Danh sách khách mời của buổi giao lưu gồm có:
1. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm
2. PGS.TS Nguyễn Trung Chính - Ủy viên thường vụ Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Ung bướu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
3. TS - Lương y Nguyễn Hữu Khai
4. TS Trần Bắc Hải - Chuyên nghiên cứu về miễn dịch học, đang công tác tại BV Hoàng gia Adelaide
5. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas)
6. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam
7. Nghệ sĩ Hán Văn Tình - Bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định
8. TS - BS. Hoàng Xuân Ba - Trợ lý GS, Khoa Ngoại, Đại học Y khoa Keck, Đại học Nam California (VSC)
9. Bác sĩ Trần Thị Anh Tường - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM
10. Tiến sĩ Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực, bệnh viện K Trung Ương
11.BS Nguyễn Thị Thế Thanh - BS chuyên khoa II, PGĐ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai
12. TS - BS Phạm Cẩm Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai
>> Mời xem P1 giao lưu trực tuyến: NGƯỜI VIỆT ĂN GÌ ĐỂ KHÔNG CHẾT VÌ UNG THƯ?
- Hiện nay tôi được biết trên thị trường có bán máy đo an toàn thực phẩm Soeks, đo nồng độ natri trong rau quả thịt. Xin cho hỏi mức độ tin tưởng của máy này đối với thị trường VN và bà còn biết loại máy đo an toàn nào nữa không? Xin cảm ơn! (Độc giả)
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Cái này bạn có thể hỏi Viện Kiểm nghiệm An toàn Thực phẩm Quốc gia, Cục Thực phẩm xem máy đó có chính xác không.
- Ông dự đoán trong bao lâu nữa ung thư sẽ ra khỏi danh sách bệnh hiểm nghèo tương tự như trường hợp bệnh lao? (Hải Đăng - Kon Tum)
TS. BS. Hoàng Xuân Ba: Hiện nay, cách nghiên cứu và điều trị bệnh ung thư trên thế giới giống tôn giáo hơn là khoa học.
Bởi vậy, tôi nghĩ rằng bệnh ung thư sẽ không bao giờ được phòng điều trị và có thể loại bỏ ra khỏi danh sách các bệnh hiểm nghèo trong một tương lai xa nếu như không có một cuộc cách mạng mang tính xã hội, và khoa học trong nghiên cứu và điều trị ung thư.
Tôi có thể giải thích thêm là ung thư hiện nay là phương tiện làm giàu, tiến thân của rất nhiều nhà khoa học, viện nghiên cứu, các hãng dược và công nghệ sinh học, những phương pháp, đường lối được đưa vào thử nghiệm trong bệnh ung thư đều phải có động lực phải bảo vệ bằng bản quyền và có khả năng đưa đến những lợi nhuận kinh tế khổng lồ cho những người phát triển và đưa vào thị trường.
Nếu y học hiện đại chấp nhận quay lại đường lối, cách thức cổ điển để tìm ra phương thức chữa trị và phòng chống từ hàng nghìn năm trước đây thì sẽ hiệu quả và tiết kiệm, và có thể ứng dụng cho những ng nghèo nhất, ít độc hại hơn nhiều so với các phương pháp hiện nay.
- Sục ozon có tác dụng giải độc thực phẩm không? (Thanh Giang - Hà Tây)
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Sục ozon không giải độc được hoàn toàn nhưng giảm được lượng thuốc trừ sâu và chất bảo quản.
Đối với rau, quả và trái cây, để hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản khi chế biến cần lưu ý:
Thứ nhất, rửa sạch dưới vòi nước ba lần. Thứ hai, đối với rau củ có vỏ dày có thể dùng bàn chải để chà dưới vòi nước.
Đối với những rau củ phải ăn cả vỏ như dâu tây, sơri có thể ngâm trong nước muối loãng hoặc dấm loãng hoặc nước ấm 40 độ C trong 15 phút.
- Theo bà, việc thanh lọc cơ thể thường xuyên có thể đào thải được tế bào ung thư không? (Kim Tú - Hải Phòng)
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Thanh lọc cơ thể trong những sách vở của thế giới không đề cập tới nhiều. Cái quan trọng người ta đề cập tới là sự lựa chọn thực phẩm khi ăn vào để cân bằng và có lợi cho sức khỏe, chứ không phải là ăn những thực phẩm không có lợi rồi thanh lọc.
