Nhịn ăn chữa ung thư: Chưa kịp khỏi ung thư đã... chết

Lệ Nam |

Nhiều người cho rằng bị ung thư nên nhịn ăn vì càng ăn khối u ung thư càng phát triển. Sai lầm này khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn, còn người bệnh sẽ chết vì suy kiệt.

Suy kiệt vì nhịn ăn chữa ung thư

TS, BS Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện K Trung ương cho biết bà gặp rất nhiều bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng nặng sau khi nghe mọi người đồn điều trị ung thư bằng cách nhịn ăn để bỏ đói khối u ung thư.

Trường hợp bệnh nhân Đào Văn T. trú tại Hải Phòng bị chẩn đoán ung thư phế quản. Bệnh nhân xạ trị được hai lần sau đó bỏ về quê vì cho rằng xạ trị cũng không thể khỏi được bệnh.

Về nhà, ông T. tự chữa bệnh bằng cách nhịn ăn vì nghĩ tế bào ung thư cũng như các loại vi khuẩn, côn trùng khác nếu càng ăn vào, nó càng lớn nhanh, phát triển nhanh hơn.

Ông T. một ngày chỉ dám ăn hai thìa cơm nhỏ. Dù bụng đói, chân tay run lên, đường huyết hạ ông vẫn cố không ăn.

Càng ngày, sức khỏe ông càng yếu hơn. Ông không đau đớn vì ung thư mà phải chịu những cơn hành hạ về thiếu chất.

Bà Vũ Thị Bích trú tại thành phố Ninh Bình. Bà Bích bị ung thư vú giai đoạn 3. Bác sĩ đã phẫu thuật và truyền hóa chất. Nhưng do yếu nên bà Kim bỏ viện về nhà nhịn ăn để chiến đấu với bệnh ung thư.

Một thời gian sau, bà quay lại bệnh viện tái khám trong tình trạng xanh xao, yếu ớt, đau nhức ở xương. Lúc này, bác sĩ chụp CT phát hiện ung thư đã di căn vào xương.

Người bệnh đến khám ung thư tại bệnh viện K (Ảnh: Lệ Nam)
Người bệnh đến khám ung thư tại bệnh viện K (Ảnh: Lệ Nam)

TS Linh cho biết nhịn ăn để chữa bệnh làm cho tế bào ưng thư bị bỏ đói là sai lầm. Nếu không ăn với hi vọng tế bào ung thư sẽ chết đi thì chắc chắn người mắc bệnh ung thư sẽ chết trước khi tế bào ung thư chết.

Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ để có năng lượng theo đuổi các phương pháp điều trị vì các biện pháp điều trị ung thư rất mất sức khoẻ, ảnh hưởng nhiều hệ thống đến hệ thống của cơ thể.

Nguy hiểm hơn với người bệnh

GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng nhịn ăn hoặc không ăn chất đạm để giết khối u là một quan điểm phản khoa học và rất nguy hiểm đối với người bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người đã nghe theo và áp dụng. Việc nhịn đói hay không nhịn đói tế bào ung thư vẫn phát triển. Thậm chí, khi nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút, tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn.

Trên thực tế, tế bào ung thư có phát triển được hay không phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt... sẽ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư.

Ngược lại, đối với những bệnh nhân đã suy kiệt cả tinh thần, thể lực và sức đề kháng thì ung thư phát triển nhanh hơn. Do đó, nếu "đói", bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết do bệnh ung thư.

Hơn nữa, có đến 50% bệnh nhân khi phát hiện ra ung thư đã có biểu hiện sụt cân, suy dinh dưỡng. Việc điều trị cũng cản trở hấp thu dưỡng chất, nếu nhịn ăn thì chắc chắn bệnh nhân ung thư sẽ chết do suy kiệt.

Nếu một người bình thường một ngày cần 25 - 30kcal/kg cân nặng thì bệnh nhân ung thư cần từ 35 - 50kcalo/kg, tương tự protein ở người bình thường là 0,8g/kg thì bệnh nhân ung thư là 1,5 - 2g/kg.

Do đó, khi điều trị ung thư, bệnh nhân tuyệt đối không thể nhịn ăn hoặc kiêng khem mà ngược lại, muốn khỏi bệnh bệnh nhân phải duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt.

“Giai đoạn bệnh còn ở thời gian vàng ngọc nếu bệnh nhân bỏ qua đến khi quay lại viện, bác sĩ không thể điều trị được. Vì thế, nếu sử dụng phương pháp không khoa học đến lúc bệnh nặng không kịp nữa, lúc ấy  đã chìm quăng phao không kịp nữa.

Nếu vái tứ phương chúng ta sẽ hối hận, không còn khả năng. Nhiều bệnh nhân chúng tôi hỏi sao bệnh đã tàn tạ mới đến viện khám, họ đưa ra đủ các phương pháp nguy hiểm khác nhau.” – Giáo sư Đức nói.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại