Tiết lộ kỹ thuật tên lửa VN bắn hạ "hung thần" AC-130 của Mỹ

"Cách đánh nhanh có chuẩn bị", bắn theo phần tử radar nhìn vòng, các núm nút về phương pháp điều khiển, chế độ nổ để sẵn ở vị trí sẽ khiến máy bay AC-130 của Mỹ không kịp đối phó.

Bí mật chuyện đưa tên lửa sang Tây Trường Sơn bắn hạ AC-130

Kỳ 2: Chiến công nối tiếp chiến công

Do có điện báo trước, nên khi vừa mới đến Tiểu đoàn 67 chúng tôi đã họp ngay. Tới dự họp, ngoài số cán bộ Tiểu đoàn 67 và kíp chiến đấu đài 1, đài 2 của Tiểu đoàn 67, chúng tôi còn mời các đồng chí ở chỉ huy tiền phương Sư đoàn Phòng không 377 gồm có Phó tham mưu trưởng Nguyễn Tiến Thu và Trợ lý kíp chiến đấu Nguyễn Điện Thung. Ngoài ra, dự họp còn có Tổ giáo viên Tên lửa của Trường Sĩ quan Phòng không do đồng chí Nguyễn Ngọc Bích - Tổ trưởng giáo viên xạ kích Tên lửa phụ trách.

Máy bay cường kính AC-130 của không lực Mỹ bị Tiểu đoàn Tên lửa 67 (Trung đoàn 275) bắn rơi tại bản Na Bo ngày 29-3-1972 (là chiếc AC-130 đầu tiên do Tiểu đoàn Tên lửa 67 bắn rơi trên tuyến đường Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu.

Máy bay cường kích AC-130 của không lực Mỹ bị Tiểu đoàn Tên lửa 67 (Trung đoàn 275) bắn rơi tại bản Na Bo ngày 29-3-1972 (là chiếc AC-130 đầu tiên do Tiểu đoàn Tên lửa 67 bắn rơi trên tuyến đường Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu.

Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 67 Vũ Bá Hắc báo cáo lại trận đánh ngày 27-2-1972 và phương án đánh trận tới . Mọi người phát biểu bổ sung khá sôi nổi. Do vấn đề cốt tử của kíp chiến đấu tên lửa là nắm và hiểu địch trên màn hiện sóng, nên mọi ý kiến đưa ra phải rất cụ thể. Đài trưởng đài radar nhìn vòng, sĩ quan điều khiển và các trắc thủ phải vẽ rõ hình dạng, kích thước của tín hiệu mục tiêu, sự di chuyển của mục tiêu và tên lửa trên màn hiện sóng trong suốt quá trình chiến đấu. Từ đó đề ra cách vận dụng phương pháp điều khiển, các chế độ của ngòi nổ vô tuyến, các thao tác chiến đấu sao cho xác suất tiêu diệt địch cao mà lại hạn chế được tác hại của tên lửa Sơrai của địch. Nghe Tiểu đoàn trưởng Vũ Bá Hắc trình bày tôi thấy có 2 điểm mới mà trong báo cáo trận đánh ngày 27-2-1972 chưa có: Thứ nhất là Đài radar nhìn vòng P-12 phát hiện rất tốt, phân biệt rõ AC-130 và F-4 yểm hộ, AC-130 có tốc độ trên 100m/giây; Thứ hai là lúc đài điều khiển phát hiện AC-130, tín hiệu rõ, không có nhiễu, nhưng khi tên lửa bay lên gần mục tiêu, AC-130 phát nhiễu sóng tạp che kín hết tín hiệu mục tiêu.

 Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 67 sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Ảnh tư liệu

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 67 sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Ảnh tư liệu.

Tôi nêu một số vấn đề thảo luận, trong đó có vấn đề phòng, chống tên lửa Sơrai của AC-130... Sau khi các đồng chí đại diện cho sư đoàn và Trường Sĩ quan Phòng không phát biểu ý kiến, tôi kết luận: Yêu cầu của trận đánh tới là phải bắn hạ AC-130 rơi tại chỗ. Do đó, cách đánh như sau:

Một là, kiên quyết chuyển sang bắn đón, không bắn đuổi nữa để tạo xác suất tiêu diệt lớn, hạ máy bay tại chỗ.

Hai là, vì tốc độ AC-130 lớn hơn 100m/giây nên dùng phương pháp điều khiển 3 điểm (T/T) biết cự ly để có xác suất cao nhất. Dùng phương pháp này còn đề phòng khi tên lửa sắp tới mục tiêu, AC-130 thả nhiễu tạp che kín tín hiệu mục tiêu thì không phải chuyển phương pháp điều khiển để tránh dao động lớn của tên lửa, mà chỉ cần tắt mạch bù góc theo cự ly. Còn chế độ ngòi nổ vô tuyến để ở 11 giây.

