Với điều kiện địa lý 4 bên là biển nên Nhật Bản rất chú trọng vào đầu tư cho hải quân. Đặc biệt với đường bờ biển rất dài nên nhiệm vụ chống tàu ngầm xâm nhập vào vùng biển là một nhiệm vụ rất nặng nề với hải quân nước này.
Nhằm giải tỏa gánh nặng chống ngầm cho lực lượng hải quân, Nhật Bản đã đầu tư phát triển một thế hệ tàu khu trục chuyên dụng cho nhiệm vụ chống ngầm. Tàu khu trục Murasame được đánh giá là một đỉnh cao trong công nghệ chiến tranh chống ngầm của Nhật Bản cũng như của thế giới.
Tàu khu trục Murasame được phát triển từ tàu khu trục Asagiri, ở Nhật Bản họ thường sử dụng khung tàu khu trục thế hệ trước làm cơ sở để phát triển các tàu khu trục thế hệ mới. Điều này vừa tiết kiệm chi phí và thời gian phát triển cũng như đảm bảo tính an toàn cho dự án. Chiếc đầu tiên của dự án được đưa vào hoạt động từ năm 1996.
Thân tàu được thiết kế với khả năng tàng hình nhẹ, cột buồm được thiết kế thẳng đứng để phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Nhật Bản. Tàu có chiều dài 151 mét, rộng 17,4 mét, mớn nước 5,2 mét, lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.500 tấn, đầy tải 6.100 tấn.
Sức mạnh chống ngầm cực đỉnh
Với nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm nên tàu khu trục Murasame được trang bị hệ thống điện tử chuyên dụng cho nhiệm vụ đặc biệt này. Tàu được trang bị hệ thống định hướng chiến đấu OYQ-9 và hệ thống kiểm soát tác chiến chống ngầm OYQ-13 ASW với cảm biến chính là hệ thống định vị thủy âm OQS-5.
Các hệ thống này được trang bị máy tính điều khiển AN/UYK-43, AN/UYK-44 và máy trạm AN/UYQ-21. Hệ thống máy tính này cung cấp khả năng tính toán siêu tốc cho phép tàu khu trục Murasame đối phó hiệu quả với các mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu dưới nước.
Hệ thống chiến tranh chống ngầm này được đánh giá tương đương với hệ thống AN/SQQ-89 ASWCS của Mỹ được đánh giá là hệ thống chiến tranh chống ngầm hàng đầu thế giới hiện nay. Mặc dù thiên về nhiệm vụ chống ngầm nhưng tàu khu trục Murasame vẫn được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu rất tối tân.
Tàu được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA OPS-24, radar này có khả năng phát hiện 50-60 mục tiêu cùng lúc, phạm vi phát hiện mục tiêu 200km. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước OPS-28. Hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp NOLQ-3.
Tên lửa chống ngầm RUM-139: Sát thủ diệt mọi tàu ngầm
Hệ thống vũ khí trên tàu bao gồm 16 hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 sử dụng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL ASROC. Đây là một tên lửa chống ngầm nhiên liệu rắn 2 giai đoạn, tên lửa được dẫn hướng bằng quán tính đến khu vực có mục tiêu tàu ngầm.
Điểm mạnh của tên lửa này là sử dụng tốc độ cao của tên lửa để nhanh chóng tiêu diệt tàu ngầm khi nó bị phát hiện. Do hoạt động dưới áp lực cao của nước nên tàu ngầm rất dễ bị tổn thương, ngay cả khi tên lửa hay ngư lôi nổ gần tàu. RUM-139 VL ASROC có tầm bắn 22km, nó thường sử dụng cơ chế bắn loạt nhiều tên lửa về phía khu vực có tàu ngầm nên xác suất tiêu diệt mục tiêu rất cao.
Ngoài tên lửa chống ngầm, tàu khu trục Murasame còn được trang bị 2 cụm phóng ngư lôi với 3 ống phóng/cụm sử dụng ngư lôi Mk46. Đây là một loại ngư lôi dẫn hướng âm thanh thụ động có tầm bắn 11km, tốc độ 74km/h, ngư lôi có độ sâu hoạt động 365 mét.
Để đối phó với các mục tiêu đường không, tàu được trang bị 16 hệ thống phóng thẳng đứng Mk48 trang bị tên lửa hải đối không RIM-162 ESSM. Tên lửa được dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật dữ liệu bằng datalink ở pha giữa, pha cuối tên lửa được dẫn hướng bằng radar bán chủ động. RIM-162 ESSM có tầm bắn 50km mang theo đầu đạn phân mảnh nặng 39kg.
Tàu khu trục Murasame còn được trang bị 8 tên lửa chống hạm Type-90 SSM-1B tầm bắn 200km. Tàu được vũ trang một pháo hạm đa năng Oto Melara 76mm, pháo có tầm bắn tối đa khoảng 15km. Về phòng thủ cực gần, tàu được trang bị 2 hệ thống đánh chặn Phalanx CIWS 20mm.
Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 1 trực thăng chống ngầm SH-60J. Tàu được trang bị 4 động cơ tuabin khí với tổng công suất 60.000 mã lực, tốc độ tối đa của tàu khoảng 30 hải lý/h (56km/h), thủy thủ đoàn 165 người.
Tàu khu trục Murasame có hệ thống chống ngầm đến 2 lớp, gồm hệ thống định vị thủy âm gắn trên tàu và hệ thống phát hiện tàu ngầm trên trực thăng SH-60J. Với hệ thống vũ khí chống ngầm hiện đại, Murasame thực sự là cơn ác mộng đối với mọi tàu ngầm.
Hiện tại có tới 9 chiếc tàu khu trục Murasame đang hoạt động trong biên chế lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và đây cũng là lớp tàu khu trục được sử dụng nhiều nhất của Nhật Bản. Không chỉ chống ngầm, Murasame còn sở hữu khả năng tấn công tàu chiến mặt nước và phòng không hoàn hảo.