Theo tôi, phương pháp thanh lọc cơ thể không thực sự hiệu quả. Nếu thực sự có hiệu quả, nó đã được đề cập đến trong các tài liệu khoa học.
- Là người hiểu rõ các nguồn cơn gây ra bệnh ung thư, trong đó có việc ăn uống độc hại gây ra như thế nào. Bà đã và đang làm gì để bảo vệ chính những người thân trong gia đình khỏi mắc ung thư từ việc ăn uống? Chẳng hạn: Bà mua ngoài chợ không hay mua rau quê, thịt lợn thì lấy từ nguồn nào? (Thu An - Bình Địnhh)
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Tôi vẫn mua rau ở ngoài chợ nhưng mua của người quen và họ bán thường xuyên mà mình biết gia đình họ tự trồng, không dùng hóa chất, mùa nào thức ấy.
Bạn cũng có thể mua rau, thịt, cá, cua, hải sản ở các cửa hàng rau sạch mà có đăng ký giấy phép. Ví dụ như: Các cửa hàng rau sạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thịt cũng có thể mua ở người quen ngoài chợ và tốt nhất là nên mua ở một địa chỉ nhưng tôi khuyên, trước khi chế biến, bạn nên luộc qua thịt, sườn một nước rồi đổ bỏ đi, rửa lại rồi mới chế biến theo món của mình.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm
- Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với người bệnh, tuy nhiên đối với người mắc bệnh ung thư dạ dày thì khả năng tiếp nhận cũng như hấp thụ dinh dưỡng rất hạn chế. Vậy theo bác sỹ, chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư dạ dày cần chú ý những gì? (Bích Hường - Thái Bình)
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Chế độ cho bệnh nhân ung thư dạ dày còn tùy thuộc vào bệnh nhân có cắt được dạ dày hay không. Chắc chắn rằng khi bị ung thư dạ dày sẽ có ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa thức ăn.
Trong trường hợp bạn đã được phẫu thuật cắt toàn phần hoặc gần toàn phần dạ dày, chế độ ăn sau phẫu thuật cần phải ăn ít cho mỗi bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày, hạn chế những thức ăn có nhiều dầu mỡ, nhiều chất tinh bột, nhiều chất đường.
Như vậy, người bệnh cần phải ăn nhiều thức ăn có chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu để cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho người bệnh.
Nếu trong trường hợp bướu lớn không thể phẫu thuật cắt dạ dày được, diễn tiến sau đó sẽ làm cho bệnh nhân bị hẹp môn vị, làm cho thức ăn không thể đi xuống ruột non được, bệnh nhân sẽ bị nôn ói hết tất cả những thức ăn vừa ăn vào.
Khi đó, cần phải mở hổng tràng (ruột non) ra da để nuôi ăn. Khi nuôi ăn với ống thông hổng tràng cần phải lựa những thức ăn dễ hấp thu, phải truyền nhỏ giọt, việc chế biến cần được hướng dẫn từ các chuyên gia dinh dưỡng.
- Cháu biết thời gian vừa qua bác Hán Văn Tình đã tham gia rất nhiều hoạt động liên quan đến ung thư để giúp đỡ cộng đồng, điều đó thật đáng kính trọng.
Cháu xin bác kể cho độc giả nghe một số câu chuyện xúc động mà bác đã gặp về người bệnh ung thư được không. Đã bao giờ bác khóc khi gặp họ chưa? (Em Vũ Khánh Ly-Nghĩa Tân, Hà Nội)
Nghệ sỹ Hán Văn Tình: Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư. Ở khoa nhi Bệnh viện K, có rất nhiều các cháu nhỏ bị mắc ung thư, có cháu rụng hết tóc, có cháu bị cưa chân… Các cháu cười rất vui vẻ nhưng bố mẹ và những người thân lại khóc.
