi la liệt trong phòng dành riêng cho báo chí tác nghiệp. Trong số này có cả những người là hàng xóm của nạn nhân, hàng xóm của bị cáo bởi họ rất quan tâm tới vụ án nên cũng tới theo dõi. |
Nhiều phóng viên tác nghiệp bên ngoài hành lang. |
Sau khi kết thúc ngày xét xử đầu tiên, một số người nhà các nạn nhân nán lại để trao đổi về việc xét xử trong ngày đầu tiên. |
Cùng đặt câu hỏi về sự vắng mặt bất thường của ông Trương Quý Dương, bà Nguyễn Thị Dinh, em gái nạn nhân Nguyễn Thị Minh (phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) cho rằng HĐXX cần làm mọi cách để nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình có mặt tại Tòa.
Bà Nguyễn Thị Dinh, em gái nạn nhân Nguyễn Thị Minh. |
“Chúng tôi phải mòn mỏi chờ đợi 1 năm rồi, còn vài hôm nữa là giỗ đầu các nạn nhân, vậy mà khi xét xử lại còn vắng cả ông ấy nữa. Chúng tôi chỉ muốn làm sao xử đúng người, đúng tội, ngoài ra chúng tôi không mong gì hơn”, bà Nguyễn Thị Dinh nói.
Ngày 11/5 (trước khi TAND TP Hòa Bình mở lại phiên tòa 4 ngày), Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc gửi Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc đơn kiến nghị của bác sỹ Hoàng Công Lương.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng, bác sỹ Hoàng Công Lương công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá công bằng, đúng bản chất hành vi của bác sỹ trong vụ việc liên quan tới sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến: chuyển đơn của bác sỹ Hoàng Công Lương đến Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.