Tàu khu trục khiến Type 051C Trung Quốc phải "hít khói"

Minh Đức |

(Soha.vn) - Với thiết kế hiện đại và hệ thống phòng không tiên tiến, tàu khu trục lớp Takanami Nhật Bản hoàn toàn "át vía" tàu khu trục phòng không Type 051C Trung Quốc.

Trong vô số những sản phẩm quốc phòng đỉnh cao của Nhật Bản thì tàu khu trục lớp Takanami có thể coi là một ngôi sao sáng trên biển. Takanami là lớp tàu khu trục thế hệ thứ tư được phát triển bởi công nghiệp quốc phòng Nhật Bản kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Tàu khu trục Takanami là một ngôi sao sáng trên biển của Hải quân Nhật Bản.

Tàu khu trục lớp Takanami là một ngôi sao sáng trên biển của Hải quân Nhật Bản.

Tàu được phát triển trên cơ sở tàu khu trục chống ngầm lớp Murasame với nhiều thay đổi về vũ khí và hệ thống điện tử, chính nó lại là tiền đề để phát triển tàu khu trục lớp Akizuki. Mặc dù là quốc gia có tiềm lực kinh tế rất hùng mạnh nhưng Nhật Bản thường sử dụng lại các thiết kế tàu chiến trước. Ngoài vấn đề chi phí thì một lợi ích rõ ràng đó là hoàn thiện năng lực tác chiến từ những thiếu rót của thế hệ vũ khí trước.

Đa phần các tàu chiến của Hải quân Nhật Bản có cách bố trí hệ thống động lực tương đối giống nhau. Lý do là từ tàu khu trục thế hệ thứ 3 trở đi của Nhật Bản đều sử dụng động cơ tuabin khí chỉ khác nhau về công suất.

Tàu khu trục lớp Takanami có thiết kế thủy động lực học tương tự như tàu khu trục chống ngầm lớp Murasame với một số cải tiến ở cột buồm và hệ thống vũ khí. Lượng giãn nước của tàu cũng vì thế mà tăng thêm khoảng 200 tấn so với trước.

Chương trình tàu khu trục lớp Takanami được thực hiện tại nhà máy đóng tàu Nagasaki của tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries. Tàu có chiều dài 151 mét, rộng 17,4 mét, mớn nước 5,3 mét, lượng giãn nước toàn tải 6.300 tấn.

RIM-162 ESSM: Sát thủ mọi máy bay

Điểm nhấn của tàu khu trục lớp Takanami là được trang bị hệ thống phòng không tiên tiến RIM-162 ESSM bố trí trong 32 hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 giúp tàu đối phó hiệu quả hơn với các máy bay của đối phương có ý định tập kích từ trên không. RIM-162 ESSM là biến thể nâng cấp của tên lửa hải đối không RIM-7 Sea Sparrow.

Tàu khu trục Takanami phóng tên lửa RIM-162 ESSM trong một cuộc tập trận.

Tàu khu trục lớp Takanami phóng tên lửa RIM-162 ESSM trong một cuộc tập trận.

Tên lửa được thiết kế để bảo vệ tàu chiến trước mối đe dọa từ máy bay và tên lửa chống hạm. RIM-162 được trang bị động cơ mới mạnh mẽ hơn cũng một số cải tiến về khí động học giúp nó trở nên nhanh nhẹn hơn cho phép nó đối phó hiệu quả với các tên lửa chống hạm siêu âm.

RIM-162 được dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật dữ liệu bằng datalink ở pha giữa, pha cuối tên lửa được dẫn hướng bằng radar bán chủ động. Tên lửa có tầm bắn 50km mang theo đầu đạn phân mãnh nặng 39kg với ngòi nổ cận đích.

Pháo hạm 76mm trên tàu khu trục Murasame được thay thế bằng pháo hạm Oto Melara 127mm. Pháo này có tốc độ bắn tối đa 40 viên/phút, tầm bắn 30km, nếu sử dụng đạn pháo có điều khiển Volcano tầm bắn tối đa có thể lên đến 100km.

Vũ khí uy lực nhất của tàu khu trục Takanami là 8 tên lửa chống hạm Type-90 SSM-1B tầm bắn khoảng 200km mang theo đầu đạn nặng 225kg. Bên cạnh đó tàu khu trục Takanami còn được trang bị 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần cùng 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ 324mm. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm SH-60J.

Hệ thống điện tử trên tàu bao gồm radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA OPS-25B cho nhiệm vụ tìm kiếm mục tiêu đường không, radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước OPS-28D, radar hàng hải OPS-20. Thông số kỹ thuật của các radar này vẫn chưa được công bố nhưng chắc chắn ăn đứt các tàu khu trục của Trung Quốc.

Nhiệm vụ săn tìm tàu ngầm đối phương được thực hiện bởi 2 hệ thống định vị thủy âm tiên tiến OQS-5 gắn ở thân tàu và hệ thống định vị thủy âm kéo theo URQ-2. Bên cạnh đó nhiệm vụ chống ngầm còn được hỗ trợ bởi trực thăng săn ngầm mang theo.

Át vía tàu khu trục phòng không Type 051C Trung Quốc

Chương trình tàu khu trục Takanami được đưa vào sử dụng trong Hải quân Nhật Bản từ năm 2004. Ở thời điểm đó, Trung Quốc cũng chuẩn bị đưa vào sử dụng tàu khu trục trang bị tên lửa phòng không tầm xa là Type 051C.

Tàu khu trục Type 051C
Tàu khu trục Type 051C

Mặc dù Type 051C được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Rif-M (biến thể hải quân của S-300) có tầm bắn đến 150km. Nhưng kiểu bố trí tên lửa này trên tàu khu trục Type 051C là một thiết kế chắp vá với nhiều nhược điểm.

Radar điều khiển hỏa lực của hệ thống phòng không Rif-M được bố trí phía sau mà lại chỉ có một radar duy nhất, điều này khiến 2 cụm phóng phía trước gần như “có mắt không tròng”. Điểm mù radar nằm ngay vào phía mũi tàu, khả năng bảo vệ từ hướng tấn công phía trước gần như bằng 0.

Sơ đồ bố trí hỏa lực trên tàu khu trục Takanami. Tàu khu trục này hoàn toàn át vía so với Type-051C của Trung Quốc.

Sơ đồ bố trí hỏa lực trên tàu khu trục Takanami. Tàu khu trục này hoàn toàn át vía so với tàu khu trục Type 051C của Trung Quốc.

Trong khi đó, tên lửa RIM-162 trên tàu khu trục Takanami có tầm bắn chỉ 50km nhưng có khả năng bao quát 360 độ. Mặt khác cuộc chiến quyết định tính sống còn giữa tàu chiến và máy bay thường diễn ra ở trong bán kính 50km nên Takanami có nhiều lợi thế hơn.

Bên cạnh đó, điểm vượt trội của Takanami là hệ thống điện tử, nó được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA OPS-25B mang lại khả năng kiểm soát các mối đe dọa với độ chính xác cao. Hệ thống điện tử của tàu khu trục lớp Takanami đều do Nhật Bản sản xuất nên khả năng đồng bộ hóa rất cao.

Hệ thống điện tử trên Type 051C là một thiết kế chắp vá từ các thiết bị nhập khẩu từ Nga và sản xuất trong nước nên có những hạn chế nhất định về khả năng đồng bộ hóa. Sự vượt trội của tàu khu trục Takanami so với Type 051C là điều không phải bàn cãi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại