Gần đây, bảng thống kê so sánh các tham số kỹ thuật của các động cơ phản lực F119 (Mỹ), XX15 (WS-15, Trung Quốc), XX10A (WS-10A, Trung Quốc) và А-31 (AL-31F, Nga) xuất hiện trên mạng internet Trung Quốc đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận rộng rãi trên các diễn đàn quân sự.
Đáng chú ý trong bảng thống kê là tham số kỹ thuật so sánh giữa các động cơ phản lực cánh quạt WS-10A và AL-31F, đặc biệt là các thông số lực đẩy, mức tiêu thụ nhiên liệu, lượng đối lưu khí, nhiệt độ đầu vào của tuốc bin và tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng. Theo đó, động cơ WS-10A của Trung Quốc có lực đẩy khi có đốt sau là 12.600 kg, lớn hơn động cơ AL-31F của Nga (12.258 kg). Trong trường hợp không có đốt sau, lực đẩy của hai loại động cơ trên tương ứng là 7.350 kg và 7.620 kg.
Bảng tham số các động cơ máy bay được công bố trên internet Trung Quốc.
Mức tiêu thụ nhiên liệu của hai động cơ WS-10A và Al-31F là tương đương nhau (2,02-2,08 kg/h so với 2,0 kg/h khi có đốt sau và 0,78-0,80 kg/h so với 0,795 khi không có đốt sau). Không chỉ có lực đẩy lớn hơn, WS-10 còn có lượng đối lưu khí lớn hơn động cơ Al-31F của Nga (119 kg/s so với 112 kg/s).
Tuy nhiên, nhiệt độ đầu vào của tuốc bin của động cơ Trung Quốc (1527 độ C) lại cao hơn nhiệt độ đầu vào tuốc bin động cơ Al-31F (1392 kg). Về trọng lượng động cơ, WS-10 có trọng lượng 1.997 kg trong khi đó AL-31 của Nga có trọng lượng 1.750 kg. Mặc dù có trọng lượng lớn hơn, nhưng động cơ WS-10A lại có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lớn hơn Al-31F (8 so với 7.14) do có lực đẩy động cơ trội hơn.
WS-10A
Như vậy, theo những dữ liệu được công bố, thì nhìn chung, động cơ WS-10A có nhiều tham số tốt hơn so với động cơ AL-31F của Nga.
Ngay sau khi lan truyền trên các trang mạng quốc phòng, bảng tham số này đã được nhiều cư dân mạng Trung Quốc tán thưởng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là những tham số được đưa ra mang tính chất tham khảo chứ chưa phải là các tham số chính xác do công ty sản xuất công bố. Việc đánh giá khả năng cũng như hiệu suất làm việc phải dựa trên rất nhiều các tham số chứ không phải chỉ ở các tham số cơ bản kể trên.
Trên thực tế, động cơ AL-31F đã được trang bị trên tất cả các máy bay chiến đấu Su-27 và các biến thể của nó. Trải qua rất nhiều thập kỷ hoạt động, động cơ AL-31 của Nga đã cho thấy được hiệu suất cũng như độ tin cậy cực cao của mình. Ngoài việc được trang bị trên các máy bay chiến đấu thuộc gia đình Su-27, AL-31F còn được trang bị trên các máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Trong năm 2011, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 123 động cơ AL-31F để trang bị cho các máy bay chiến đấu J-10 và J-11 của Không, Hải quân nước này.
AL-31F
Mặc dù đã trải qua quá trình hiện đại hóa sâu rộng từ năm 2010 nhưng động cơ nội địa WS-10A của công ty Thái Hành vẫn chưa được quân đội Trung Quốc tin dùng vì độ tin cậy cũng như tuổi thọ của động cơ này quá kém.
Vì vậy, những tham số vượt trội của động cơ WS-10A được lan truyền có thể chỉ là một cách "khoe mẽ" như Trung Quốc vẫn thường làm mà thôi.
Trong nhiều năm tới, Trung Quốc khó có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung động cơ từ Nga, trong đó có động cơ Al-31F của Saturn.