Bastion-P hiện là tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tốt nhất có trong biên chế của Hải quân Việt Nam. Sau khi tiếp nhận 2 hệ thống và trang bị cho Lữ đoàn 681 vào năm 2011, có thông tin cho biết chúng ta đang chuẩn bị ký hợp đồng đặt mua tổ hợp tiếp theo.
Tuy nhiên có một diễn biến rất đáng chú ý, khi một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia lại đàm phán với Nga để mua hệ thống Klub-M, vì họ cho rằng tổ hợp này ưu việt hơn nhờ được trang bị đạn tên lửa 3M-54 Klub.
Nhận định trên của phía Malaysia liệu có chính xác và tên lửa Klub có gì vượt trội Yakhont?
Tên lửa đối hạm 3M-55 (P-800) Yakhont
Những ưu điểm của tên lửa Klub so với Yakhont
Có thể nói, 3M-55 Yakhont chính là bước chuyển tiếp giữa những tên lửa hành trình đối hạm siêu âm thế hệ cũ với kích thước đồ sộ, có diện tích phản xạ radar và mức độ bộc lộ hồng ngoại lớn cũng như khả năng thao diễn kém kiểu 3M-80 Moskit sang thiết kế mới ưu việt hơn.
Yakhont đã hy sinh một chút tốc độ để đổi lấy khả năng bay thấp (giai đoạn công kích chỉ bay cách mặt biển 10 m so với 20 - 30 m của Moskit), khả năng thao diễn linh hoạt hơn và mức độ tàng hình cũng tốt hơn.
Nhưng Yakhont vẫn tồn tại nhược điểm như sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng, buộc phải bay siêu âm toàn hành trình. Do vậy, để đạt tầm bắn tối đa 300 km tên lửa sẽ phải lên tới độ cao 14.000 m rồi mới hạ thấp xuống.
Nguyên nhân chính là do sức cản của không khí: Ở độ cao thấp, do mật độ không khí dày đặc gây sức cản lớn sẽ làm cho tên lửa tiêu hao nhiên liệu rất nhanh.
Đây là nhược điểm có thể nói là chí tử của Yakhont vì các chiến hạm hiện đại trang bị hệ thống phòng không tầm xa có thể dễ dàng bắn hạ trước khi nó kịp bước vào hành trình bay thấp.
Còn nếu không muốn lâm vào tình cảnh trên và sử dụng quỹ đạo bay thấp - thấp ngay từ đầu, tầm bắn của Yakhont sẽ chỉ còn 120 km, thậm chí trong điều kiện tác chiến thực tế cự ly này sẽ còn ngắn hơn rất nhiều.
Tên lửa đối hạm 3M-54E (P-900) Klub
Điểm yếu này của Yakhont phải đến thế hệ tiếp theo là Klub mới được khắc phục hoàn toàn. Nhờ động cơ phản lực mới với 2 chế độ hoạt động mà tên lửa có thể bay bám biển ở tốc độ cận âm ngay từ giai đoạn đầu, khiến việc tàu chiến đối phương phát hiện từ xa gần như là không thể.
Và đến giai đoạn cuối, khi tiếp cận mục tiêu, động cơ tên lửa sẽ chuyển sang chế độ bật tăng lực, đẩy vận tốc lên tới Mach 2,9. Sự thay đổi đột ngột này sẽ khiến hệ thống phòng không đối phương không kịp thay đổi trạng thái để phản ứng.
Bên cạnh đó, do phần lớn thời gian là bay cận âm sẽ dẫn đến tiết kiệm được lượng nhiên liệu mang theo, vì vậy tên lửa Klub có kích thước nhỏ gọn hơn Yakhont, diện tích phản xạ radar và mức độ bộc lộ hồng ngoại cũng ít hơn vì hạn chế được ma sát với không khí.
Thực tế hiện nay cho thấy, Hải quân Nga đã hầu như không sử dụng tên lửa Yakhont nữa mà chuyển hẳn sang dùng tên lửa dòng Klub tiên tiến hơn.
Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Klub-M
Việt Nam có thể dùng đạn tên lửa Klub để nâng cấp Bastion-P?
Hệ thống Bastion-P và Klub-M ngoài việc sử dụng đạn tên lửa khác nhau thì có khá nhiều điểm tương đồng, ví dụ như chúng đều được dẫn bắn bằng đài radar Monolit-B hay hệ thống ngắm bắn đường không 1K130E…
Trong tương lai, rất có thể cặp tàu Gepard 3.9 thứ ba của Hải quân Việt Nam sẽ được trang bị tên lửa Klub-N, kết hợp với Klub-S bố trí trên tàu ngầm Kilo 636 sẽ khiến họ tên lửa này trở nên phổ biến hơn rất nhiều so với Yakhont.
Do vậy, Việt Nam có thể nghiên cứu khả năng tích hợp đạn tên lửa 3M-54 Klub vào hệ thống Bastion-P cùng với 3M-55 Yakhont, thay vì chuyển hẳn sang trang bị hệ thống Klub-M hay mua tiếp đạn tên lửa P-800 để đơn giản hóa khâu đảm bảo hậu cần kỹ thuật.
Cách làm này vừa nâng cao độ linh hoạt và khả năng tác chiến của hệ thống Bastion-P, nhằm đáp ứng tốt hơn khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, lại vừa tiết kiệm ngân sách hơn hẳn việc phải trang bị tới 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển riêng biệt.