Bài 1: Nỗi khiếp sợ MiG-21 Việt Nam và cuộc thử nghiệm tối mật ở Vùng 51
Bài 2: Vụ đánh cắp MiG-21 và bàn tay Mossad giúp Mỹ trong chiến tranh VN
Bài 3: Những phát hiện bất ngờ của Mỹ về MiG-21 ở Vùng 51
Bài 4: Từ thử nghiệm ở Vùng 51, phi công Mỹ được dạy gì về MiG-21?
Nỗi khiếp sợ trước MiG-21 của Không quân Việt Nam đã thúc đẩy Mỹ tìm mọi cách có được chiếc máy bay này để tiến hành những thử nghiệm ở Vùng tuyệt mật 51 trên sa mạc Nevada.
Sau các cuộc thử nghiệm này, Mỹ đã rút ra nhiều bài học về các điểm yếu, mạnh của MiG-21, bổ sung cho chương trình huấn luyện nâng cao để đối phó với MiG trên chiến trường Việt Nam.
Tuy nhiên, dù đã đưa ra từng chiến lược cụ thể dành cho từng loại máy bay chiến đấu để đối phó với MiG-21, Không quân Mỹ vẫn không tránh khỏi thất bại đau đớn trước những "cánh én bạc" Việt Nam.
Phải nói rằng, những phi đội máy bay tiêm kích MiG-21 do Liên Xô viện trợ đã tăng thêm một nguồn sức mạnh rất lớn cho lực lượng không quân non trẻ của Việt Nam, vốn chỉ có những chiếc MiG-17 từ thời chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Các phi công MiG-21 Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô. Khi về nước, họ được biên chế trong trung đoàn không quân 921 hay còn gọi là đoàn không quân Sao đỏ - trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Việt Nam.
Các phi công MiG-21 trao đổi kinh nghiệm chiến đấu (Ảnh: Cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía)
Theo báo Tuổi Trẻ, chiếc MiG-21 đầu tiên về Việt Nam tháng 12-1965 và tham gia chiến trận đầu tiên ngày 4-3-1966.
Trong chiến tranh Việt Nam, các phi công MiG đã bắn rơi 174 máy bay Mỹ các loại, trong đó có cả B-52, đã có 56 phi công MiG Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ, 18 người bắn rơi 4 chiếc trở lên, trong đó phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc.
Trong thời kỳ này, có những trận không chiến giữa MiG-21 và máy bay Mỹ xứng đáng được xem là kỳ tích.
“Én bạc” hạ đo ván 14 máy bay Mỹ
Chỉ trong năm 1967, 9 phi công của Trung đoàn không quân 921 đã thay nhau trực ban chiến đấu và lần lượt cùng chiếc MiG-21, số hiệu 4324 xuất kích chiến đấu, bắn rơi 14 máy bay các loại của đế quốc Mỹ.
MiG-21 số hiệu 4324 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam năm 1967. Ngày 9-1-1967, chiếc máy bay này được trang bị cho Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng PK-KQ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, MiG-21 4324 đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần.
"Én bạc" 4324 trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: QĐND
Người đầu tiên lập công cùng “én bạc” 4324 là phi công Lê Trọng Huyên.
Ngày 30-4-1967, phi công Lê Trọng Huyên xuất kích chiến đấu, bắn rơi 1 chiếc “thần sấm” F-105 trên bầu trời Bắc Thái. Chiến công này được thể hiện bằng ngôi sao đỏ đầu tiên trên máy bay.
Trong các tháng 5, 6, 7, 9, 11, 12 của năm 1967, MiG-21 số hiệu 4324 liên tiếp lập công.
Mỗi ngôi sao đỏ tương ứng với một chiến công của chiếc MiG-21. Ảnh: QĐND
Chiến công thứ 14 của "én bạc" được hoàn thành vào sáng 19-12-1967.
Sáng hôm đó, biên đội 4 chiếc MiG-17 (Trung đoàn không quân 923) và 2 chiếc MiG-21 (Trung đoàn không quân 921) tổ chức đánh hiệp đồng trên vùng trời Tam Đảo, nhằm cản phá 1 đợt máy bay của không quân Mỹ vào đánh phá Hà Nội.
Máy bay 4324, do phi công Nguyễn Đăng Kính điều khiển, đã bắn hạ 1 chiếc F-4.
Chiếc MiG-21 4324 hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
MiG-21 một mình đấu với 36 máy bay địch
Đầu năm 1968, số máy bay mới được lắp ráp của trung đoàn 921 đã hao hụt rất nhiều do bị địch bắn rơi và bị bom địch phá hủy khi đỗ ở sân bay.
Một số máy bay hỏng hóc chưa kịp sửa chữa vì thiếu phụ tùng thay thế. Vì vậy, số máy bay trực chiến, nhất là máy bay MiG-21 còn rất ít.
Giai đoạn đầu tháng 1/1968, có thời điểm lực lượng máy bay đủ điều kiện tham gia trực chiến chỉ có 2 chiếc MiG-21.
Chính trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó đã diễn ra trận không chiến lịch sử của phi công Hà Văn Chúc.
Ngày 3-1-1968, ngay từ sáng sớm, Không quân Mỹ đã sử dụng một lực lượng lớn máy bay, khoảng 80 lần/chiếc F-105 và F-4 bay vào Hà Nội.
Nhận mệnh lệnh của trên, cả hai trung đoàn 921 và 923 đều xuất kích, hiệp đồng đánh địch, trong đó trung đoàn 921 có biên đội 2 chiếc MiG-21.
Sau trận đánh ác liệt sáng 3-1, do 1 chiếc bị lao ra ngoài đường băng khi hạ cánh, lực lượng trực chiến chỉ còn 1 chiếc MiG-21.
Trung đoàn 921 đang ở tình thế thiếu máy bay thì lúc 15 giờ ngày 3-1-1968, giặc Mỹ lại sử dụng 36 máy bay cường kích và tiêm kích từ hướng Sơn La vào đánh Hà Nội.
Được phép của Bộ Tư lệnh, trung đoàn hạ quyết tâm cho máy bay MiG-21 cất cánh, dù một chiếc cũng đánh.
Với tinh thần gương mẫu của người đảng viên, thượng úy-Đại đội phó Hà Văn Chúc xung phong nhận nhiệm vụ.
Thượng úy - Liệt sĩ Hà Văn Chúc (Ảnh: Cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía)
Tới vùng trời Yên Châu, Hà Văn Chúc phát hiện ba tốp địch đang bay ở phía trước, đồng thời một tốp F-4 đã lướt qua trên đầu.
Một tốp F-4 từ phía khác phát hiện ra máy bay ta liền lao tới đón đầu. Máy bay của Hà Văn Chúc và máy bay địch quần lượn, bám đuổi và kéo nhau về tới vùng trời Tam Đảo.
Tốp F-105 của địch vòng lại đón đầu. Hà Văn Chúc cho máy bay vọt lên. Nhìn sang trái, thấy một tốp F-105 khác, anh lập tức cho máy bay bổ nhào.
Do động tác quá mạnh, máy bay không bám được mục tiêu, anh phát hiện được 8 chiếc F-105 đang chuẩn bị ném bom.
Được lệnh, Hà Văn Chúc cho máy bay hướng thẳng vào chiếc F-105 bay chính giữa và phóng tên lửa. Chiếc máy bay địch trúng đạn bốc cháy. Đội hình máy bay địch bị rối loạn, không thực hiện được ý đồ vào đánh phá khu vực Hà Nội.
Được lệnh từ sở chỉ huy, Hà Văn Chúc lái máy bay luồn lách tránh tên lửa của địch bắn ra, hạ cánh an toàn. Nhằm đúng lúc đội hình địch bị tan vỡ, bộ đội tên lửa chớp thời cơ, bắn rơi thêm hai chiếc F-105
Ngày 14-1-1968, Hà Văn Chúc lại cùng đồng đội bắn rơi một máy bay F-105 của không quân Mỹ trên vùng trời huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.
Nhưng không may, trong trận chiến đấu này, máy bay bị trúng đạn, Hà Văn Chúc bị thương nặng buộc phải nhảy dù.
Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, ngày 19-1-1968, anh đã hy sinh tại Quân y viện 108.
Chiến thắng oanh liệt trước B-52
B-52 là con bài chiến lược của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và đây cũng là một loại máy bay rất khó tiêu diệt.