Thứ ba, dùng "cách đánh nhanh có chuẩn bị" để phòng, chống Sơrai. Chuẩn bị bắn theo phần tử đài radar nhìn vòng, các núm nút về phương pháp điều khiển, chế độ nổ để sẵn ở vị trí quy định, sau khi phát hiện mục tiêu từ 2 đến 3 giây là đã phóng được tên lửa lên, khiến máy bay địch không kịp đối phó.

Thứ tư, phóng từ 2 đến 4 tên lửa, phải bố trí từ 3 đến 4 bệ phóng.

Nghe tôi trình bày, tất cả mọi người đều nhất trí. Sau hội nghị, tôi yên tâm quay về Sở chỉ huy Địa đạo đúng lúc Phó tư lệnh Đoàn Thuận vừa ở Bộ tư lệnh Binh đoàn 559 về. Đồng chí Thuận cho biết: "Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên rất quan tâm đến việc đánh máy bay AC-130. Sư đoàn và trung đoàn phải lãnh đạo, tổ chức cho chặt chẽ, quyết tâm hạ gục AC-130 tại chỗ".

Vào 5 giờ 12 phút, ngày 24-3-1972, Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 67 đánh trận thứ hai vào AC-130, nhưng lần này vẫn theo cách bắn đuổi bằng 1 tên lửa. Chúng tôi vội hội ý thường vụ. Sau khi được đồng chí Đoàn Thuận đồng ý, tôi liền gọi điện xuống Tiểu đoàn 67 phê bình không chấp hành nghiêm lệnh của trung đoàn, chỉ thị cho đồng chí Trung đoàn phó Nguyễn Duy Biên, đồng chí Phó chính ủy Trung đoàn Hồng Sơn và Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 67 Nguyễn Lập, phải lãnh đạo tiểu đoàn kiên quyết chuyển sang bắn đón theo Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy trung đoàn, nếu không sẽ bị thi hành kỷ luật...

Thế rồi, vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian nan, giờ phút vinh quang, hạnh phúc đã đến! Vào 3 giờ ngày 29-3-1972, Tiểu đoàn Tên lửa 67 thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 275 đánh trận thứ ba, phóng 2 quả tên lửa liên tiếp vào AC-130. Chiếc AC-130 bốc cháy, rơi tại chỗ. Tôi phấn khởi báo cáo ngay lên Sở chỉ huy sư đoàn. Tư lệnh Nguyễn Hữu Ích hỏi:

- Đã chắc chắn rơi chưa?

- Báo cáo tư lệnh, chắc chắn ạ! Đài quan sát của trung đoàn thấy rõ tên lửa nổ đúng mục tiêu, máy bay địch cháy rất to, lao xuống đất.

Một lát sau, có điện trực tiếp của Tư lệnh Binh đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên:

- Biểu dương Tiểu đoàn 67 đã hạ AC-130 rơi tại chỗ. Máy bay rơi xuống bản Na Bo, bắc Sê-pôn 6km, 14 giặc lái chết hết; cử ngay người ra canh gác; thưởng ngay cho Tiểu đoàn 67 phần thưởng bắn rơi AC-130 là chiếc đài National và một xe quà lấy ở Binh trạm 41; sẽ đề nghị trên tặng thưởng Huân chương Quân công.

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 67 gồm: Tiểu đoàn phó Nguyễn Lành, sĩ quan điều khiển Hồ Viết Bá và các trắc thủ: Góc tà Nguyễn Đăng Dương, cự ly Ngô Văn Chàng, góc phương vị Ngô Văn Bằng được triệu tập ngay lên Sở chỉ huy trung đoàn để báo cáo và rút kinh nghiệm trận đánh. Mọi người gặp nhau ai nấy đều tưng bừng, phấn khởi, bao nhiêu mệt nhọc đều biến hết. Sau khi đồng chí Nguyễn Lành báo cáo, mọi người bổ sung, tôi đặt một câu hỏi:

- Tại sao trung đoàn chỉ thị dùng phương pháp 3 điểm biết cự ly, mà tiểu đoàn lại dùng phương pháp K? Không nhất trí với phương án của Trung đoàn à?

Đồng chí Lành sững lại một chút, rồi trả lời:

- Không phải là không nhất trí với trung đoàn, mà là do thói quen. Từ trước đến nay, trận nào tiểu đoàn cũng bắn bằng phương pháp K.

Tôi phân tích:

- Phương pháp điều khiển K là để nâng quỹ đạo bay của tên lửa khi bắn mục tiêu thấp, đề phòng tên lửa va vào mặt đất. AC-130 bay ở độ cao 4-5km, dùng phương pháp K là không thích hợp, dùng phương pháp 3 điểm biết cự ly là có độ chính xác cao nhất, đồng thời còn đề phòng AC-130 gây nhiễu sóng tạp. Tình huống trận tối qua xảy ra đúng như ta dự kiến, khi tên lửa sắp gặp máy bay địch, nó gây nhiễu xóa mất mục tiêu, sĩ quan Bá bình tĩnh không chuyển phương pháp điều khiển, trắc thủ cự ly Chàng vẫn bám sát theo dư ảnh tín hiệu mục tiêu làm tên lửa vẫn ổn định bay tiếp lao vào mục tiêu. Quả thứ nhất vượt qua, quả thứ hai bắn trúng tiêu diệt mục tiêu. Nếu không có hai động tác này thì tên lửa dao động lớn, sẽ bắn trượt, chúng ta đã không có cuộc gặp mặt vui vẻ hôm nay, mà đã bò ra làm kiểm điểm rồi.

Anh em đều nhất trí với phân tích của tôi. Chính ủy Đỗ Phan Thiết đề xuất khen thưởng đồng chí Ngô Văn Chàng, đồng chí Hồ Viết Bá cao hơn một bậc.

Chúng tôi vào "tiệc liên hoan" chỉ có một con gà bằng vốc tay bỏ vào nồi cháo to tướng, mỗi người một bát con vừa đứng, vừa húp rất đầm ấm, vui vẻ…

Kíp trắc thủ thuộc Tiểu đoàn Tên lửa 67 bắn rơi chiếc máy bay A-C130 tại bản Nabo ngày 29-3-1972. Ảnh tư liệu

Kíp trắc thủ thuộc Tiểu đoàn Tên lửa 67 bắn rơi chiếc máy bay A-C130 tại bản Na Bo ngày 29-3-1972. Ảnh tư liệu

Lịch sử Binh đoàn 559 Trường Sơn (trang 492-494) đánh giá trận hạ gục AC-130 của Tiểu đoàn Tên lửa 67 như sau: “AC-130 đối thủ nguy hiểm nhất bị đánh gục, địch choáng váng phải ngừng hoạt động trên một khu vực rộng lớn từ cửa khẩu vào đến Bạc. Bộ đội Trường Sơn đẩy “Tổng công kích” lên cao trào mới, 40 tiểu đoàn xe tiến công dồn dập cả ngày lẫn đêm, trên cả đường kín và đường hở. Cung trung chuyển bị loại. Nhiều đội hình xe chạy thẳng từ đầu tuyến đến cuối tuyến. 7 tiểu đoàn đưa hàng từ cửa khẩu thẳng vào chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên. Tổn thất xe giảm từ 20% xuống còn 1,2%. Số hàng tới đích bằng kết quả vận chuyển 6 tháng trước đó của Bộ tư lệnh 470. Hiệu suất vận chuyển tăng gấp 3-4 lần so với tháng trước. Hàng giao trong một tháng xấp xỉ bằng cả 3 tháng mùa khô. Đồng thời tổ chức hành quân bàn giao 97.000 cán bộ, chiến sĩ đã qua huấn luyện cho các chiến trường”.

Cùng với các thành tích khác, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 275 và cá nhân đồng chí Nguyễn Lành đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ”. Sau này, đồng chí Nguyễn Lành đã trở thành Tư lệnh Sư đoàn Phòng không 375. Trắc thủ góc tà Nguyễn Đăng Dương sau chiến tranh trở thành Bí thư Huyện ủy huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.

Mãi sau này tôi nhớ lại một việc: Khi thông qua bài giảng chiến thuật cho khóa bổ túc cán bộ trung cao cấp khóa I, tôi chỉ ghi “Tiểu đoàn tên lửa là đơn vị hỏa lực - chiến thuật”, đồng chí Đoàn Huyên, Tư lệnh Binh chủng Tên lửa chỉ thị cho tôi khi đó là Phó chủ nhiệm Khoa Tên lửa Trường Sĩ quan Phòng không cần bổ sung thêm cụm từ “có khi có ý nghĩa chiến dịch”. Khi thảo luận, nhiều học viên không nhất trí với điều bổ sung này. Tôi báo cáo lại, đồng chí Đoàn Huyên không nói gì. Và 5 năm 10 tháng sau, thì xảy ra trận đánh này - một trận đánh gục kẻ thù, gỡ nút tắc cho cả tuyến vận chuyển chiến lược, tác động đến cả hai hướng chiến lược là Tây Nguyên và Nam Bộ, lại đúng vào lúc mở màn chiến dịch Trị Thiên 1972... Ngẫm lại quả là Tư lệnh Binh chủng Tên lửa Đoàn Huyên có tầm nhìn rất xa.

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Thân, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa Phòng không 275

Nguồn: NINH CÔNG KHOÁT/lược ghi (Quân đội nhân dân)

AC-130 bắn phá trên tuyến đường Trường Sơn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại