Trận đánh huyền thoại của tình báo VN trên đất Thái Lan (P1)
Trước khi trận đánh sân bay Udon diễn ra, đầu tháng 4-1968, Đại úy Phùng Hồng Lâm và Đại úy Lê Văn Đình ở tổ đánh sân bay U-Tapao được Đại úy Lê Thoong đưa đến trang trại của một gia đình người Thái Lan ở Bangkok. Do thông thạo tiếng Thái Lan, lại làm việc chăm chỉ nên hai anh được ông chủ tin tưởng. Từ nơi này, hai tình báo viên đi điều tra, nghiên cứu sân bay U-Tapao.
U-Tapao là sân bay chiến lược B-52 của Mỹ, cách Bangkok khoảng 190 km. Với hệ thống hàng rào dây thép gai cài dày đặc các loại mìn, được bố phòng cẩn mật, lại nằm xa biên giới Thái Lan-Lào, người Mỹ cho rằng đây là căn cứ quân sự bất khả xâm phạm. Chính vì vậy, số lượng máy bay B-52 có trong căn cứ thường xuyên là 20 chiếc, trong đó mỗi đêm chúng sử dụng 3-5 chiếc đi rải bom ở Việt Nam.
B-52 cất cánh từ sân bay U-Tapao
Mỗi lần đi nghiên cứu sân bay, Phùng Hồng Lâm và Lê Văn Đình lại lên xe khách ở Bangkok lúc 3 giờ chiều. Đến cách sân bay vài cây số là lúc trời tối, họ xuống xe, đi bộ rồi tạt vào bìa rừng cởi bỏ quần áo dài, hóa trang rồi tiềm nhập vào sân bay. Hai anh thức suốt đêm để nghiên cứu, tìm quy luật hoạt động của địch cho đến 4 giờ sáng trở ra tắm rửa, mặc lại quần áo rồi hòa vào đám người buôn bán trở về Bangkok.
Mỗi tuần hai lần, và ròng rã trong 2 tháng, hai anh ra vào sân bay như vậy.
Nhiều lần, các anh đến tận từng chiếc B-52 để xem xét, đu người lên càng máy bay để gài thử mìn. Khi đã thấy chắc ăn, họ lên kế hoạch tập kích vào đầu tháng 6.
Thế nhưng lần cuối cùng đi trinh sát, hai anh thấy sân bay U-Tapao có hiện tượng khác thường. Ô tô chở lính tuần tiễu chạy liên tục trên con đường bao quanh sân bay, kiểm tra gắt gao tất cả sĩ quan, binh lính và công nhân ra vào khu vực quân sự. Thì ra, bị đòn choáng váng ở Udon, địch canh gác một cách nghiêm ngặt hơn. Tập kích vào lúc này sẽ rất mạo hiểm, tổ trưởng Phùng Hồng Lâm cùng Đại úy Lê Thoong quyết định tạm hoãn trận đánh và báo cáo về Trung ương.
Tháng 6, tháng 7, thời gian địch canh phòng cẩn mật cũng là lúc tổ tình báo nắm thêm nhiều thông tin, bổ sung nhiều chi tiết cho kế hoạch trận đánh của mình.
Đầu tháng 8, địch bắt đầu chủ quan, đi tuần thưa hơn, ít kiểm tra hơn. Đây là thời cơ để tổ quyết định tấn công.
Vào chiều tối 3-8-1968, Phùng Hồng Lâm và Lê Văn Đình như thường lệ, xuống xe khách ở U-Tapao. Đến quãng vắng, hai anh tạt vào bìa rừng, nơi cất giấu sẵn thuốc nổ. Quyết tâm phải phá hủy ít nhất hai chiếc B-52, hai người chuẩn bị hai quả bộc phá, mỗi quả 5 kg, gài kíp định giờ, sau đó dùng chiến thuật đặc công vượt qua những hàng rào dây thép gai rồi lao thật nhanh đến 2 chiếc B-52 đỗ cạnh nhau. Gài xong bộc phá, đúng 4 giờ sáng ngày 4-8-1968, hai tình báo viên nhanh chóng rút khỏi sân bay, đến chỗ tập kết tắm rửa, mặc quần áo rồi ung dung bắt xe khách trở về Bangkok.
Xe chạy được một quãng thì từ phía sân bay U-Tapao phát ra hai tiếng nổ lớn làm rung cả cửa kính xe. Một lát sau là tiếng còi hụ của xe cảnh sát, xe cứu hỏa, cứu thương từ mọi hướng lao về sân bay. Mọi người trên xe nhốn nháo, lo sợ, không hiểu điều gì xảy ra. Họ không để ý rằng, có hai người đang mỉm cười sung sướng.
Hai ngày sau đó, báo chí Thái Lan đăng tin “Việt cộng” tập kích sân bay U-Tapao, tiêu diệt hai chiếc B-52 và làm hư hỏng 2 chiếc khác, hơn 20 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ thiệt mạng. Do đài chỉ huy bị hư hại, nên căn cứ không quân này phải đóng cửa 10 ngày để sửa chữa.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Hồng Lâm
Sau chiến công đó, cả 8 tình báo viên đều được tặng thưởng huân chương Chiến công (một hạng nhất và 7 hạng nhì). Đồng chí Phùng Hồng Lâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, hai liệt sĩ Bùi Thế Sách và Lê Đức Mục được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
46 năm đã trôi qua, 8 chiến sĩ tình báo ngày đó người còn, người mất. Trung tá Lê Thoong, Trung tá Trần Viết Tính từ trần đã hơn 20 năm, Đại tá Phùng Hồng Lâm qua đời từ năm 2007; Đại tá Lê Văn Đình hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đại úy Võ Tá Kiều sống ở Thái Bình, Chuẩn úy Nguyễn Văn Triêm ở Quảng Bình. Vì là nhiệm vụ bí mật nên chiến công của họ chưa được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn các cơ quan tình báo đối phương thì cho rằng tập kích vào hai sân bay trên là lực lượng Đặc công Việt Nam. Họ không thể ngờ rằng, chiến sĩ tình báo Việt Nam không những chỉ giỏi đấu trí, mà khi Tổ quốc cần, những con người đó còn dám xả thân như những chiến sĩ ngoài mặt trận.
Bởi vì, trong suốt 30 năm chiến tranh, tình báo Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
B-52 hoạt động tại chiến trường Việt Nam