Tân binh khóc vì bị đưa tới gần biên giới Ấn Độ, Trung Quốc nói gì?

Minh Thu |

Truyền thông Trung Quốc cáo buộc Đài Loan cố tình xuyên tạc khi nói các tân binh Trung Quốc khóc trên chuyến xe điều tới vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Truyền thông Trung Quốc cáo buộc Đài Loan cố tình xuyên tạc khi nói các tân binh Trung Quốc khóc trên chuyến xe điều tới vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, phía Đài Loan cố tình “thay đổi tâm trạng” trong đoạn video khi nói binh sĩ Trung Quốc đã khóc vì bị điều tới vùng biên giới giáp Ấn Độ.

Trước đó, vào ngày 20/9, diễn viên hài người Pakistan Zaid Hamid đã đăng lên tài khoản Twitter đoạn video cho thấy, các tân binh Trung Quốc ngồi trên chuyến xe buýt vừa khóc vừa hát khi được cho bị "đưa tới khu vực biên giới Ladakh giáp mặt với quân đội Ấn Độ".

Chính sách một con ở Trung Quốc đã “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sĩ khí của những người anh em Trung Quốc", ông Hamid viết.

Đoạn phim được đăng tải trên tài khoản Twitter của diễn viên hài người Pakistan Zaid Hamid.

Ban đầu, đoạn video trên được đăng trên trang WeChat của tờ Fuyang City Weekly vào ngày 15/9, nhưng ngay sau đó đã bị xóa. Theo hình ảnh video, 10 tân binh từ thành phố Phụ Dương thuộc quận Dĩnh Châu của tỉnh An Huy đã khóc trong lúc hát bài "Hoa xanh trong quân ngũ".

Truyền thông Đài Loan đã dẫn lại video và cho rằng, 10 tân binh Trung Quốc khóc vì sợ hãi do bị điều động tới làm nhiệm vụ gần biên giới Ấn Độ.

Nhưng sau đó, truyền thông Trung Quốc khẳng định các binh sĩ khóc vì xúc động sau khi chia tay bố mẹ để lên đường tới doanh trại, chứ không phải là tới khu vực biên giới giữa Trung - Ấn.

Thời báo Hoàn Cầu xác nhận tờ Fuyang City Weekly đã cho đăng tải hình ảnh 10 chiến sĩ trẻ là những người sinh sống ở thành phố Phụ Dương thuộc quận Dĩnh Châu. Những người này được tuyển trong đợt tuyển quân bắt đầu vào ngày 1/8.

Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, các tân binh là sinh viên đại học và 5 người trong số này chủ động xin tới doanh trại đóng quân ởTây Tạng, khu vực giáp vùng Ladakh.

Thời báo Hoàn Cầu còn nhấn mạnh, Đài Loan đã cố tình gây dựng hình ảnh binh sĩ Trung Quốc sợ chiến đấu và gắn hình ảnh họ xúc động khóc trên xe buýt với tình hình căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn.

Thời gian gần đây, hàng ngàn binh sĩ Trung - Ấn đã có mặt dọc biên giới tranh chấp ở vùng Ladakh. Sau nhiều tuần xảy ra căng thẳng, một vụ đụng độ đẫm máu đã xảy ra vào ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ thương vong sau vụ việc. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Ngoài ra, binh sĩ hai nước đã ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại Đường Kiểm soát thực tế (LAC).

Cả Trung Quốc và Ấn Độ còn liên tục đổ lỗi cho nhau trái phép vượt qua LAC nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. LAC có chiều dài 4.057 km là khu vực xảy ra tranh chấp giữa Trung - Ấn trong hàng thập niên qua.

Còn theo thông cáo chung được chính phủ Ấn Độ công bố hôm 22/9, sau cuộc gặp của các tướng quân đội Trung - Ấn vào ngày 21/9 ở Moldo, khu vực do Trung Quốc kiểm soát tại LAC, hai nước đã đồng thuận dừng điều động thêm binh sĩ tới khu vực tranh chấp biên giới trên dãy núi Himalaya, cũng như tránh động thái làm phức tạp thêm tình hình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại