Ngày đen tối và cuộc "lật đổ" ngoạn mục của MiG-21 Việt Nam

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Chỉ trong ít phút ngày 2/1/1967, có đến 5 chiếc MiG-21 của Trung đoàn 921 bị những chiếc F-4C Không quân Mỹ bắn rơi ngay trên khu vực sân bay Nội Bài.

MiG-21 và trận "đánh thử" đáng nhớ trong Chiến tranh Việt Nam.

Những ngày đầu chật vật của MiG-21 Việt Nam trước Không quân Mỹ.

Chiến dịch Bolo và tổn thất lớn đầu tiên của Việt Nam

Trong năm 1966, Không quân Việt Nam đã giành được những chiến công vang dội trước Không quân Mỹ. Chiến thuật sử dụng tiêm kích MiG-21 cùng kỹ năng của phi công đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, năm 1967 lại mở đầu bằng một ngày đen tối đối với Không quân Việt Nam.

Chỉ trong ít phút tham gia không chiến vào ngày 02/01/1967, đã có đến 5 chiếc MiG-21 của Trung đoàn 921 bị những chiếc F-4C thuộc Liên đội không quân chiến thuật số 8, Không quân Mỹ bắn rơi ngay trên khu vực sân bay Nội Bài. Các phi công MiG-21 đã bị rơi vào một cái bẫy trong trận đồ không chiến đã được Không quân Mỹ giăng sẳn trong “chiến dịch Bolo”

Chỉ huy chiến dịch là đại tá Robin Olds, một phi công “Át chủ bài” huyền thoại trong chiến tranh thế giới thứ 2. Trong chiến dịch này Không quân Mỹ đã sử dụng những chiếc F-4C đóng giả những chiếc tiêm kích-bom F-105 để nhử những chiếc MiG-21 ra vào trận đồ không chiến mà chúng giăng sẵn. Những chiếc F-4C sử dụng đúng đường bay, mật danh, tần số liên lạc thậm chí là cả hệ thống dẫn đường Doppler như những chiếc F-105 vẫn thường sử dụng.

Sự thành công trong chiến dịch Bolo của Không quân Mỹ lại cho thấy chiến thuật sử dụng MiG-21 của Việt Nam chưa thực sự hợp lý. Thông thường các máy bay MiG-21 chỉ được phép xuất kích khi máy bay địch đã vào cách sân bay 40km, điểm yếu này đã bị phía Mỹ khai thác triệt để.

Đầu năm 1967 Không quân Việt Nam đã gặp nhiều tổn thất nhưng sau đó đã khắc phục và dần kiểm soát thế trận trên bầu trời miền Bắc.
Đầu năm 1967 Không quân Việt Nam đã gặp nhiều tổn thất nhưng sau đó đã khắc phục và dần kiểm soát thế trận trên bầu trời miền Bắc.

Trong cái ngày đen tối đó, lực lượng radar cảnh giới cũng gặp phải sai sót khi để 2 biên đội F-4C do đại tá Robin Olds chỉ huy lọt vào đến sân bay Nội Bài mà không bị phát hiện. Khi đó, ngay khi được lệnh xuất kích những chiếc MiG-21 đã phơi mình dưới mưa tên lửa khi đội hình chiến thuật chưa kịp điều chỉnh.

Ngày 08/01/1967, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm về tổn thất nghiêm trọng của Trung đoàn 921 và đi đến quyết định điều chỉnh chiến thuật sử dụng MiG-21. Chiến thuật mới được điều chỉnh theo hướng du kích “đánh nhanh rút gọn”.

Số tiêm kích MiG-21 trực ban được điều chỉnh giữ ở mức từ 2-4 chiếc mỗi ca trực, khi xuất kích đánh chặn, MiG-21 được đài chỉ huy mặt đất liên tục nhắc nhở về việc thường xuyên thay đổi độ cao và tốc độ theo kiểu “thoắt ẩn, thoắt hiện” để tấn công đối phương kết hợp với MiG-17 làm nhiệm vụ hiệp đồng nghi binh.

Chiến công của những phi công Át Việt Nam

Việc áp dụng chiến thuật không kích mới từ cuối tháng 04/1967 đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, làm giảm đáng kể hiệu quả tác chiến của Không quân Mỹ. Các chiến dịch kiểu như Bolo không còn phát huy tác dụng bởi yếu tố bất ngờ không còn và quan trọng hơn cả việc áp dụng chiến thuật không chiến mới khiến Mỹ không thể triển khai các chiến dịch như lúc trước.

Biên đội bay phi công Phạm Thanh Ngân-Nguyễn Ngọc Độ đã bắn rơi chiếc trinh sát RF-101 trên bầu trời Sơn La vào ngày 16/09/1967.
Biên đội bay phi công Phạm Thanh Ngân-Nguyễn Ngọc Độ đã bắn rơi chiếc trinh sát RF-101 trên bầu trời Sơn La vào ngày 16/09/1967.

Vào ngày cuối cùng của tháng 04/1967, biên đội MiG-21 do phi công Nguyễn Ngọc Độ bay số 1 và Nguyễn Văn Cốc bay số 2 (sau này đã trở thành phi công xuất sắc nhất của Việt Nam với chiến công bắn hạ 9 máy bay Mỹ) đã bắn hạ 2 chiếc F-105. Biên đội MiG-21 thứ 2 xuất kích ngày hôm đó gồm Lê Trọng Huyên và Vũ Ngọc Đỉnh cũng đã bắn hạ thêm 1 chiếc F-105. Cả 3 chiếc F-105 bị bắn hạ ngày hôm đó đều thuộc Liên đội không quân chiến thuật số 355.

Trong tháng 05/1967, Không quân Mỹ nối lại các phi vụ không kích khu vực Hà Nội với quy mô lớn. Đáp lại lực lượng không quân tiêm kích Bắc Việt đã tiến hành hơn 40 vụ xuất kích đánh chặn mỗi ngày. Trong tháng 5, Không quân Mỹ đã bắn rơi 4 chiếc MiG-21 nhưng Không quân Việt Nam cũng lập chiến công bắn rơi 1 chiếc F-105 và 1 chiếc F-4, nhưng người Mỹ thường không ghi nhận tổn thất này là do phi công Việt Nam bắn hạ mà ghi nhận do hỏa lực phòng không mặt đất.

Ngày 11/07/1967, biên đội MiG-21 do phi công Lê Trọng Huyên và Đồng Văn Song xuất kích bắn hạ 1 chiếc cường kích A-4 Skyhawk nhưng phía Mỹ vẫn không chịu công nhận. Đến ngày 17/07 biên đội 4 chiếc MiG-21 do phi công Nguyễn Nhật Chiêu chỉ huy bắn hạ 1 chiếc F-8 Crusader. Ngày 20/07 biên đội MiG-21 của Nguyễn Ngọc Độ và Phạm Thanh Ngân tiếp tục bắn hạ thêm 1 chiếc F-4 khác.

Trong cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Trung đoàn 921 tiếp tục bắn rơi thêm 2 chiếc trinh sát RF-4C của Không quân Mỹ, như thường lệ Mỹ vẫn giữ thói quen không ghi nhận do phi công Việt Nam bắn rơi để “giữ thể diện”

Năm 1967, kết thúc bằng những trận không chiến ác liệt, các phi công Việt Nam đã lập chiến công bắn hạ thêm 5 chiếc F-105 trong đó phi công Vũ Ngọc Đỉnh đã lập chiến công bắn hạ liên tiếp 2 chiếc F-105 đưa ông trở thành phi công “Át chủ bài” của Không quân Việt Nam.

Từ năm 1968 trở đi, hiệu quả chiến đấu của các tiêm kích MiG-21 đã trở nên hiệu quả hơn rất nhiều trong khi đó hiệu quả chiến đấu của Không quân Mỹ lại giảm sút một cách rõ rệt. Sự lão luyện của các phi công Việt Nam cùng chiến thuật công kích hợp lý đã khiến Không quân Mỹ gặp rất nhiều khó khăn trong chiến đấu và tổn thất ngày càng nặng hơn.

Trước việc hiệu quả chiến đấu suy giảm một cách nghiêm trọng, Không quân Mỹ đã phải tiến hành chương trình huấn luyện chiến đấu khác biệt Topgun nhằm cải thiện khả năng không chiến của các phi công Mỹ trước những chiếc MiG-21 nhanh nhẹn trong tay những phi công Bắc Việt xuất sắc.

Cuộc không chiến giữa Không quân Việt Nam và Không quân Mỹ tăng lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/1972, trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (Linebacker II). Trong chiến dịch này, Không quân Việt Nam đã bắn hạ 7 máy bay các loại trong đó có 2 pháo đài bay B-52.

Từ năm 1968 trở đi hiệu quả chiến đấu của Không quân Mỹ đã giảm sút một cách nghiêm trọng trước chiến thuật hiệu quả của Không quân Việt Nam.
Từ năm 1968 trở đi hiệu quả chiến đấu của Không quân Mỹ đã giảm sút một cách nghiêm trọng trước chiến thuật hiệu quả của Không quân Việt Nam.

Những năm chống lại các cuộc tập kích đường không của Không quân Mỹ vào miền Bắc, có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu phi công “Át chủ bài” trong khi đó phía Mỹ chỉ có 5 phi công đạt được danh hiệu này.

Các phi công “Át chủ bài” của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ gồm có: Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 máy bay, Mai Văn Cương 8 máy bay, Nguyễn Hồng Nhị 8 máy bay, Phạm Thanh Ngân 8 máy bay, Đặng Ngọc Ngự 7 máy bay, Nguyễn Văn Bảy 7 máy bay, Lê Hải 6 máy bay, Lê Thanh Đạo 6 máy bay, Lưu Huy Chao 6 máy bay. Nguyễn Đăng Kỉnh 6 máy bay, Nguyễn Đức Soát 6 máy bay, Nguyễn Ngọc Độ 6 máy bay, Nguyễn Nhật Chiêu 6 máy bay, Nguyễn Tiến Sâm 6 máy bay, Vũ Ngọc Đỉnh 6 máy bay, Nguyễn Văn Nghĩa 5 máy bay.

MiG-21 cùng các phi công xuất sắc của Việt Nam đã hoàn thành sứ mạng lịch sử trở thành tiêm kích huyền thoại của Không quân Việt Nam. MiG-21 đã góp công to lớn trong việc bảo vệ miền Bắc trước các cuộc tập kích bằng đường không của Không quân Mỹ góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía" - NXB Quân đội Nhân dân, 2013.

F-4 trong chiến tranh Việt Nam

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại