Dưới đây là nội dung bài viết của hãng tin BBC:
Những bức ảnh do chính phủ Ukraine công bố như “bằng chứng” cho thấy sự hiện diện của lính Nga tại Donetsk đã khiến nhiều câu hỏi được đặt ra.
Với hàng nghìn binh sĩ Nga đang tập kết tại biên giới Ukraine, bất cứ bằng chứng nào cho thấy họ đã thực sự vượt qua biên giới như trong chiến dịch chiếm giữ Crimea hồi tháng Ba, cần phải được cân nhắc một cách thận trọng.
Những bức ảnh chất lượng thấp với chú thích kèm theo đã được chính phủ Ukraine trình lên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 16/4 như bằng chứng cho thấy “các nhóm trinh sát phá hoại” của Nga đang câu kết với các lực lượng ly khai tại thành phố Kramatorsk và Sloviansk, tỉnh Donetsk.
Theo một bài viết trên tờ New York Times (Mỹ), các bức ảnh và mô tả kèm theo “đã được sự hưởng ứng của chính quyền Tổng thống Obama”. Khi cho lan truyền những bức ảnh này, phía Mỹ cho biết họ đã xác nhận “mối liên hệ giữa Nga và một số các tay súng ly khai tại miền đông Ukraine”.
Tuy nhiên, BBC không thể xác minh những bức ảnh này và hiện tại vẫn chưa có phản ứng nào từ phía chính phủ Nga.
Theo thông cáo báo chí của Ukraine, những bức ảnh đã cho thấy một tay súng với bộ râu khá rậm rạp tham gia vào các hoạt động ly khai ở Kramatorsk và Sloviansk. Người này được cho là từng xuất hiện trong một chiến dịch của quân đội Nga tại Gruzia năm 2008, khi Nga tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng vào nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.
Bức ảnh chụp tay súng này tại Gruzia vói phiên hiệu của đơn vị đặc nhiệm Nga
Nhưng có thể để ý thấy trong những bức ảnh chụp năm 2014, bộ râu của ông ta có màu khá đen, trong khi tại chiến dịch Gruzia 6 năm trước, người đàn ông xuất hiện với một bộ râu màu hung.
Ngoài ra, chính phủ Ukraine còn đánh dấu trên các bức ảnh cho thấy phù hiệu của đơn vị đặc nhiệm Nga trên vai áo của tay súng này ở Gruzia nhưng những phù hiệu này có thể mua được qua internet với giá chưa đầy 5 USD.
Ukraine cho rằng tay súng ở miền Đông (bên trái) và ở Crimea (bên phải) là cùng một người
Trong một chuỗi những bức ảnh khác, Ukraine cho rằng cùng một tay súng đã xuất hiện tại Crimea trước đó và tại Donetsk tháng này, thế nhưng, để ý sẽ thấy mặc dù cùng một bộ đồng phục xuất hiện trong cả 2 bức ảnh nhưng mặt nạ lại khác nhau, cũng như cách khẩu súng lục được đeo ở thắt lưng của anh ta.
Ngoại trừ những bức ảnh được công bố là chụp ở Gruzia, tất cả những bức ảnh còn lại dường như được chụp gần đây và không có dấu hiệu cho thấy chúng được chụp bên ngoài Ukraine.
Những gì có thể thấy qua những bức ảnh này là có ít nhất một đơn vị bán quân sự thân Nga, được vũ trang đầy đủ đang hoạt động tại Donetsk.
Tuy nhiên, khó có thể chắc chắn rằng những người đó đích xác là đặc nhiệm Nga như phía Ukraine cáo buộc.
Tuần trước, Tổng thống Putin đã khẳng định “không có đơn vị quân sự, đặc nhiệm hay cố vấn nào của Nga tại miền đông Ukraine” nhưng sự phủ nhận này có vẻ không mấy thuyết phục sau rất nhiều hành động bí mật của Nga ở Crimea, và nhất là ông Putin sau đó đã thừa nhận việc triển khai quân đội Nga tại bán đảo này.
Mặc dù không đưa ra bức ảnh nào nhưng Tướng Philip Breedlove, Tư lệnh tối cao NATO tại châu Âu cũng đã đưa ra nhiều lập luận cho thấy lực lượng dân quân tại miền Đông Ukraine là “các lực lượng Nga”.
Về mặt lý thuyết, lực lượng bán quân sự trong những bức ảnh này có thể là cựu binh từ Nga hoặc từ nơi khác. Các cựu chiến binh trong cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan vẫn còn hoạt động tích cực trên cả 2 mặt trận dân tộc ở Ukraine và một số nhóm người yêu nước tại Nga.
Cũng có một vài bức ảnh rõ nét chụp được khuôn mặt của 3 tay súng. Tuy nhiên, tất cả họ đều để râu khá rậm rạp nên điều này sẽ gây trở ngại cho việc nhận dạng.
Một bài viết trên trang mạng Defense One có tranh luận rằng công nghệ nhận diện bằng mống mắt có thể giúp xác định danh tính của những người đàn ông đeo mặt nạ, tuy nhiên, cách này không đơn giản để có thể thực hiện được ở Donetsk.
Trong khi đó, một số cư dân mạng đang tích cực chia sẻ những hình ảnh của các chiến binh này ở miền đông, khi đeo và không đeo mặt nạ, với hy vọng có ai đó có thể nhận ra họ.