Chỉ những phi công giỏi nhất của Việt Nam được lựa chọn để đánh B52 và số này chỉ có khoảng hơn 10 người.
Đây cũng là những người quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Họ là một phần của huyền thoại 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội năm 1972.
Hai biên đội MiG-21 sau chiến thắng trận ngày 27-6-1972. (Ảnh: Cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía)
Trên máy bay MiG-21, chỉ có 2 đến 4 quả tên lửa. Khi đó, mệnh lệnh được đưa ra là tên lửa chỉ được dùng để bắn B-52, chứ không được dùng để bắn máy bay tiêm kích đối phương. Như vậy, khả năng hy sinh của phi công sẽ cao hơn…
Khi đó, việc sử dụng MiG-21 để đánh B-52 là chưa có tiền lệ. Giới quân sự quốc tế, vào thời điểm đó, cũng không dám chắc chắn về hiệu quả của nó.
Phương án tác chiến chống B-52 được xây dựng tỷ mỉ từ việc phát hiện B-52, cách mở radar, tiếp cận, cách tránh máy bay tiêm kích hộ tống của địch, cho đến cự ly phóng tên lửa và thoát ly…
Đêm 20/11/1971, phi công Vũ Đình Rạng cất cánh từ sân bay Anh Sơn đã bắn bị thương một chiếc B-52 của địch. Trận đánh này khẳng định, MiG-21 có thể tiêu diệt B52.
Việc nghiên cứu quy luật hoạt động và tính năng của máy bay B-52 đã được tiến hành từ trước đó, nhưng khi những loạt bom đầu tiên được thả xuống Hà Nội, cán bộ chiến sĩ bộ đội không quân đã trải qua một cảm giác hết sức nặng nề.
Sau những trận đầu tiên MiG-21 xuất kích, không quân Mỹ tập trung đánh phá các sân bay lớn.
Đón mùa xuân chiến thắng bên xác máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi trong trận Điện Biên Phủ trên không, tháng 12 năm 1972. (Ảnh: Sở văn hóa và thể thao thành phố HCM)
Các máy bay tiêm kích của ta được lệnh chia nhỏ ra và di chuyển đến các sân bay dã chiến, được bố trí ở nhiều nơi, như Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái...
Hệ thống dẫn đường cũng được thiết lập rộng khắp, có thể dẫn dắt cho máy bay của ta cất cánh từ các sân bay dã chiến khác nhau.
Đây là một yếu tố chiến thuật, đảm bảo cho lực lượng không quân tác chiến vì khi đó, quân đội Mỹ có khả năng phát hiện ra những máy bay của ta khi cất cánh từ các sân bay lớn.
Tháng 12/1972, phi công Phạm Tuân đã cùng chiếc MiG-21 số hiệu 5121 xuất kích, tiêu diệt một “siêu pháo đài bay” B-52 cùng toàn bộ kíp “giặc lái” Mỹ. Ảnh: QĐND
Trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, hai phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi 2 chiếc B-52. Phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương một chiếc khác, khiến nó phải hạ cánh ở Thái Lan.
Mặc dù thiếu radar tầm xa, mang ít tên lửa so với những máy bay chiến đấu đa nhiệm cùng thời của Mỹ nhưng trong tay những phi công lão luyện của Việt Nam, với cách tác chiến sáng tạo, MiG-21 trở nên một sức mạnh trên bầu trời.
Có tới 50 quốc gia đã và đang sử dụng MiG-21, nhưng cho đến thời điểm này, không quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng không quân duy nhất đã sử dụng MiG-21 để tấn công trực tiếp B52 và bắn hạ được B52.
MiG-21 Mikoyan-Gurevich là máy bay tiêm kích phản lực được thiết kế và chế tạo bởi cục thiết kế Mikoyan-Gurevich tại Liên bang Xô Viết.
Hơn 50 quốc gia trên 4 lục địa từng sử dụng loại máy bay này và hiện nay MiG-21 vẫn đang hoạt động trong không quân của một số quốc gia.
MiG-21 đã đạt được một số kỷ lục hàng không:
- Máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất lịch sử hàng không.
- Máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Thế chiến 2.
- Máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất.
(Tổng hợp)