"Kho dự trữ hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới"
Vào thời điểm mà Ấn Độ - đối thủ chính của Pakistan trong khu vực – đang căng thẳng sâu sắc với Trung Quốc tại vùng đông Ladakh, Islamabad biết rằng họ đã có cơ hội rõ ràng để vượt lên trước New Delhi, với sự trợ giúp của chương trình hạt nhân.
Pakistan là 1 trong 9 quốc gia đã phát triển vũ khí hạt nhân và nhờ thế, quốc gia này đang nắm trong tay một lợi thế chiến lược so với Ấn Độ, họ có thể ngăn chặn bất cứ cơn giận dữ nào của New Delhi bằng cách đe dọa dùng vũ khí hạt nhân.
Đáng nói là, Islamabad không theo đuổi chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước", điều đó càng làm dấy thêm nhiều nghi ngại tại New Delhi.
Năng lực hạt nhân của Pakistan vẫn thua kém so với "người anh em" Trung Quốc [Báo cáo ngày 1/9 năm nay của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bắc Kinh đang sở hữu hơn 200 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, các nhà phân tích độc lập ước tính Trung Quốc có hơn 300 đầu đạn].
Tuy nhiên, họ lại có kho vũ khí hạt nhân chiến thuật đa dạng rất phù hợp với yêu cầu của bản thân.
Khác với các loại vũ khí hạt nhân chiến lược với kích cỡ lớn hơn đáng kể, các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Islamabad [hay còn được biết đến là vũ khí hạt nhân phi chiến lược] có đương lượng nổ thấp, sức công phá không quá 10 kiloton.
Những vũ khí này chủ yếu được dùng để tiêu diệt các đội quân địch, phá hủy kho tiếp tế, sở chỉ huy và những mục tiêu có giá trị cao khác của đối phương.
Pakistan thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh: AP
Theo ông Hans M. Kristensen - Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cùng ông Robert Norris [một hội viên khác trong Liên đoàn], Pakistan đang có trong tay "kho dự trữ hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới".
"Pakistan đang sở hữu khoảng 150-160 vũ khí hạt nhân. Họ dự trữ xấp xỉ 3.4 ± 0.4 tấn uranium độ giàu cao (HEU) và đang sản xuất được lượng HEU đủ cho 10-15 đầu đạn mỗi năm. Nước này còn có một kho dự trữ với khoảng 280kg plutonium cấp độ vũ khí" – Bản báo cáo đăng trên trang Nuclear Threat Initiative (NTI) Security Index (nti.org) cho hay.
"Dùng ngay hay để mất"
Hiện tại, lực lượng Sư đoàn các kế hoạch chiến lược (SPD) của Pakistan đang là cơ quan phụ trách bảo vệ kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược của quốc gia.
Trung tướng về hưu Khalid Kidwai – Giám đốc tiên phong của SPD, đồng thời là người sáng lập lực lượng này – đã đề xướng chính sách "răn đe toàn phổ", mục đích là định hướng hướng phát triển năng lực hạt nhân quốc gia sao cho có thể "đặt mọi mục tiêu tại Ấn Độ vào trong tầm ngắm của Pakistan".
"Pakistan có cả 3 loại vũ khí hạt nhân chiến dịch, chiến thuật và chiến lược, với phạm vi bao phủ toàn diện các vùng đất rộng lớn của Ấn Độ, cũng như các vùng lãnh thổ xa xôi của họ", ông Kidwai nói, "Ấn Độ sẽ không có nơi nào để lẩn trốn".
So với Pakistan, quân đội Ấn Độ đang sở hữu và triển khai số lượng lớn hơn các xe tăng vượt trội về chất lượng, đặc biệt về trang bị. Tuy nhiên, các loại vũ khí hạt nhân của Islamabad, đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến thuật, đang nắm giữ chìa khóa cho phép Pakistan bù đắp lợi thế đó của Ấn Độ.
Pakistan không theo đuổi chính sách "không sử dụng [vũ khí hạt nhân] trước". Điều này khiến Ấn Độ lo ngại. Ảnh: India.com
Một lợi thế khác mà Pakistan đang nắm giữ đó là, khác với Trung Quốc và Ấn Độ, Islamabad không theo đuổi chính sách "không sử dụng [vũ khí hạt nhân] trước", mà bảo trì quyền dùng tới vũ khí hạt nhân, cụ thể là vũ khí hạt nhân chiến thuật đương lượng nổ thấp, để có thể đối phó với Ấn Độ trong một cuộc chiến tranh quy ước.
Do đó, nếu bị áp lực phải sử dụng vũ khí hạt nhân, Pakistan sẽ có phản ứng nhanh hơn nhiều so với các nước láng giềng. Ấn Độ và Trung Quốc hiện vẫn chủ trương chính sách "Không sử dụng [vũ khí hạt nhân] trước", tức là chỉ triển khai đáp trả trong trường hợp bị tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.
Theo Yogesh Joshi, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế, Đại học Stanford, Pakistan luôn lo ngại rằng INS Arihant, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) duy nhất của Ấn Độ hiện nay, có thể được sử dụng để tấn công phủ đầu nhằm vào kho vũ khí hạt nhân của Pakistan trong trường hợp khủng hoảng.
Suy nghĩ đó dường như sẽ tạo ra áp lực "dùng ngay hay là để mất" đối với Pakistan trong một tình huống bất ngờ có liên quan tới Ấn Độ.