Một bản tài liệu có tiêu đề "Báo cáo phát triển và hội nhập quân - dân" được công bố vào ngày 12-12-2013 ở Bắc Kinh cho biết ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã tăng cường mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân, bằng chứng là có hơn 1.800 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép nghiên cứu và sản xuất vũ khí.
Báo cáo trên được biên soạn bởi các học giả và chuyên gia đến từ Đại học quốc phòng (NDU) của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). Đây là bản báo cáo thường niên đầu tiên của Trung Quốc về phát triển và hội nhập quân-dân.
Trong tháng 7 năm 2012, Cục quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc (SASTIND) và Cục vũ khí của quân đội Trung Quốc (GAD) đã phát hành một tài liệu chỉ ra rằng, cần thiết phải có một sự đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư tư nhân và các công ty quốc phòng thuộc nhà nước trong một số lĩnh vực như: thuế, đấu thầu... nhằm tạo điều kiện cho nguồn vốn tư nhân đầu tư vào công nghiệp quốc phòng.
Trong năm 2012, SASTIND cấp giấy phép nghiên cứu và sản xuất vũ khí cho cho hơn 60 doanh nghiệp tư nhân, đến năm 2013 đã có hơn 1.800 công ty được cấp phép.
Chính sách này cho thấy Trung Quốc đang tích cực theo đuổi chiến lược mở rộng thị trường sản xuất, cung cấp vũ khí trong nước và dần chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Phương tiện truyền thông Nga nhận định công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nói riêng và nền công nghiệp quốc phòng của quốc phòng của quốc gia này nói chung đang có những bước tiến vuợt bậc.
Theo một số tài liệu, từ năm 2004 -2011, Trung Quốc đã thu về 7,94 tỷ USD tiền xuất khẩu vũ khí. Khối lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong năm 2012 lên tới 1,954 tỷ USD, tương đương 2,8% tổng lượng xuất khẩu sản phẩm quân sự của thế giới. Cũng theo dự báo dựa trên các cuộc đàm phán cung cấp vũ khí hiện tại thì trong giai đoạn 2012 - 2015, Trung Quốc có thể xuất khẩu lượng vũ khí trang bị lên đến 5,7 tỷ USD.
Về mặt công nghệ quốc phòng, mặc dù chưa thể làm chủ công nghệ động cơ máy bay và phần lớn các loại vũ khí đều là sao chép của Nga, Mỹ nhưng vũ khí Trung Quốc có ưu điểm là giá thành rẻ, công nghệ không quá phức tạp vì vậy dễ bảo dưỡng, bảo trì. Điều này giúp vũ khí Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh các thị trường châu Á và châu Phi.