Có bệnh nhân ở Quảng Ninh bị ung thư, gọi điện và tìm đến cơ sở mà tôi đã chữa trị. Mặc dù bệnh rất nặng nhưng sau khi chia sẻ cùng tôi và tham khảo phác đồ điều trị của bệnh viện mà tôi từng điều trị, bệnh nhân ấy rất an tâm.
Có 1 bệnh nhân ở Nam Định, khi biết tin bị ung thư, hàng xóm đã đến chia buồn. Một buổi tối, tôi gặp họ và chia sẻ về căn bệnh ung thư. Họ đã bình tâm hơn, hiện tại đã phẫu thuật và điều trị.
Có bệnh nhân tên Dũng, tuổi còn rất trẻ. Sau khi tôi động viên và chia sẻ, Dũng đã đến bệnh viện mà tôi từng điều trị và hiện nay sức khỏe Dũng tương đối tốt…
Có rất nhiều bệnh nhân ở các nơi khác cũng gọi đến, tôi cũng khuyên họ tới bệnh viện kiểm tra, xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh và an tâm điều trị.
Tôi rất vui khi giúp đỡ được nhiều người bằng cách chia sẻ với họ về quá trình tôi đã điều trị và những phương pháp mà tôi đã áp dụng.
- Nhiều nốt ruồi có phải 1 trong những dấu hiệu ung thư da không, thưa bác sĩ? (Em Thanh Thảo-Nha Trang, Khánh Hòa)
TS Hoàng Đình Chân: Nếu nốt ruồi bị kích thích và phát triển bất thường (dễ chảy máu, bề mặt sần sùi, phát triển nhanh), thì rất có thể là biểu hiện của bệnh ung thư. Tuy nhiên, không phải nốt ruồi nào cũng gây ung thư.
- Người đang điều trị ung thư thì có nên tập thể dục không? Với người bình thường tập thể dục thường xuyên có làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư không? (Anh Vũ Thành Danh-TP Điện Biên, Điện Biên)
TS Hoàng Đình Chân: Với những người mắc ung thư, nếu tập thể dục thì có thể tập yoga, những loại hình vận động nhẹ nhàng, tuy nhiên cũng phải phù hợp với thể chất của từng người.
Với người bình thường tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Khi thể chất khỏe, hệ miễn dịch tăng lên, hoàn toàn có khả năng tránh được bệnh ung thư.
- Phương pháp nút mạch để cô lập khối u có hiệu quả hơn phương pháp truyền thống? (Ông Đào Quang Ngọc-Thành phố Phủ Lý, Hà Nam)
TS Hoàng Đình Chân: Trong ung thư, phẫu thuật là biện pháp đầu tiên được áp dụng với những khối u ung thư vào giai đoạn sớm. Khi phẫu thuật không thực hiện được, họ sẽ dùng biện pháp nút mạch, hai phương pháp này không mâu thuẫn với nhau.
Tuy nhiên, trong phương pháp nút mạch (để khối u không có dinh dưỡng) thì khối u tự chết, tự teo đi, do vậy, với khối u còn nhỏ dùng phương pháp này là hiệu quả nhất. Còn những khối u di căn sẽ không dùng phương pháp nút mạch
Nguyên tắc điều trị ung thư là điều trị đa mô thức.
- Thưa ông, các cơ quan chức năng cần làm gì để hạn chế các loại thực phẩm bẩn, độc hại đang tràn lan trên thị trường? (Bạn Vũ Thanh Tú-Thanh Liêm, Hà Nam)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Luật an toàn thực phẩm đã quy định rất rõ, trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, vì vậy, mong các Bộ chỉ đạo cơ quan chức năng của mình làm tốt công tác thực thi, như kiểm tra tận gốc nơi sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông trong suốt quá trình thực phẩm từ “trang trại đến bàn ăn”.
Trong sản xuất, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng gây ung thư hiện nay xảy ra quá nghiêm trọng.
Tình trạng người sản xuất trồng 1 luống rau sạch để gia đình mình ăn còn 1 luống rau để bán thì lại sử dụng chất cấm đã xảy ra rất nhiều năm mà chưa được ngăn chặn.
Bản thân tôi, trong 1 lần vô tình trò chuyện với 1 cháu học sinh, cháu có hỏi tôi: “Nhà bác có hay ăn giá đỗ không?”, cháu có khuyên tôi bác ăn giá đỗ gày, đừng ăn giá đỗ mập, bóng, vì làng cháu làm giá đỗ cháu biết loại giá đỗ mập người ta dùng hóa chất rất độc.
Câu chuyện cách đây hàng chục năm tôi đã kịp thời cảnh báo rất nhiều lần, tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa bị ngăn chặn.
- Có phải sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm của cơ quan chức năng đang khiến cho thực phẩm “bẩn” làm ảnh hướng trực tiếp đến cuộc sống người dân? (Anh Nguyễn Quang Vinh-Ba Đình, Hà Nội)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Khách quan mà nói các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra phát hiện nhiều vụ việc, nhất là từ khi có Ban chỉ đạo 389.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay thì hiệu quả của việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm rõ ràng chưa đáp ứng nhu cầu, điều này khiến cho thực phẩm “bẩn” làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.
- Thưa ông, với tư cách là Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, Hội đã có những hoạt động nào để đấu tranh chống hàng hóa, thực phẩm “bẩn” trên thị trường? (Ngô Duy Chiến, Bình Phước)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hội đã tích cực tham gia vào việc xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó có lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Hội đã tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đồng thời chúng tôi tổ chức khảo sát, phát hiện những thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường để cảnh báo người tiêu dùng và kiến nghị cơ quan Nhà nước xử lý ví dụ như chất tạo nạc, chất Tinopal trong bún, bánh phở…
Mặt khác, Hội cũng tăng cường quảng bá, khuyến cáo, cảnh báo người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên chính cơ quan ngôn luận của hội là báo Người tiêu dùng, qua đó giải quyết những khiếu nại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thưa ông, vào siêu thị mua thực phẩm dán mác thực phẩm sạch, đã được kiểm định với mức giá cao hơn ngoài chợ nhưng vẫn chưa chắc an toàn, nên nhiều người cũng dần mất lòng tin vào công tác kiểm định thực phẩm tại Việt Nam, nếu đứng ở vị trí là người tiêu dùng, ông nghĩ sao?
Lỗi phải chăng vẫn là ở người tiêu dùng quá thờ ơ với bản thân? (Chị Nguyễn Thanh Giang-Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi hoạt động trong tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – một tổ chức phi lợi nhuận luôn đứng về phía người tiêu dùng. Lỗi ở phía những tổ chức cá nhân làm ăn phi pháp đã rõ tuy nhiên về phía người tiêu dùng tôi cũng muốn nói rõ hơn.
Về mặt luật pháp, tại một số lớp tập huấn về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm trước khi đi vào bài giảng tôi có một cuộc trắc nghiệm nhỏ, mặc dù hai Luật này đã có hiệu lực hơn 4 năm nhưng số người biết đến lại rất ít.
Còn khi mua hàng hóa, như báo chí phản ánh, người chăn nuôi có nói rằng do thương lái ép sử dụng chất tạo nạc thì mới bán được hàng. Đó là một thực trạng, có cung thì mới có cầu.
- Quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Theo ông, nguyên nhân của việc này là gì? (Bác Thành Trung-Nghĩa Lộ, Yên Bái)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, nói một cách khái quát, Luật pháp còn bất cập, thực thi chưa hiệu quả.
Đồng tiền đang làm cho những người làm ăn bất chính quá coi thường sức khỏe, tính mạng của cộng đồng, nhưng họ không thấy rằng điều này có hại cho chính bản thân và gia đình họ khi mà ai cũng có tư duy làm ăn kiểu như vậy.
Cuối cùng, tôi cho rằng về phía người tiêu dùng, cũng không ít người mạnh dạn lên tiếng đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình cũng như cho cộng đồng.
Trong cơ chế thị trường, người tiêu dùng khi đơn lẻ thì thường ở vào thế yếu, nhưng khi là số đông thì còn mạnh hơn cả chế tài xử lý. Bởi, bất cứ doanh nghiệp nào khi bị người tiêu dùng quay lưng, tẩy chay sản phẩm của mình thì sẽ có nguy cơ phá sản.
Vì vậy, người tiêu dùng nên phát huy sức mạnh của mình cùng lên tiếng cùng hành động vì quyền lợi của bản thân, cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
- Tôi được biết bên Nhật có những loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng uống vào giúp diệt bớt tế bào ác tính, tế bào ung thư. Hoặc như bên Thái Lan, có những loại chất chiết xuất từ rắn có thể thải độc rất tốt nếu uống đều mỗi tháng 1 lần. Chỉ có điều là nó rất đắt.
Vậy xin bà cho chúng tôi lời khuyên là: Nếu đủ tiền, có nên dùng các loại đó dù chưa mắc bệnh không (để phòng); còn nếu mắc bệnh thì dùng có tác dụng không? Tôi vô cùng cảm ơn bà. (Độc giả Hoàng Trung Kiên, Long Biên, Hà Nội)
BS Nguyễn Thị Thế Thanh: Thực ra, hiện tại có rất nhiều ý kiến xung quanh việc sử dụng thực phẩm chức năng trong phòng và điều trị bệnh ung thư.
Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng thực phẩm chức năng không có tác dụng trong việc điều trị ung thư vì thực chất thực phẩm chức năng chủ yếu bổ sung vitamin, khoáng chất, và một số chất chống oxy hóa.
Chúng ta có thể sử dụng những thực phẩm chức năng đó để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, giá của những sản phẩm này quá cao so với giá trị, hiệu quả thực tế mà nó mang lại.
Thay vì dùng thực phẩm chức năng thì chúng ta nên thay đổi lối sống sao cho lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực phù hợp với công việc, lứa tuổi, sức khỏe của bản thân để có có một cơ thể khỏe mạnh.
- Ai cũng có tế bào ung thư. Vậy những người như thế nào thì dễ mắc bênh ung thư? (Độc giả Ngô Việt Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh)
TS-BS Phạm Cẩm Phương: Những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư, cụ thể là ung thư vú gồm có: người béo phì, người có mẹ, chị gái, em gái, dì ruột mắc bệnh ung thư vú, buồng trứng, người sống độc thân, không lập gia đình, không đẻ con, không nuôi con bú... có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn những người khác.
Với căng bệnh ung thư gan, những đối thượng có nguy cơ mắc cao là những người tiền sử viêm gan B, xơ gan, uống nhiều rượu, xơ gan, viêm gan do rượu…
Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, khoang miệng... trong khi những người béo phì, ăn nhiều đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, ít vận động, ăn ít rau, hoa quả, trong gia đình có người mắc bệnh ung thư đại trực tràng... có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.
- Tôi được biết, việc sử dụng phải các sản phẩm độc hại cũng là một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ông/bà đã và đang làm gì để bảo vệ chính những người thân trong gia đình khỏi mắc ung thư từ việc ăn uống? Chẳng hạn: Ăn rau thì có mua ngoài chợ không hay mua rau quê, thịt lợn thì lấy từ nguồn nào v.v. (Độc giả Chu Thị Hồng, Vĩnh Long)
BS Nguyễn Thị Thế Thanh: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư, ví du như gen, lứa tuổi, lối sống, vi khuẩn, virus, các hóa chất độc hại, nấm mốc, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng…
Chế độ dinh dưỡng không cân đối như ăn quá nhiều đạm, chất béo, ít chất xơ, uống ít nước cũng dễ dẫn tới căn bệnh ung thư.
Vì thế, chúng ta không nên ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối như dưa muối, cà muối, thịt hun khói, xúc xích... Uống nhiều rượu bia, các chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, không nên ăn những thực phẩm bị nấm mốc, những củ quả lên mầm như khoai tây bị lên mầm.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều những sản phẩm rau củ có chứa quá nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, cho nên người tiêu dùng nên mua ở những nơi có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nếu có điều kiện, tốt nhất nên tự cung tự cấp, hoặc tìm những nguồn cung cấp an toàn. Khi ăn những thực phẩm có chứa quá nhiều dư lượng thuốc trừ sâu thì tai biến đầu tiên là sẽ gây ngộ độc thực phẩm, về lâu dài sẽ gây ra các bệnh ung thư về đường tiêu hóa như ung thư trực tràng, dạ dày, ung thư tụy.
Những sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nói chung bây giờ không được nuôi theo cách truyền thống mà dùng những thực phẩm tăng trọng chứa sanbutamol hoặc corticoid, những thuốc tăng trọng không rõ nguồn gốc để tăng lợi nhuận, giảm thời gian nuôi.
Khi mua, khách hàng cố gắng mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như siêu thị, có kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những thực phẩm có phẩm màu như chất tạo màu trong kẹo, bánh, thực phẩm ăn nhanh, thịt quay, trà chanh, trà sữa chân trâu cũng rất nguy hại cho sức khỏe.
Nên tránh những thực phẩm ăn nhanh, đồ chiên rán vì dầu mỡ chiên rán nhiều lần đã bị oxy hóa cũng là một trong nguyên nhân gây ung thư rất lớn.
Vì thế, tránh xa đồ chiên rán, tăng cường ăn đồ hấp, luộc là cách chúng ta bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh ung thư.
Về lối sống, trong xã hội hiện đại ngày nay chúng ta ít vận động trong khi tiêu thụ nhiều thực phẩm quá nhiều đạm, chất béo, chất kích thích dễ gây ra bệnh béo phì, rối loạn chuyển hóa. Và đây cũng là một tác nhân gây gia tăng bệnh ung thư.
Ngoài ra, chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kì 6 tháng 1 lần để tầm soát những bệnh có thể phát hiện sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Để giải quyết tận gốc vấn đề này cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban nghành như nông lâm nghiệp, y tế, quản lý thị trường.
- Bà có thường hay đi ăn ở các quán ăn vỉa hè không? Ở góc nhìn chuyên môn thì theo bà để tránh ung thư tốt nhất nên tránh những loại thực phẩm đường phố nào?
Xin bà nói rõ tên các loại nhóm món ăn mà bà biết thay vì chỉ nói chung chung về loại chất gây ung thư vì không ai biết người ta cho chất gì vào món nào. Rất cảm ơn bà. (Độc giả Hoàng Trung Kiên, Long Biên, Hà Nội)
BS Nguyễn Thị Thế Thanh: Rất ít khi tôi đi ăn ở ngoài, một là không có thời gian, hai là những quán ăn đó không đảm bảo vệ sinh. Chúng ta nên tránh những thực phẩm đường phố vì thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh kém.
Một số loại đồ ăn, đồ uống điển hình cần tránh là:
+ Đồ ăn trong những quán cơm ở chợ, gần trường học, bệnh viện không được tươi sống, ôi thiu, đã qua tẩm ướp, bát đũa không vệ sinh, giấy ăn bẩn, bụi bặm đầu tiên có thể gây ngộ độc thực phẩm.
+ Những loại đồ uống như trà sữa, trà chanh vì dùng phẩm màu, chất tạo mùi không rõ nguồn gốc.
+ Đồ ăn vặt, ăn nhanh như nem chua rán, thịt xiên nướng, chân gà nướng.
+ Hoa quả dầm, ô mai có chứa phẩm màu, chất bảo quản chống mốc, đường hóa học hoặc người bán dùng hoa quả hỏng, chứa chất bảo quản như lê, táo Trung Quốc...
+ Tránh ăn đồ ăn chưa được nấu chín như gỏi, nem chua, tiết canh vì những đồ ăn này dễ gây ngộ độc và những bệnh kí sinh trùng như sán.
- Ông có thể nói rõ hơn cơ chế chất ung thư khi vào cơ thể con người sẽ phá huỷ hệ miễn dịch ra sao? (Mai Hoa - Hoàng Mai, Hà Nội)
Ông Bắc Hải: Tế bào bình thường có các gen gây biến đổi thành ung thư và các gen tác động theo chiều ngược lại, tức là kìm hãm ung thư. Tế bào bình thường phải trải qua nhiều giai đoạn biến đổi mới trở thành một tế bào ung thư.
Sự thể hiện của các gen gây ung thư và kìm hãm ung thư được điều hòa bởi các yếu tố môi trường.
Như vậy, có thể nói khả năng bị mắc ung thư hay không phụ thuộc vào cả nguyên nhân di truyền và nguyên nhân môi trường (ăn uống, tiếp xúc hóa chất, phóng xạ…).
Khi tế bào bình thường phát triển thành tế bào ung thư, nó bắt buộc phải bộc lộ ra trên bề mặt những phân tử khác lạ. Hệ miễn dịch có chức năng phát hiện và loại trừ những tế bào nào có bộ mặt khác lạ.
Nhưng tế bào ung thư thường phân chia nhanh, khi số lượng chúng trở nên quá lớn thì hệ miễn dịch không khắc phục được.
- Trong Đông y từ cổ chí kim có ghi nhận nào về việc điều trị thành công bệnh ung thư không? (Hoàng Mai Hồng - Hưng Yên)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Ngày xưa, quan niệm từ ung thư không như bây giờ, không giống từ cancer của y học hiện đại. Tuy nhiên, y học cổ truyền vẫn điều trị thành công nhiều trường hợp bệnh lý tương tự như cancer.
Chẳng hạn như bệnh ung thư vú người xưa gọi là “nhũ nham”. Đông y có sở trường điều trị bệnh ung thư vú, kể cả những trường hợp ở giai đoạn nặng nhất. Có người bị ung thư vú rồi đi xạ trị lớp da ngoài dày như mảng cơm cháy thế mà Đông y vẫn chữa khỏi.
Y lý y học cổ truyền dạy rằng: “Huyết hỏa sinh phong, huyết kiệt sinh ung”. Huyết hỏa sinh phong: tức là máu nóng thì sinh ra phong. Loại phong này gây bênh mẩn ngứa, đau đầu, đau nhức mỏi cơ thể và cả gây chứng đột quỵ…
"Huyết kiệt sinh ung" - nghĩa là khi thiếu máu tới mức kiệt thì sinh ra ung. Thiếu máu có thể là toàn cơ thể, và cũng có thể thiếu máu cục bộ (một vùng nào đó), do bế tắc khuyết mạch hoặc bị chèn ép làm máu không tới nuôi dưỡng được sinh ra thiếu tới mức kiệt, rồi sinh ra ung.
Như vậy, việc phòng “ung” là phải không để thiếu máu, là phải khai thông huyết mạch. Dựa vào lý luận này, Đông y đã lập ra nhiều bài thuốc điều trị. Nhiều bài thuốc có thể vận dụng điều trị bệnh ung thư theo quan điểm từ ung thư như y học hiện đại.
- Khi mắc bệnh ung thư, người ta thường đổ lỗi cho số phận. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến bệnh ung thư ở Việt Nam? Hoặc thói quen nào của người tiêu dùng Việt khiến người ta mắc bệnh ung thư? Thói quen tiêu thụ thực phẩm của người Việt có gì khác so với Úc? (hominhhieu500@gmail.com)
Ông Bắc Hải: Ung thư có các nguyên nhân cả về di truyền và môi trường. Do “số phận”, khi sinh ra bạn đã có thể được di truyền các gen làm cho ta dễ mắc ung thư hơn so với phần lớn mọi người khác.
Các yếu tố về môi trường sống, trong đó có thực phẩm độc hại, nước uống và không khí bị ô nhiễm… góp phần làm cho các gen nói trên bộc lộ tác dụng.
Các thói quen ăn uống đang bị nghi ngờ là làm tăng khả năng bộc lộ các gen ung thư bao gồm ăn nhiều thịt đỏ (bò, cừu…) và thịt bảo quản, thịt nướng và rán…
Thói quen tiêu thụ thực phẩm của người Việt truyền thống là khá lành mạnh với khẩu phần ít dùng thực phẩm bảo quản, ăn cá nhiều hơn so với các loại thịt, nhất là thịt đỏ (bò, cừu), ăn tương đối ít các món thịt rán và nướng, và đặc biệt là ăn nhiều rau tươi.
Dầu cá, rau tươi, nhất là các loại rau thơm, và nhiều loại trái cây… có chứa các chất kháng oxy hóa, được coi là có thể trung hòa tác dụng của những chất dễ gây ung thư.
Ác độc thay, nhiều sản phẩm rau quả hiện nay ở Việt Nam lại bị ngâm tẩm các chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, trong đó có rất nhiều hóa chất trôi nổi trên thị trường, không biết rõ thành phần.
- Báo Úc mới đây đã dẫn báo cáo do Bộ Y tế nước này cho thấy số ca mắc ung thư mới trong năm nay đã tăng 10% so với bốn năm trước và có thể lên tới 115.000 người.
Theo đánh giá, ung thư hiện là căn bệnh phổ biến hàng đầu tại Úc và nó thường diễn ra với những bệnh nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Còn tại Việt Nam, ung thư không trừ thành thị hay nông thôn. Theo ông, điều này nói lên điều gì? (Nhũ Hoàng Công - Gia Lai)
Ông Bắc Hải: Tôi không phải là chuyên gia dịch tễ học ung thư nên không dám thẩm định các con số bạn vừa nêu. Một tài liệu của Chính phủ Australia mà tôi có trong tay cho biết, năm 2011 có 118711 ca ung thư được chẩn đoán mới. Năm 2015, con số này có thể là 126800 (tăng 6,8%).
Do các tiến bộ về chẩn đoán sớm và điều trị, thời gian sống trung bình của người bệnh ung thư được kéo dài hơn, số ca tử vong vì các loại ung thư có giảm nhưng vẫn là nhóm bệnh gây tử vong thứ nhì, sau nhóm các bệnh tim mạch.
Trong các cộng đồng thổ dân Australia, tỷ lệ chẩn đoán ung thư hơi thấp hơn so với tổng thể, nhưng nguy cơ tử vong vì ung thư lại cao hơn so với các cộng đồng không phải thổ dân là 30%.
https://canceraustralia.gov.au/affected-cancer/what-cancer/cancer-australia-statistics
- Thưa PGS, TS Nguyễn Trung Chính, xin ông cho biết về những bệnh ung thư nào có tỷ lệ người mắc cao nhất? (Hoàng Công Hoàng - ĐH Bách Khoa, Hà Nội)
PGS, TS Nguyễn Trung Chính: Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh ung thư phổi nhiều nhất đối với nam giới và ung thư vú, ung thư tử cung là nhiều nhất đối với nữ giới.
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây khiến tỉ lệ ung thư phổi cao hơn hẳn so với các bệnh ung thư khác.
- Xin ông hãy hướng dẫn cho những người dân bình thường như tôi những cách để phòng tránh căn bệnh ung thư? (Nguyễn Văn Sơn - Thuận Châu, Sơn La)
PGS, TS Nguyễn Trung Chính: Trong đời sống bộn bề của nền công nghiệp, theo tôi, con người nên cố gắng sống lại cuộc sống tự nhiên của môi trường trong sạch.
Ví dụ, lĩnh vực thực phẩm: Sử dụng phân bón bình thường như ngày xưa cha ông mình trồng thì tôi tin sẽ không sao, nhưng cứ muốn đột biến lên, cho các loại chất kích thích vào thì làm sao không nhiễm hóa chất, không đột biến gen được.
Về thực phẩm, phải tuyệt đối tránh tác nhân hóa chất đưa vào thực phẩm. Hạn chế tối đa dùng chất hóa học, nếu giả sử có dùng thì bắt buộc phải tuân theo một tỉ lệ đúng quy định.
- Môi trường chúng ta đang sống đầy rẫy tác nhân gây ung thư, vì thế chúng ta phải xây dựng môi trường trong sạch, nhà máy tránh xa khu dân cư, chất thải công nghiệp phải đảm bảo đúng quy định.
- Vấn đề virus, ký sinh trùng, nhiễm trùng cũng là tác nhân gây ung thư, vì thế không được chủ quan, đừng nghĩ bị bệnh nhẹ mà chủ quan. Cần phải điều trị ngay để tránh gây đột biến.
Tôi lấy ví dụ như bị viêm họng, cứ tưởng là không chết ngay, không nguy hiểm tính mạng nhưng cứ để kéo dài, bệnh nặng thêm sẽ khiến một đột biến gen gây ung thư vòm họng…