Tôi là Lê Thị Vân, sống ở ngoại thành Hà Nội, năm nay 38 tuổi. Bố tôi vừa mất vì bệnh ung thư gan, đau xót quá.
Mặc dù đã được chạy chữa bằng đủ các phương thuốc, ông vẫn ra đi rất nhanh trong đau đớn hành hạ. Tôi thương bố quá và cũng lo cho gia đình mình rất nhiều.
Khi bố tôi phát hiện bệnh thì tế bào ung thư được xác đinh đã to bằng bao thuốc lá và đã di căn, giai đoạn cuối.
Suốt thời gian trước, ông thường xuyên kêu đau bụng vào ban đêm, nhưng do ông ngủ một mình (mẹ tôi đã mất), sợ phiền con cháu nên ông cố chịu đau không nói với ai. Đến khi nhập viện thì đã quá muộn.
Tôi phải làm gì để bảo vệ gia đình của mình?
Thưa bác sĩ, tôi nghe nói ung thư có thể di truyền, vậy 5 anh chị em tôi có thể mắc bệnh này từ bố không? Cả các con của tôi nữa? Tại sao ngày xưa không có thuốc bổ, không được ăn ngon mà các cụ nhà tôi vẫn sống khỏe mạnh, không có ai bị ung thư.
Mà bây giờ khoa học phát triển, được ăn ngon mặc đẹp, được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, lại nhiều người bị ung thư thế?
Rất nhiều người hàng xóm hay họ hàng mà tôi biết đã mắc bệnh ung thư và ra đi rất nhanh, không mấy ai sống được quá 6 tháng. Ngay cả những nghệ sĩ tên tuổi trên truyền hình, có kinh tế, được chạy chữa tốt, tôi cũng thấy có người chết vì ung thư.
Mới đây, tôi đọc báo thấy có cô gái đang là sinh viên đại học, tuổi còn trẻ, chưa đến 20 cũng chết vì ung thư. Tôi thấy băn khoăn, lạ lùng và lo sợ quá.
Tại sao người mắc ung thư lại ngày càng trẻ như vậy. Có cách làm phát hiện sớm bệnh ung thư không thưa bác sĩ?
Và khi phát hiện sớm, liệu có thể chữa khỏi hẳn không? Tôi có thể giúp người thân trong gia đình phòng tránh ung thư bằng những những cách nào?
Chân thành cám ơn bác sĩ!
Ý KIẾN CHUYÊN GIA
Bác sĩ chuyên ngành ung thư Hoàng Tài Mạnh
Chào bạn Vân!
Ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan) là một ung thư phát sinh từ gan. Nó còn được gọi là ung thư gan nguyên phát. Đây là bệnh rất ác tính, thường có tiên lượng xấu.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan gồm có:
- Nhiễm viêm gan B và viêm gan C lâu dài có liên quan đến ung thư gan do chúng thường dẫn đến xơ gan. Viêm gan B có thể dẫn đến ung thư gan mà không bị xơ gan.
- Uống rượu bia, thuốc lá.
- Người bị tiểu đường và béo phì.
- Một số loại thuốc, hóa chất cũng là yếu tố nguy cơ.
Tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 4. Ung thư gan chủ yếu xuất hiện ở người lớn tuổi, từ 50-60 tuổi. Thông thường nam giới có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 7 đến 8 lần so với phụ nữ.
Bệnh ung thư hiếm khi di truyền, chỉ có ít hơn 10% các trường hợp ung thư là do di truyền. Và bệnh ung thư gan có thể cũng không ngoại lệ tuy nhiên chưa có báo cáo chính thức về di truyền trong ung thư gan.
Nếu ung thư gan được chẩn đoán sau tuổi 50, thì khả năng do di truyền là rất thấp. Một dấu hiệu cho thấy ung thư có thể di truyền trong gia đình là khi một số thành viên mắc cùng một loại ung thư ung thư ở độ tuổi rất trẻ (dưới 30-35 tuổi).
Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân làm cho tỷ lệ ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng cao nhưng 3 nhóm nguyên nhân lớn:
- Cường độ làm việc quá sức khiến sức khỏe giảm sút, khả năng chống đỡ bệnh tật kém. Bên cạnh đó còn vấn đề bảo hộ lao động ở Việt Nam chưa được chú trọng.
- Tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động. Ô nhiễm không khí, bụi, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá, nguồn nước ô nhiễm, mỹ phẩm, nước hoa…
Theo nghiên cứu thì tại Việt Nam, Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố bị ô nhiễm đất nặng nề nhất. Hai thành phố này cũng đứng đầu châu Á về mức độ ô nhiễm bụi – theo báo cáo của Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc.
- Chế độ dinh dưỡng của người Việt Nam lại thiếu khoa học do nhiều thói quen ăn uống đã trở thành tập quán như ăn sống, ăn nướng, ăn gỏi, người nghèo lại thiếu thốn nhiều khi vì tiết kiệm mà ăn cả thực phẩm mốc, bẩn, ôi thiu… dễ bị mắc các loại vi khuẩn, virus đây cũng là các yếu tố phát sinh bệnh ung thư.
Gần đây thì chất bảo quản và chất kích thích trong thực phẩm trở nên đáng báo động.
Nếu bạn lo lắng bản thân và gia đình sẽ dễ mắc ung thư gan thì bạn nên chú ý một số biểu hiện sau nhé, ở giai đoạn đầu các triệu chứng không rõ hoặc chỉ mơ hồ:
- Mệt mỏi: người bệnh cảm thấy mệt mỏi triền miên, không muốn làm việc, hoạt động, ăn uống.
- Vàng da: có thể chỉ thoáng qua hay ngày càng tăng lên, dồng thời nước tiểu cũng vàng sẫm. nguyên nhân là tắc mật nên máu nhiễm sắc tố mật.
- Gầy sút cân nhanh trong thời gian ngắn.
- Khó chịu vùng gan (thường ở thượng vị và 2 bên hạ sườn): người bệnh cảm thấy tức, đau nhẹ, mơ hồ có thể gan to tự sờ thấy được.
Ở giai đoạn muộn thì các triệu chứng này rất rõ rệt: sờ thấy khối u vùng gan, đau tức vùng gan, vàng da, vàng mắt, lách to, chảy máu chân răng, phù…
Không riêng gì bệnh ung thư gan, tất cả mọi vấn đề khi phát hiện sớm thì cách giải quyết sẽ đơn giản và mang lại hiệu quả rất khả quan.
Đối với bệnh ung thư nói chung gọi là khỏi bệnh khi sống trên 5 năm sau kết thúc điều trị. Theo nghiên cứu của WHO ( tổ chức y tế thế giới):
- Khối u còn khu trú tại gan: tỷ lệ khỏi: 28%
- Khối u xâm lấn lân cận: tỷ lệ khỏi: 7%
- Khi có di căn: tỷ lệ khỏi dưới 2%
(Đây là tỷ lệ chung, mỗi giai đoạn cụ thể mỗi phương pháp điều trị có tỷ lệ khỏi khác nhau).
Để phòng tránh ung thư gan hiệu quả nhất thì bạn và gia đình nên chú ý: Tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, có chế độ sống, ăn uống lành mạnh, hợp lý.
Chúc bạn và gia đình khỏe!