Sau COVID-19, thủy đậu có diễn biến phức tạp hơn

Thủy Đậu |

Thủy đậu lây truyền chủ yếu qua việc tiếp xúc với chất dịch nốt thủy đậu của người bệnh từ da, quần áo, hoặc qua đường hô hấp khi giao tiếp với người bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 550 ca mắc thủy đậu. Số ca mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Bên cạnh đó, một số trường hợp người lớn mắc bệnh đã phải nhập viện điều trị.

Ghi nhận tại Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, trong 2 tuần qua, đã tiếp nhận 9 ca mắc thủy đậu đều là người lớn phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 8 người cùng ở tại một địa chỉ. Những người này lần lượt khởi phát các triệu chứng mẩn ngứa cách đây khoảng 2 tuần nên đến bệnh viện thăm khám.

Sau COVID-19, thủy đậu có diễn biến phức tạp hơn - Ảnh 1.

Bệnh nhân điều trị thủy đậu tại BV Thanh Nhàn.

Theo BS Nguyễn Ngọc Trung, Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, trong số các bệnh nhân trên, một số người từng mắc bệnh thủy đậu khi còn nhỏ và một số mắc bệnh lần đầu: "Bệnh nhân tái mắc thủy đậu không phải là đặc biệt. Sau dịch COVID-19, các bệnh nhân mắc bệnh có diễn biến phức tạp hơn, số người mắc bệnh thủy đậu cũng tăng cao hơn trước".

CDC Hà Nội cho biết, số ca mắc thủy đậu đã ghi nhận 18/30 quận huyện. Trong đó, các địa phương có số mắc cao là Chương Mỹ (hơn 230 ca), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42).

Dù thời điểm này, Hà Nội chưa bùng phát dịch thủy đậu, tuy nhiên, trên địa bàn huyện Chương Mỹ trước đó đã ghi nhận các ổ dịch rải rác (2 ổ dịch tại trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại trường Mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc). Hầu hết trẻ không được tiêm vaccine phòng bệnh.

Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đã phối hợp với y tế các xã và nhà trường tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, đồ chơi, đồ dùng học tập, thiết bị bán trú. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho các cháu và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao. Bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Dự báo, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào mùa Đông Xuân. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Do vậy, phụ huynh cần tiêm phòng vaccine thủy đậu đầy đủ cho con. Bởi biến chứng của bệnh thủy đậu rất nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này.

"Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân luôn phải giữ khoảng cách, cần phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp để không bị lây lan", BS Nguyễn Ngọc Trung khuyến cáo./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại