Chiến công dũng cảm cứu máy bay
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sáng ngày 2/10/2007, phi công tiêm kích Su-27SK Đào Quốc Kháng nhận lệnh bay chuyến thứ hai trong ngày.
Tuy nhiên, khi vừa cất cánh khỏi đường băng khoảng 20 m thì anh nhận thấy máy bay rung bần bật và ngoắt lệch sang phải với một lực níu ghê gớm, suýt nữa thì va vào chiếc Su-27 bay cùng.
Khi đó, trong tai nghe vang lên thông báo bằng tiếng Nga: “Cháy động cơ bên phải” và các loại đèn báo nguy đồng loạt bật sáng.
Tức thì, phi công Đào Quốc Kháng tắt động cơ bên phải, ngắt đường dầu và ấn nút dập lửa. Đèn báo cháy vẫn sáng cùng với lệnh “Nhảy dù!”, nhưng thay vì ấn nút bung dù, anh lại ấn nút… tăng lực động cơ, cho máy bay vọt lên độ cao 1.000 m.
Phi công Đào Quốc Kháng. Ảnh: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Nhà thiết kế tính toán, sau 8 - 10 giây đèn báo cháy động cơ bật sáng, máy bay có thể bị nổ thùng chứa nhiên liệu. Điều này thì Đào Quốc Kháng đã thuộc lòng nên anh nhấn nút xả hết dầu cách sân bay 13 km và dùng lực quán tính đưa máy bay quay lại.
Khi đó, chiếc Su-27 mang theo một đuôi lửa lướt xẹt về sân bay trong nỗi lo lắng đứng tim của hàng trăm người. Máy bay vừa tiếp đất, phi công Đào Quốc Kháng bình tĩnh thả dù phanh, đưa máy bay cách xa khu vực đông người, đỗ lại, bật nắp buồng lái.
Lúc này anh nghe rõ tiếng lửa cháy xèo xèo cùng tiếng còi hú rầm rĩ của xe cứu thương, xe chữa cháy. Anh tụt khỏi máy bay chạy ngay lại giằng chiếc vòi rồng trong tay chiến sĩ cứu hỏa để dập lửa.
Lửa tắt, máy bay được giải cứu, tuy nhiên do bị hỏng quá nặng, chi phí mang đi sửa chữa tại nước ngoài quá lớn mà chiếc Su-27SK số hiệu 6005 này đã phải ngừng bay.
Máy bay Su-27SK số hiệu 6005 trong trạng thái chờ sửa chữa. Ảnh: Quân đội nhân dân
Việt Nam đã có khả năng sửa chữa lớn Su-27/30
Nhà máy A32, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa vào vận hành “Dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30″ từ năm 2013.
Dây chuyền công nghệ này là cơ sở quan trọng bảo đảm lâu dài cho hoạt động hiệu quả, an toàn, có độ tin cậy cao của máy bay Su-27/30 và các thế hệ tiếp theo.
Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển của ngành kỹ thuật QĐND Việt Nam trong việc bảo quản, sửa chữa các vũ khí, trang bị công nghệ cao, bảo đảm sức chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Tiêm kích Su-27SK số hiệu 6005 đang được sửa chữa lớn. Ảnh: Quân đội nhân dân
Gần đây, trong một phóng sự đăng trên báo Quân đội nhân dân đã có hình ảnh của chiếc tiêm kích Su-27SK số hiệu 6005 đang trong quá trình sửa chữa lớn.
Mặc dù chưa rõ tiến độ, nhưng việc nhà máy A32 đã hoàn toàn làm chủ dây chuyền sửa chữa lớn tiêm kích Su-27/30 khiến chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng chiếc Su-27SK trên sẽ sớm được phục hồi và tung cánh trở lại bầu trời sau thời gian dài phải chuyển chức năng làm mô hình học cụ.
Nếu nhà máy A32 có thể sửa chữa và phục hồi thành công chiếc Su-27SK số hiệu 6005 bị hỏng từ lâu sẽ giúp gia tăng đáng kể sức mạnh của Không quân Việt Nam, đáp ứng tốt hơn khả năng bảo vệ vững chắc bầu trời và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.