Dư lượng clenbuterol trong các loại thịt gia súc, gia cầm đã được 1 số nước phát hiện. Clenbuterol gây độc cho cơ thể. Khi bị nhiễm clenbuterol sẽ làm cho cơ thể tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ.
Từ năm 1988, tại các nước châu Âu đã cấm đưa clenbuterol vào thức ăn chăn nuôi. Năm 1991, nước Mỹ cũng đã cấm đưa chất này vào thức ăn chăn nuôi.
Ở Việt Nam, năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay liều lượng dùng clenbuterol trong chăn nuôi không lường được, cho nên con người dùng thịt lợn bị nhiễm sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc.
Ngộ độc clenbuterol ở người sau một thời gian sử dụng sẽ gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, gây nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hóa. Trường hợp cấp tính gây tiêu chảy.
Cách nhận biết thịt siêu nạc có hóa chất:
Nếu lớp mỡ dưới da miếng thịt mỏng, lỏng lẻo thì nên tránh. Bởi vì thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất thì lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5 - 2cm.
Thịt lợn có chứa các độc chất clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.
Khi thái thịt nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng.
Khi mua thịt cần lưu ý chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.