Mới đây, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI đã thống kê các hợp đồng mua vũ khí được Việt Nam thực hiện trong giai đoạn từ 2010 - 2013, theo đó Việt Nam đã chú trọng đầu tư cho các loại tên lửa, từ tên lửa hành trình đối hạm đến tên lửa phòng không và tên lửa không đối không tầm ngắn. Cụ thể bao gồm:
1. 50 tên lửa hành trình đối hạm 3M54 Klub-S/ SS-N-27
Tên lửa hành trình đối hạm Klub-S được Việt Nam đặt mua để trang bị cho 6 tàu ngầm diesel-điện Kilo 636.
Tên lửa được thiết kế để đột phá hệ thống phòng thủ của mục tiêu bằng chế độ bay sát mặt nước ở tốc độ cận âm sau đó vọt lên cao và tăng tốc lên Mach 2,9 rồi sau đó lại hạ thấp độ cao và tấn công vào thân tàu. Nó có thể cơ động bay tự vệ với góc rất lớn ngược với đường bay tuyến tính thường thấy của các tên lửa hành trình chống tàu khác. Trên thị trường quốc tế, tên lửa này có giá khoảng 3,2 triệu USD/quả.
2. 40 Tên lửa hành trình đối hạm Yakhont/ SS-N-26
Yakhont (hồng ngọc) là phiên bản xuất khẩu của tên lửa P-800 Onix (bạch ngọc) của quân đội Nga, tên lửa hiện được trang bị cho 2 hệ thống tên lửa bờ Bastion-P của lữ đoàn 681.
Yakhont là tên lửa hành trình đối hạm siêu thanh có tầm bắn lớn, quỹ đạo bay phức tạp sử dụng động cơ phản lực thẳng của P-80 Zubr. Tên lửa đạt tầm bắn 300km với quỹ đạo bay cao-thấp và 120km khi bay theo chế độ thấp-thấp, vận tốc tối đa Mach 2,5. Đơn giá ước tính: 3 triệu USD/quả.
3. 400 tên lửa hành trình đối hạm Kh-35 Uran/ SS-N-25
Kh-35 Uran là loại tên lửa hành trình đối hạm chủ lực của Việt Nam hiện nay, được trang bị cho các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, tàu tên lửa cỡ nhỏ Molniya và BPS-500.
Tên lửa Kh-35 có tốc độ cận âm, được thiết kế để tấn công các tàu thuyền có tải trọng lên tới 5.000 tấn, nó còn được gọi với biệt danh Harpoonski vì bề ngoài khá giống tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon của Mỹ. Loại tên lửa này được Nga phát triển để thay thế cho các tên lửa P-15 Termit đã lỗi thời cũng như dùng để xuất khẩu. Đơn giá ước tính trên thị trường thế giới: 1,5 triệu USD/quả.
4. 80 tên lửa không đối hạm Kh-31A/ AS-17
Tên lửa không đối hạm Kh-31A được gọi với biệt danh mini Moskit vì có bề ngoài rất giống với tên lửa hành trình chống tàu P-270. Tên lửa có tầm bắn 50km, tốc độ 2.520 km/h, mang theo đầu đạn nặng 94kg, hiện được trang bị cho các máy bay chiến đấu Su-30MK2 của không quân Việt Nam.
Kh-31A có một biến thể là tên lửa chống radar Kh-31P, Việt Nam được cho là cũng đã nhận một số tên lửa loại này kèm hợp đồng trên, 1 tên lửa có giá khoảng 550.000 USD.
5. 250 tên lửa không đối không tầm ngắn R-73/ AA-11 Acher
R-73 là loại tên lửa không đối không tầm ngắn hiện đại của Nga được phát triển để thay thế cho tên lửa tầm ngắn Molniya R-60 (AA-8 Aphid), nó thường được sử dụng trong các cuộc không chiến tầm gần.
Tên lửa R-73 có giá ước tính trên thị trường thế giới là 300.000 USD/quả, hiện được trang bị cho các tiêm kích Su-27 và Su-30 của không quân Việt Nam, ngoài ra 1 số nguồn tin cho biết một vài tiêm kích Mig-21 đã được hiện đại hóa cũng có khả năng sử dụng loại tên lửa này.
6. 200 tên lửa phòng không tầm thấp 9M311 Sosna-R
Tên lửa phòng không tầm thấp dẫn đường bằng laser 9M311 Sosna-R hiện được trang bị cho 2 hệ thống tên lửa/pháo phòng không Palash trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 và dự kiến cũng sẽ được trang bị cho hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1.
Tên lửa có tầm bắn 8km, trần bay 3,5km, vận tốc 1.100m/s, đơn giá ước tính 150.000 USD/quả.
7. 400 tên lửa phòng không vác vai Igla-1/ SA-16 Gimlet
Việt Nam hiện sử dụng tên lửa phòng không SA-N-10, phiên bản hải quân của tên lửa vác vai SA-16 trên các tàu tên lửa cỡ nhỏ Tarantul, Molniya, BPS-500 cũng như tàu pháo Svetlyak và TT-400TP.
Tên lửa có tầm bắn 5,2km, trần bay 3,5km, tốc độ 850m/s mang đầu đạn va chạm nặng 1,17kg. Đơn giá ước tính của tên lửa: 85.000 USD/quả.
Xem thêm: Video giới thiệu tính năng phiên bản tên lửa đối hạm phóng từ tàu ngầm Klub-S
Video giới thiệu tính năng phiên bản tên lửa đối hạm phóng từ tàu ngầm Klub-S