5 lý do khiến Trung Quốc khinh thường siêu tàu khu trục Mỹ

Minh Đức - Anh Tuấn |

(Soha.vn) - Một thời gian ngắn sau khi tàu khu trục tương lai DDG-1000 Zumwalt của Mỹ được hạ thủy, trang mạng Trung Quốc đã chỉ ra những hạn chế của tàu này nhằm tự an ủi mình.

Tàu khu trục tương lai DDG-1000 Zumwalt đã được lặng lẽ hạ thủy vào chiều tối ngày 28/10/2013. Chiếc tàu khu trục được mệnh danh là “cỗ máy chiến tranh thế kỷ” đang chuẩn bị những bước cuối cùng để đi vào hoạt động trong biên chế Hải quân Mỹ.

Rõ ràng, trên thế giới hiện nay không có một loại tàu khu trục nào có thể so sánh với Zumwalt gần như ở mọi chỉ số. Tất cả những hệ thống điện tử - vũ khí trên tàu DDG-1000 đều được cho là sẽ mang lại kỷ nguyên mới cho chiến tranh hải quân hiện đại.

Mạng Trung Quốc cho rằng, DDG-1000 chỉ là một chương trình tàu khu trục thử nghiệm và không có gì đáng ngại.
Mạng Trung Quốc cho rằng, DDG-1000 chỉ là một chương trình tàu khu trục thử nghiệm và không có gì đáng ngại.

Một thời gian ngắn sau khi tàu khu trục DDG-1000 Zumwalt được hạ thủy, trang mạng quốc phòng Trung Quốc đã lập tức có bài chỉ ra những điểm hạn chế của tàu khu trục này. Thực tế thì các tàu chiến hiện đại nhất hiện nay của Trung Quốc vẫn không thể so sánh được với các tàu chiến hiện có của Mỹ, chứ chưa nói đến tàu khu trục DDG-1000 nhưng đây có thể coi là một động thái “tự an ủi mình” trước sức mạnh của Hải quân Mỹ.

Dưới đây là những điểm yếu của tàu khu trục Mỹ mà trang mạng china.com của Trung Quốc đã chỉ ra:

1. Chỉ là một tàu khu trục thí nghiệm

Sức mạnh Hải quân Mỹ trong tương lai đang xoay quanh 3 chương trình đóng tàu quân sự lớn là tàu sân bay USS Gerald R. Ford, tàu chiến tuần duyên (LCS) và tàu khu trục Zumwalt. Trong 3 chương trình này thì chương trình LCS đã được đưa vào sản xuất hàng loạt với khoảng 50 chiếc sẽ được đóng mới.

Việc xây dựng lớp tàu sân bay Gerald R.Ford mới của Mỹ không mấy khả quan, sau khi tàu sân bay USS Enterprise nghỉ hưu, tàu sân bay chính của Mỹ vẫn là lớp tàu Nimitz. Chương trình tàu chiến LCS và tàu sân bay Gerald R.Ford được ví như một sự phô trương của Mỹ.

Mang Trung Quốc cho rằng so với thiết kế ban đầu, đặc tính kỹ thuật của tàu khu trục DDG-1000 đã giảm đi rất nhiều.

Mạng Trung Quốc cho rằng so với thiết kế ban đầu, đặc tính kỹ thuật của tàu khu trục DDG-1000 đã giảm đi rất nhiều.

Bài viết nhận định rằng trái ngược với 2 chương trình trên, sự phát triển của tàu khu trục DDG-1000 khá tồi tàn, giống như một loại tàu khu trục thử nghiệm. Ngược lại, tàu sân bay mới với chương trình LCS có vẻ phù hợp hơn với kế hoạch hiện tại của Hải quân Mỹ.

Trước đó tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf cũng chỉ có 3 tàu được chế tạo sau đó đã chuyển đổi thành tàu ngầm tấn công lớp Virginia với những đặc tính kỹ thuật đã bị giảm xuống, không loại trừ khả năng Zumwalt cũng sẽ là một Seawolf thứ 2.

2. Khác xa với "quảng cáo"

Có thể nhận thấy rằng, tàu khu trục DDG-1000 hiện tại thu nhỏ hơn rất nhiều so với thiết kế ban đầu. Trong kế hoạch ban đầu, tàu khu trục DDG-1000 sẽ được trang bị vũ khí chủ lực là 2 pháo laser công suất cao. Nhưng chiếc tàu khu trục DDG-1000 mới được hạ thủy được trang bị 2 pháo hạm bắn đạn có điều khiển tầm xa 155mm.

Từ thời điểm này, cấu hình kỹ thuật của con tàu đã thu hẹp rất nhiều so với thiết kế ban đầu, như vậy Hải quân Mỹ sẽ phải chờ đợi một thời gian dài nữa mới có được thế hệ vũ khí mới để có thể tạo ra một bước đột phá mới.

3. Một hình thức "khoe của"

Với chi phí khoảng 2,5 tỷ USD/chiếc, loại tàu khu trục này đắt ngang ngửa một chiếc tàu sân bay.

Bài viết nhận định từ trước đến nay, Mỹ luôn cho mọi người thấy họ là những kẻ giàu có và hùng mạnh, nhưng trong thực tế họ kiểm soát rất chặt chẽ các vấn đề chi phí. Đầu tiên đó là việc sản xuất loạt tàu hộ tống chi phí thấp lớp Oliver Hazard Perry, tiếp đến là lớp tàu LCS với chi phí xây dựng cũng được cân nhắc, trong đó có khái niệm về hệ thống vũ khí mới để giảm chi phí.

Tuy nhiên, việc kiểm soát chi phí cho tàu khu trục DDG-1000 đã trở thành vấn đề cực kỳ nan giải đối với Mỹ, nhất là trong bối cảnh ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm mạnh như hiện nay. Quá trình phát triển được lực lượng tàu khu trục này để tạo nên sức mạnh cốt lõi cho Hải quân Mỹ sẽ tạo ra một sự “stress” rất lớn đối với nền kinh tế đang kiệt quệ của quốc gia này.

Chỉ có 3 chiếc được lên kế hoạch cho thấy Mỹ không đủ khả năng để đóng loạt tàu chiến loại này.
Chỉ có 3 chiếc được lên kế hoạch cho thấy Mỹ không đủ khả năng để đóng loạt tàu chiến loại này.

 Kế hoạch sản xuất 32 chiếc tàu khu trục lớp Zumwalt đã bị phá sản hoàn toàn và hải quân nước này buộc phải quay lại với lớp tàu Arleigh Burke. Điều này đã cho thấy sự “lực bất tòng tâm” của kinh tế Mỹ.

4. Chỉ để "làm cảnh"

DDG-1000 nếu rời xa sự yểm hộ của các tàu sân bay, thì tác dụng của nó khi hoạt động ở các vùng biển có nguy cơ cao sẽ không mấy lạc quan. Nhưng nếu đặt một chiếc tàu chiến đắt đỏ và hiện đại như thế vào thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tại các vùng biển ít nguy cơ giao tranh thì lại quá lãng phí.

Bởi vậy trên thực tế sự có mặt của DDG-1000 không thể thay đổi được cấu trúc chiến lược lấy tàu sân bay làm trung tâm của quân đội Mỹ. DDG-1000 phù hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ thông thường ở các vùng biển có nguy cơ trung bình. Từ góc độ này, có thể thấy DDG-1000 sẽ không có quá nhiều đóng góp đặc biệt cho hải quân Mỹ. Với các nhiệm vụ cấp thấp, tàu chiến tuần duyên LCS có thừa khả năng thực hiện và lại rẻ hơn rất nhiều.

Nếu DDG-1000 chỉ được đưa vào biên đội mẫu hạm và làm tàu yểm hộ cho các tàu sân bay, thì rõ ràng các hệ thống hoả lực của nó lại trở nên thừa thãi. Trong khi đó nếu xét về khả năng phòng không thì DDG-1000 lại không có ưu thế đột phá so với lớp tàu chiến Aegis. Chính vì vậy, trong điều kiện trước mắt thì tàu DDG-1000 không có được đối tượng và môi trường tác chiến rõ ràng cụ thể.

5. Trung Quốc có thể sao chép dễ dàng

Mạng Trung Quốc hiến kế cho hải quân nước này nên sao chép lại chương trình DDG-1000 cùng với những sửa đổi theo nhiệm vụ riêng của họ.
Mạng Trung Quốc hiến kế cho hải quân nước này nên sao chép lại chương trình DDG-1000 cùng với những sửa đổi theo nhiệm vụ riêng của họ.

Bài viết thừa nhận DDG-1000 cũng mang lại nhiều đột phá trong công nghệ, chẳng hạn như; các loại radar băng tần mới, pháo hạm mới cũng như hệ thống điện tử và động lực mới.

Tuy nhiên, bài viết nhấn mạnh Trung Quốc phải đối mặt với DDG-1000 một cách bình tĩnh, đồng thời khẳng định nước này sẽ dễ dàng "sao chép" công nghệ này để phục vụ cho quá trình nghiên cứu và phát triển các thiết bị chiến tranh tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại