Nhật - Mỹ khép vòng vây
Tàu ngầm hiện đại lớp Sōryū của Nhật Bản
Theo Nhật báo Yomiuri Shimbun có trụ sở tại Tokyo, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đang có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm của mình từ 16 lên 22 chiếc vào năm 2021.
Lấy tàu ngầm diesel-điện lớp Sōryū làm ví dụ, bài báo trên Yomiuri cho biết, các tàu ngầm mới của Nhật Bản sẽ có kích cỡ lớn hơn nhiều. Là lớp tàu ngầm đầu tiên của Nhật Bản được trang bị hệ thống động cơ đẩy khí độc lập (AIP), các tàu lớp Sōryū có thể hoạt động dưới nước trong thời gian gần 2 tuần. Lớp Sōryū cũng có uy lực hơn rất nhiều so với các tàu tiền nhiệm lớp Harushio và Narushio vì được trang bị ngư lôi Type 89 cũng như tên lửa chống tàu UGM-84 Harpoon.
Tên lửa chống tàu UGM-84 Harpoon trang bị cho tàu ngầm lớp Sōryū của Nhật Bản
Mặc dù Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này sở hữu các tàu ngầm hạt nhân nhưng những tàu ngầm thông thường như lớp Sōryū đã là một mối đe dọa nguy hiểm đối với các tuyến đường vươn ra biển của Trung Quốc. Yomiuri còn cho biết thêm, các tàu ngầm Nhật Bản có phạm vi tuần tra xa hơn và hệ thống vũ khí mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang triển khai thêm nhiều tàu ngầm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Căn cứ quân sự Mỹ ở Yokosuka bố trí từ 5-6 tàu ngầm đặt dưới sự chỉ huy của Hạm đội 7. Năm tới, Mỹ sẽ triển khai thêm 4 tàu ngầm hạt nhân đến đảo Guam. Trong khi đó, chỉ cần một tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk cũng đã đủ tiêu diệt các mục tiêu chiến lược ở Trung Quốc.
Ngoài ra, để đối phó với các tàu ngầm Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm ẩn, Nhật Bản gần đây đã mua 70 máy bay tuần tra săn ngầm P -1 từ Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki thay thế cho P-3C do Mỹ chế tạo. 2 chiếc P-1 đầu tiên đã được chuyển giao cho Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản vào ngày 26/3. Ngoài các máy bay cánh cố định, tàu sân bay trực thăng mới của Nhật Bản, chiếc Izumo, có thể mang theo 14 máy bay trực thăng SH- 60K chống ngầm tham gia chiến đấu.
Tạp chí quân sự Ships of the World của Nhật Bản cho biết, Lực lượng phòng vệ nước này hiện đang sở hữu 44 tàu khu trục và 9 tàu hộ tống để tổ chức thành một đội tàu chiến bề mặt đối phó với Hải quân Trung Quốc. Chỉ vài chiếc trong số này được sử dụng cho các hoạt động phòng không, còn phần lớn được thiết kế để chống tàu ngầm Trung Quốc.
Trung Quốc đối phó cách nào?
Đối mặt với thách thức mới này, Hải quân Trung Quốc buộc phải áp dụng những chiến thuật mới để bảo vệ hạm đội tàu ngầm của mình trước cuộc chiến chống tàu tiềm ẩn của liên quân Mỹ - Nhật.
Theo báo tiếng Trung Wen Wei Po có trụ sở ở Hồng Kông thì PLA hiện đang phải gấp rút chuẩn bị cho mình một hệ thống chống ngầm ba chiều gồm máy bay, tàu chiến mặt nước và tàu ngầm để đối phó.
Cheng Chi- wen, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương có trụ sở ở Đài Loan cho biết, điều cần kíp nhất với Hải quân Trung Quốc hiện nay là các máy bay cánh cố định tham gia vào các chiến dịch chống ngầm. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có thể dựa vào máy bay vận tải Y-8 nội địa để thực hiện một sứ mệnh như vậy vì loại máy bay này có thể mang theo ngư lôi, thủy lôi và bom chống ngầm.
Shi Hong, chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh sẽ phải cần tới nhiều máy bay cánh cố định vì phạm vi tuần tra của các máy bay trực thăng là quá ngắn. Theo ông Shi, một số máy bay vận tải Y -8 đã được Trung Quốc cải tiến thành các máy bay chống ngầm Gaoxin-6. Với các hệ thống tiên tiến hơn và tầm hoạt động xa hơn, lực lượng Không quân của Hải quân PLA có thể thực hiện các chiếc dịch chống tàu ngầm ngoài khơi xa, vươn tới cái gọi là Chuỗi đảo thứ 2, bao gồm một loạt nhóm đảo kéo dài từ Bắc xuống Nam, từ quần đảo Nhật Bản đến Bonin và quần đảo Marshall.
Ngoài các máy bay tuần tra trên biển, máy bay trực thăng chống ngầm, tàu tác chiến mặt nước và tàu ngầm, một hệ thống giám sát thủy âm sẽ là vũ khí rất quan trọng đối với Hải quân Trung Quốc trong việc theo dõi những di chuyển của tàu ngầm Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, Shi Hong cho biết, rất tiếc Trung Quốc vẫn chưa có một hệ thống giám sát tinh vi như vậy.