TQ thử thành công WU-14, tàu sân bay Mỹ sắp "tận số"?

Vy Lam |

Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), kho vũ khí phục vụ chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của quân đội Trung Quốc đang được mở rộng với tốc độ chậm mà chắc.

Mới đây, Bắc Kinh đã thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm WU-14, vậy liệu thứ vũ khí này của họ đã đủ sức đánh chìm tàu sân bay Mỹ hay chưa?

Dưới đây là phân tích của The Diplomat:

Trung Quốc thử nghiệm thành công WU-14

Theo bài viết của nhà báo Bill Gertz trên tờ Washington Free Beacon, trong tuần này, Trung Quốc đã tiến hành thành công cuộc thử nghiệm lần thứ 4 vũ khí siêu vượt âm (HGV) WU-14.

Đây là loại vũ khí được thiết kế để có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Theo Gertz, WU-14 là “một loại vũ khí chiến lược công nghệ cao, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường khi di chuyển trên rìa không gian”.

Nó có thể di chuyển nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

Cuộc thử nghiệm vừa qua diễn ra tại một khu thử ở tây Trung Quốc. 3 cuộc thử nghiệm trước đó diễn ra trong năm 2014, lần lượt vào 9/1, 7/8 và 2/12.

Theo thông tin từ các quan chức tình báo Mỹ, điểm khác biệt giữa cuộc thử nghiệm lần này so với các lần trước đó là WU-14 đã thực hiện các đợt cơ động tối đa.

Vũ khí siêu vượt âm WU-14 của Trung Quốc có thể mang đầu đạn hạt nhân

WU-14 được đưa lên vùng ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và khoảng không vũ trụ (cách mặt đất gần 100km) bằng một hệ thống phóng tên lửa đạn đạo cỡ lớn.

Khi đã đạt đến độ cao này, nó bắt đầu bay theo quỹ đạo tương đối thẳng bằng cách cơ động vọt lên và sau đó tăng tốc độ tới Mach 10.

Giai đoạn di chuyển này không chỉ cho phép WU-14 thực hiện các đợt cơ động tối đa và tránh hệ thống đánh chặn của đối phương, mà còn mở rộng tầm bay của tên lửa.

Như thế, theo Aviation Week, “giai đoạn giữa hành trình bay của tên lửa (giai đoạn khá dễ bị đánh chặn) có thể diễn ra khi tên lửa cách mục tiêu của đối phương và hệ thống bảo vệ nó xa hơn bình thường.

Nhờ thế nên khác với các phương tiện bay thông thường tái xâm nhập bầu khí quyển theo quỹ đạo có thể đoán trước của tên lửa đạn đạo, phương tiện bay siêu vượt âm gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường.

Đó là do những hệ thống này chỉ có thể theo dõi các mục tiêu tiếp cận thông qua cảm biến vệ tinh và hệ thống radar trên mặt đất, trên biển.

Tuy nhiên, như Gertz đã chỉ ra, WU-14 “có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ với khả năng bay ở tốc độ cực cao và cơ động để tránh bị các hệ thống phòng thủ tên lửa, cùng radar của Mỹ phát hiện và theo dõi”.

Cho tới nay, các quan chức Mỹ không phủ nhận, cũng không thừa nhận rằng WU-14 HGV có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ dùng tên lửa đánh chặn.

Mối đe dọa với tàu sân bay Mỹ

Một bài viết trên tạp chí Popular Science đã thảo luận khả năng WU-14 được gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 mà Trung Quốc đang phát triển.

Theo các tác giả bài viết, điều này sẽ lần đầu tiên mang lại cho Bắc Kinh khả năng tấn công chính xác tới bất cứ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Song, cũng theo Popular Science, “trước mắt, WU-14 có lẽ sẽ được gắn trên các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 – “sát thủ tàu sân bay” khét tiếng của Trung Quốc.

DF-21D có thực sự là mối đe dọa với tàu sân bay Mỹ
Tên lửa DF-21D được cho là mối đe dọa với tàu sân bay Mỹ

Chuyên gia Dean Cheng thuộc tổ chức tư vấn Heritage Foundation (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ) đồng tình với nhận định này.

“Tôi nghi rằng khả năng HGV được dùng để chống tàu hoặc thực hiện các mục đích chiến thuật khác sẽ lớn hơn là được dùng như một hệ thống tấn công chiến lược nhằm vào các thành phố Mỹ”.

HGV có thể giúp giải quyết các vấn đề mà tên lửa đạn đạo thường gặp phải khi tấn công các mục tiêu cơ động.

Theo một số chuyên gia quân sự, phiên bản tên lửa DF-21 mang theo WU-14 (được cho là DF-26) sẽ có tầm bắn tăng từ 2.000 đến trên 3.000km.

Tuy nhiên, Aviation Week cho rằng, công tác phát triển một HGV chống tàu như vậy có thể sẽ mất tới 2 thập kỷ, do vô số thách thức về mặt kỹ thuật.

Aviation Week viết:

Tấn công tàu chiến bằng đầu đạn cơ động hay HGV không hề đơn giản. Phải phát hiện được mục tiêu, sau đó nhận diện, định vị vị trí chính xác và theo dõi nó.

Dữ liệu phải được chuyển từ các cảm biến tới hệ thống chỉ huy và có thể tới tên lửa để điều chỉnh trong giai đoạn giữa hành trình bay.

Hệ thống dẫn đường của tên lửa phải đủ khả năng tìm thấy mục tiêu trong một phạm vi chưa thể xác định chắc chắn do còn phụ thuộc vào khoảng cách mà mục tiêu có thể di chuyển trong khoảng thời gian tên lửa định vị và đánh chặn.

Hệ thống dẫn đường này còn phải tránh được các biện pháp gây nhiễu của đối phương và phân biệt được các loại tàu chiến, như tàu sân bay và tàu khu trục.

Nếu có kíp nổ thì thiết bị này không được phép có trục trặc.

Tạm thời, đây sẽ là tin tức tốt lành đối với Hải quân Mỹ, khi lực lượng này về lâu dài có vẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các hệ thống vũ khí năng lượng định hướng - một trong những biện pháp hiệu quả nhất để đối phó HGV.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại