Nâng cấp giữa vòng đời: Việt Nam sẽ chọn Su-27SKM hay Su-27SM2?

Tuấn Trung |

Su-27SKM và Su-27SM2 là 2 gói nâng cấp sẽ mang lại sức mạnh chiến đấu vượt trội cho những chiếc tiêm kích phòng không Su-27SK/UBK của Việt Nam.

Su-27 Flanker là dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện đại đầu tiên của Không quân Việt Nam, chính thức vào biên chế trong giai đoạn 1995 - 1996, đây cũng đồng thời là hợp đồng mua sắm máy bay dưới dạng thương mại đầu tiên giữa Việt Nam với Nga sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 12 chiếc Su-27 gồm 7 Su-27SK và 5 Su-27UBK/PU, trong đó Su-27SK là phiên bản 1 chỗ ngồi được đánh số hiệu 600x còn Su-27UBK/PU là loại 2 chỗ ngồi mang số hiệu 852x. Toàn bộ số máy bay Su-27 của Việt Nam hiện đang được biên chế trong Trung đoàn tiêm kích 940, thuộc Sư đoàn không quân 372 trấn giữ miền Trung đất nước.

Máy bay tiêm kích Su-27SK số hiệu 6001 của Việt Nam lúc mới tiếp nhận

Tính năng chiến đấu của tiêm kích Su-27SK/UBK/PU được đánh giá là rất xuất sắc vào thời điểm đầu những năm 1990: máy bay được trang bị 2 động cơ AL-31F công suất 122,8 KN mỗi chiếc cho tốc độ tối đa Mach 2,35; tầm hoạt động 3.530 km; trần bay 18.500 m; tải trọng vũ khí lên tới 8.000 kg; hệ thống điện tử gồm radar Phazotron N001 Myech kết hợp với thiết bị định vị quang học OLS-27 có thể phát hiện máy bay chiến đấu từ cự ly 100 km, đối với máy bay ném bom là từ 140 km và theo dõi từ 65 km.

Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, những chiếc Su-27SK/UBK/PU trên đã bộc lộ một số nhược điểm. Trước hết đó là radar N001 chỉ có chế độ đối không khiến Su-27 không thể sử dụng các loại tên lửa không đối đất, không đối hạm hay bom thông minh; hệ thống điều khiển sử dụng công nghệ analog của những năm 1980 có tốc độ xử lý chậm tỏ ra không còn thích hợp với thời đại công nghệ số và quan trọng nhất, sau 20 năm sử dụng, khung thân của những chiếc Su-27 này cũng đã xuống cấp và đòi hỏi phải được “Nâng cấp giữa vòng đời”.

Uy lực thực sự của tên lửa phòng không do Việt Nam cải tiến Uy lực thực sự của tên lửa phòng không do Việt Nam cải tiến

Với hệ thống TLPK S-125-2TM nâng cấp, có thể khẳng định rằng lực lượng phòng không Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ vững chắc bầu trời tổ quốc trong tình hình mới.

Đáp ứng nhu cầu trên của khách hàng, phía Nga đã giới thiệu gói nâng cấp Su-27SKM giúp biến những chiếc máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27SK/UBK cũ thành máy bay chiến đấu đa năng hiện đại.

Su-27SKM bay biểu diễn tại triển lãm hàng không MASK 2005

Su-27SKM là phiên bản xuất khẩu của máy bay chiến đấu đa năng 1 chỗ ngồi Su-27SM, chính thức ra mắt tại triển lãm hàng không China Air Show 2004. Su-27SKM bao gồm những nâng cấp về buồng lái với màn hình hiển thị LCD hiện đại, hệ thống phòng vệ - tác chiến điện tử sử dụng công nghệ số tinh vi và bổ sung chức năng tiếp nhiên liệu trên không.

Su-27SKM đã thay thế radar ngắm bắn đơn nhiệm N001 đời đầu bằng radar đa năng N001 VEP, cho phép máy bay có thể mang theo các loại vũ khí hàng không tiên tiến gồm tên lửa không đối không RVV-AE (R-77); tên lửa không đối đất Kh-29T/TE/L, Kh-31A/P và bom thông minh KAB-500KR/1500KR. Khung thân máy bay và động cơ cũng được đại tu, kéo dài thời hạn sử dụng thêm từ 15 - 20 năm nữa.

Su-27SK sau khi nâng cấp lên chuẩn Su-27SKM được đánh giá có tính năng chiến đấu tương đương với Su-30MK2, còn Su-27UBM chính là phiên bản Su-27UBK nâng cấp theo chuẩn Su-27SKM. Hiện tại Indonesia chính là khách hàng đầu tiên của loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4+ này, đơn giá một chiếc Su-27SKM mua mới vào khoảng 50 triệu USD còn nâng cấp lên từ Su-27SK tốn khoảng 30 triệu USD.

Su-30M2 hay Su-35S: Sự lựa chọn nào phù hợp với Việt Nam? Su-30M2 hay Su-35S: Sự lựa chọn nào phù hợp với Việt Nam?

Mặc dù không thu hút nhiều sự chú ý bằng "người anh em" Su-35S, tuy nhiên Su-30M2 lại có một số đặc điểm tỏ ra phù hợp hơn với điều kiện sử dụng tại Việt Nam.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-27SM2

Trong khi đó, Su-27SM2 được coi là biến thể nâng cấp vượt trội của Su-27S, do được trang bị một số công nghệ của tiêm kích thế hệ 5 mà hiệu suất chiến đấu đã tăng hơn 60% so với nguyên bản. Su-27SM2 được trang bị buồng lái nhà kính hiện đại, màn hình hiển thị LCD đa chức năng, phầm mềm kiểm soát mới và máy tính kỹ thuật số mạnh hơn.

Theo một số nguồn tin, nhà sản xuất đã thay thế radar N001 VEP bằng radar Zhuk-MS được thiết kế chuyên dụng cho Không quân Nga. Phầm mềm kiểm soát hỏa lực cùng radar mới cho phép Su-27SM tham chiến với 8 mục tiêu cùng lúc và sử dụng được tất cả các loại vũ khí đối không, đối đất và đối hải của Nga như tên lửa không đối đất Kh-29T/TE/L, Kh-59M/ME/MK/MK2, bom thông minh KAB-500KR/1500KR, tên lửa chống radar Kh-31P, tên lửa chống hạm Kh-31A, đặc biệt là tên lửa không đối không tầm xa R-77M1 có tầm bắn lên đến 175 km.

Su-27SM2 còn được trang bị động cơ AL-31FM1 (động cơ này hiện chỉ sử dụng trong Không quân Nga), có hiệu suất cải tiến đáng kể khi hoạt động, tiết kiệm nhiên liệu hơn, chạy êm hơn và tuổi thọ dài hơn. Các thử nghiệm tại Nga cho thấy Su-27SM2 vượt trội về nhiều mặt so với Su-30MKI của Ấn Độ. Không quân Nga tuyên bố, Su-27SM thuộc thế hệ 4++ và đã đạt được khả năng không chiến gần bằng với tiêm kích thế hệ 5. Giá thành nâng cấp Su-27SK/UBK lên chuẩn Su-27SM2 ước tính từ 37 - 40 triệu USD.

Có thể thấy rằng giá thành nâng cấp Su-27SK/UBK lên chuẩn Su-27SKM/SM2 là khá cao tuy nhiên vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với đi mua máy bay mới. Đây là những phương án nên được quan tâm khi tiến hành nâng cấp giữa vòng đời cho số máy bay Su-27 hiện có của Không quân Việt Nam.

Gia đình máy bay Su-27

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại