MiG-21 và trận "đánh thử" đáng nhớ trong chiến tranh Việt Nam

Quốc Việt |

(Soha.vn) - MiG-21 là tiêm kích thành công nhất và cũng là đôi cánh làm nên sức mạnh cho Không quân nhân dân Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ.

Cuộc đua tốc độ trên bầu trời miền Bắc

Đầu năm 1965, Không quân Mỹ bắt đầu mở rộng các phi vụ leo thang đánh phá miền Bắc. Cũng trong năm đó Mỹ đã phát hiện ra sự có mặt của hệ thống tên lửa phòng không tầm cao S-75 trong biên chế lực lượng phòng không Bắc Việt. S-75 đã chứng tỏ là một vũ khí phòng không hiệu quả để chống lại các mục tiêu đường không từ tầm trung đến tầm cao.

Không quân Mỹ lúc đó buộc phải hạ độ cao hoạt động xuống thấp hơn để tránh các tên lửa S-75. Nhưng ở độ cao thấp hơn, các máy bay của Không quân Mỹ trở nên dễ bị tổn thương hơn từ các đợt công kích của máy bay MiG-17 của Không quân Việt Nam.

Đến cuối năm 1965, cuộc chiến trên bầu trời Bắc Việt bị đẩy lên cao một cách dữ dội với sự xuất hiện của một loại khí tài chiến đấu mới, tiêm kích MiG-21. Trung đoàn không quân 921 (đoàn Sao Đỏ) là đơn vị đầu tiên của Không quân Việt Nam được vinh dự tiếp nhận các tiêm kích có tốc độ siêu âm MiG-21F-13 được trang bị tên lửa không đối không. Sự kiện này đã mở ra một sức mạnh mới cho Không quân Việt Nam. Từ đây các phi công Việt Nam đã có thể nhắm mục tiêu và tấn công bằng tên lửa có điều khiển chứ không chỉ bắn mục tiêu bằng pháo như trên Mig-17 nữa.

Sự xuất hiện của MiG-21 đã đẩy cuộc đua tốc độ giữa những tiêm kích của Mỹ và Việt Nam trở nên vô cùng ác liệt.
Sự xuất hiện của MiG-21 đã đẩy cuộc đua tốc độ giữa những tiêm kích của Mỹ và Việt Nam trở nên vô cùng ác liệt.

MiG-21F-13, NATO định danh Fishbed-C là biến thể sản xuất loạt số lượng lớn đầu tiên của MiG-21F. Đây là một tiêm kích hoạt động ban ngày, tầm ngắn, nó được trang bị động cơ phản lực Tumansky R-11 nâng cấp cung cấp lực đẩy 60,6 kN có đốt sau. Biến thể này được trang bị 2 giá phóng APU-28 mang tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn bằng hồng ngoại K-13(AA-2 Atoll) tầm bắn 4km cùng 1 pháo NR-30 30mm cơ số 30 viên đạn.

MiG-21 là một tiêm kích rất nhanh nhẹn, nó có tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh (khoảng 2.400km/h trong điều kiện lý tưởng). MiG-21 có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với các tiêm kích cùng thời của Mỹ như F-105 Thunderchief, F-4 Phantom, cường kích A-4 Skyhawk..

Nhanh nhẹn, khả năng cơ động cao trong tay những phi công xuất sắc của Bắc Việt, MiG-21 nhanh chóng trở thành một đối thủ đầy thách thức của Không quân Mỹ. Cuộc đua tốc độ giữa MiG-21 và các tiêm kích Mỹ trên bầu trời Bắc Việt bắt đầu trở nên ác liệt với những trận không chiến. Đến tháng 04/1966, Không quân Việt Nam được tiếp nhận thêm một số tiêm kích biến thể MiG-21PF.

MiG-21PF, chữ P theo phiên âm tiếng Nga là “đánh chặn”, chữ F phiên âm tiếng Nga có nghĩa là “động cơ nâng cấp” đây là biến thể đánh chặn mọi thời tiết. MiG-21PF được trang bị động cơ R-11F2-300, trang bị radar RP-21Sapfir thay thế cho radar SRD-5M. Radar này có khả năng phát hiện máy bay chiến đấu đối phương ở cự ly 20km, khóa mục tiêu ở cự ly 10km, radar mới cho phép MiG-21 sử dụng đạn tên lửa K-5M bên cạnh các tên lửa K-13. Tuy nhiên, biến thể này không được trang bị pháo.

Trong tay những phi công xuất sắc của Việt Nam, tên tuổi của MiG-21 đã trở nên nổi tiếng và trở thành tiêm kích thành công nhất những năm chiến tranh lạnh.
Trong tay những phi công xuất sắc của Việt Nam, tên tuổi của MiG-21 đã trở nên nổi tiếng và trở thành tiêm kích thành công nhất những năm chiến tranh lạnh.

Sự bổ sung MiG-21PF đã giúp Không quân Việt Nam có thêm giải pháp đánh chặn các phi đội tiêm kích của Mỹ trong các phi vụ leo thang đánh phá miền Bắc. Các phi công xuất sắc của Trung đoàn 921 như Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị đã trải qua huấn luyện ở trường đào tạo phi công quân sự cao cấp ở Krasnodar, Liên Xô. Các phi công này sau đó đều trở thành các phi công “Át chủ bài” (người có số lần bắn rơi máy bay đối phương từ con số 5 trở lên). Trong số các phi công, được lựa chọn để chuyển loại sang Mig-21 là Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Ngọc Độ, Trần Mạnh, Đào Đình Luyện. Sau này, vào năm 1966 Đào Đình Luyện đã trở thành trung đoàn trưởng Trung đoàn tiêm kích 921.

Chiến công đầu tiên của Én Bạc MiG-21

Từ cuối tháng 01/1966, quá trình huấn luyện chuyển loại cho phi công lái tiêm kích MiG-21 đã hoàn tất. Những chiếc MiG-21 bắt đầu được triển khai làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. MiG-21 lúc đó là một trong những tiêm kích hiện đại hàng đầu thế giới từ thao trường huấn luyện đến chiến trường thực tế luôn là một thách thức đối với các phi công.

Để chuẩn bị tốt cho MiG-21 trong những lần xung trận, Quân chủng Phòng không-Không quân đã quyết định cho MiG-21 đánh thử vài trận để rút kinh nghiệm, đối tượng tác chiến ban đầu là các máy bay trinh sát không người lái, các máy bay cường kích tốc độ chậm của Mỹ.

Việc bắn hạ những chiếc UAV AQM-34 Firebee đã tạo ra tiền đề quan trọng cho những chiến công xuất sắc của MiG-21 về sau.
Việc bắn hạ những chiếc UAV AQM-34 Firebee đã tạo ra tiền đề quan trọng cho những chiến công xuất sắc của MiG-21 về sau.

Ngày 04/03/1966, phi công Nguyễn Hồng Nhị lái MiG-21 cất cánh đã bắn hạ thành công một chiếc máy bay trinh sát không người lái AQM-34 Firebee của Mỹ ở độ cao 18km mở ra một trang mới cho Không quân Việt Nam, từ đây Việt Nam đã có thêm vũ khí lợi hại để nghênh đón các tiêm kích của Không quân Mỹ.

Mặc dù chiến công đầu tiên chỉ là những chiếc máy bay không người lái nhưng chiến công này đã tạo tiền đề tâm lý rất tốt cho các phi công cũng như sự tự tin vào khả năng làm chủ máy bay trong các tình huống chiến đấu thực tế, đó là cơ sở quan trọng cho những cuộc chạm trán ác liệt giữa MiG-21 và F-105, F-4 về sau.

Còn tiếp...

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía" - NXB Quân đội Nhân dân, 2013.

UAV AQM-34 Firebee - Đối tượng bị MiG-21 bắn hạ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại