Giao lưu trực tuyến: NGƯỜI VIỆT ĂN GÌ ĐỂ KHÔNG CHẾT?
Giao lưu trực tuyến: NGƯỜI VIỆT ĂN GÌ ĐỂ KHÔNG CHẾT? (P2)
Đó chính là một phần nội dung mà PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội trả lời độc giả trong buổi giao lưu trực tuyến "Người Việt ăn gì để không bị ung thư?".
Ngoài ra, ông còn làm rõ rất nhiều băn khoăn khác của độc giả về an toàn thực phẩm như thực phẩm biến đổi gen có gây ung thư không, hóa chất kích thích và tăng trọng dành cho rau và động vật nuôi có thể đào thải ra ngoài theo thời gian không?
Dưới đây là phần trả lời của PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh:
Hỏi: Tôi vừa độc thông tin về các loại dầu ăn như dầu hướng dương, dầu đậu nành… đều không thực sự tốt cho sức khỏe và có thể gây bệnh ung thư. Thông tin này làm tôi rất hoang mang.
Theo ông, có nên tin vào điều này và từ bỏ không dùng dầu ăn nữa không? (Độc giả Hòa Bình - Quảng Xương, Thanh Hóa)
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh: Thông tin về các loại dầu ăn như dầu hướng dương, dầu đậu nành không tốt sức khỏe, gây ung thư là vừa đúng vừa sai.
Nếu như nói chung chung, người dân không hiểu cụ thể thì thông tin sẽ thành sai.
Trước đây các nhà khoa học vẫn khuyên người dân nên ăn dầu thực vật và giảm mỡ động vật.
Nguyên nhân là vì dầu thực vật chứa những axit béo không no có lợi cho việc chống hình thành cholesterol trong máu và cơ thể, đồng thời làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn, chống được bệnh tim mạch.
Nếu ăn mỡ động vật thì hàm lượng chất béo lớn khiến người ăn dễ mắc bệnh mỡ máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tuy nhiên, dầu ăn khi chiên rán ở nhiệt độ cao thì sẽ tạo ra chất độc hại vì dầu sôi ở nhiệt độ cao thì sẽ gây ra biến đổi chất.
Tôi khuyên người dân khi chiên rán nên dùng mỡ động vật là chất béo chứa hợp chất axit béo không no, ít biến đổi thì sẽ ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn.
Đồng thời, nên hạn chế ăn đồ chiên rán, nếu thích ăn thì nên chiên rán non thôi, không nên rán thật kỹ, thật giòn.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh
Hỏi: Hiện nay, có rất nhiều thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen. Tôi rất lo lắng không biết thực phẩm biến đổi gen thì có gây ung thư như một số tài liệu nói không. Xin ông cho biết về vấn đề này. (hoang_hien57@gmail.com)
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh: Tôi xin được khẳng định, thực phẩm biến đổi không gây ung thư, loại thực phẩm này chỉ có nguy cơ (chỉ là nguy cơ chứ chưa được khẳng định) làm biến đổi gen trong cơ thể.
Hiện nay, thực phẩm biến đổi gen được làm có mục đích khác nhau. Đoạn gen trong thực vật mỗi một giống có cấu trúc khác nhau.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nghiên cứu nhận thấy rằng trong sinh vật khác có đoạn gen có tác dụng chống những điều kiện ngoại cảnh nhất định.
Người ta sẽ ghép các đoạn gen đó vào thực vật khác để tăng khả năng chống bệnh và ngoại cảnh của chính loại thực phẩm được ghép (ví dụ chống hạn, chống mặn, sâu bệnh, nấm mốc, hay cây phát triển nhanh…)
Tại Mỹ, cho phép thực phẩm biến đổi gen trong thực phẩm. Tuy nhiên, nếu sản xuất, phải ghi nhãn là thực phẩm biến đổi gen để người tiêu dùng tự quyết định.
Nhiều nước thận trọng như ở châu Âu không cho phép thực vật biến đổi gen trong thực phẩm vì họ cho rằng thực phẩm biến đổi gen thâm nhập vào cơ thể người có gây biến đổi cơ thể hay không. Điều này vẫn chưa có công trình nào xác thực.
Hiện nay, VN đã cho phép tạo thực phẩm biến đổi gen tuy nhiên chưa biết có ảnh hưởng tới con người hay không. Và các nhà khoa học đang nghiên cứu cụ thể về thực phẩm biến đổi gen để đảm bảo sức khỏe người dân nhiều thế hệ.
Còn riêng về nguy cơ gây ung thư thì tôi khẳng định một lần nữa là thực phẩm biến đổi gen không gây ung thư.
Hỏi: Theo tôi hiểu, rau có phun thuốc kích thích, lợn gà nuôi bằng tăng trọng thì những hóa chất đấy sẽ ngấm vào tế bào. Khoảng thời gian 1 - 2 tháng ngừng phun/cho ăn hóa chất trước khi xuất chuồng chỉ là thải tồn dư hóa chất trongrau hoặc cơ thể động vật chứ nếu ngầm vào tế bào thì làm sao thải hết được.
Vậy thì những loại thực phẩm này có thực sự an toàn với người ăn không, thưa ông? (Hoàng Huyền - Hải Dương)
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh: Trong số các loại hóa chất được sử dụng làm cho động vật, chất tạo nạc (Salbutamol và Clenbuterot) có nguy cơ rất lớn cho đời sống con người.
Khi chất này vào cơ thể, nó sẽ tạo thành cấu trúc của tế bào và thay đổi tế bào, không thể đào thải ra ngoài. Khi người ăn phải thịt động vật có hóa chất tạo nạc cũng đồng nghĩa với việc ăn luôn loại hóa chất này.
Một số loại chất độc hại khác có thể đào thải theo thời gian. Nếu chất độ ở nồng độ thấp thì có thể thải dần ra ngoài đến hết.
Tuy nhiên, nếu bị tích lũy quá nhiều, cơ thể người không thể thải hết thì nó sẽ được tích lũy trong gan, máu… và nó sẽ trở thành chất độc hại.
Hỏi: Gia đình tôi có một mảnh đất trồng rau không phun thuốc trừ sâu, nhưng mảnh ruộng bên cạnh thì có phun thuốc. Vậy mảnh ruộng của tôi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu của mảnh ruộng bên cạnh không, thưa ông? ( hoa_bang_lang@yahoo.com )
Chào bác, về nguyên tắc, thuốc trừ sâu không thể chạy từ mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác, nhưng nó sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng. Vì khi phun thuốc trừ sâu, sâu sẽ bị di chuyển sang ruộng nhà bên cạnh, khiến cho mật độ sâu nhà bên cạnh cao hơn.
Điểm thứ 2, thuốc trừ sâu có thể rơi xuống mặt đất, theo nước mưa trôi đi sang vùng xung quanh (ao hồ đầm lầy) khiến nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm.
Vấn đề bảo vệ thực vật không phải của riêng ai mà là của cả cộng đồng, tổ chức và xã hội. Cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở sản xuất cộng đồng để tiêu diệt tận gốc vấn đề mà không gây ra những tác hại như tôi nói ở trên.