Vụ đánh cắp MiG-21 và bàn tay Mossad giúp Mỹ trong chiến tranh VN

Nhật Huy |

Sau nhiều lần mua chuộc phi công MiG-21 của Ai Cập bất thành, Israel đã gặp may khi một đặc vụ của nước này tại Iraq có quan hệ "trên mức bình thường" với một phi công MiG-21 mang tên Munir Redfa.

Bài 1: Nỗi khiếp sợ MiG-21 Việt Nam và cuộc thử nghiệm tối mật ở Vùng 51

Khi đang lúng túng, mất hết tinh thần trước sự dũng mãnh của MiG-21 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, người Mỹ mừng như "chết đuối vớ được cọc" khi bất ngờ nhận được sự giúp đỡ giá trị từ đồng minh Israel, đó là được mượn một chiếc MiG-21 còn nguyên vẹn.

Bàn tay Mossad

Quân đội Israel có truyền thống rất coi trọng việc hiểu rõ những loại vũ khí mà đối phương đang sử dụng.

Một trong những người đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này là tướng Dan Tolkowsky, người đã xây dựng nên không quân Israel. Những thế hệ tướng lĩnh sau đó của Israel tiếp tục đặt ưu tiên rất cao trong việc nắm rõ những điểm mạnh, yếu của vũ khí đối phương.

Trong một cuộc họp vào tháng 3 năm 1963, giám đốc Mossad, cục tình báo hải ngoại Israel, hỏi những sĩ quan cấp cao của quân đội nước này về các mục tiêu mà họ muốn Mossad thực hiện.

Tướng Mordecai Hod, tư lệnh không quân Israel, bày tỏ mong muốn cơ quan này có thể chiếm được 1 chiếc MiG-21.

Tất nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Cả Mossad và Aman, cục tình báo quân sự Israel, tìm cách mua chuộc những phi công lái MiG-21 của Ai Cập, Syria và Iraq với cái giá 1 triệu USD nếu họ đồng ý đào ngũ cùng với máy bay của mình.

Song, chỉ những phi công xuất sắc nhất mới được chọn bay MiG-21 và họ luôn coi đó là một vinh dự to lớn. Vì vậy, những nỗ lực ban đầu của Mossad và Aman đều thất bại, một số đặc vụ bị phát hiện và hành quyết.

Một chiếc MiG-21 thuộc biên chế không quân Ai Cập

Một chiếc MiG-21 thuộc biên chế không quân Ai Cập

Tuy nhiên, cuối cùng thì người Israel cũng gặp may, khi một nữ đặc vụ Mossad ở Iraq xây dựng được quan hệ "trên mức bình thường" với một phi công MiG-21 tên Munir Redfa.

Khác với đa số những phi công Iraq khác, Munir Redfa là người Công giáo và cảm thấy không được trọng dụng, đối xử công bằng vì tôn giáo của mình. Munir cũng dành một sự cảm phục ngầm cho nhà nước Do Thái khi đứng vững trước những đối thủ Hồi giáo lớn hơn nhiều.

Munir Redfa vào năm 1966 và trước khi qua đời vào năm 1998

Munir Redfa vào năm 1966 và trước khi qua đời vào năm 1998

Vụ đào tẩu

Munir Redfa đồng ý tham gia phi vụ của Mossad, mang tên "Chiến dịch Kim Cương", với điều kiện mọi thành viên trong gia đình của mình cũng phải được đưa ra khỏi Iraq.

Mossad sắp xếp một chuyến đi bí mật của Munir đến Israel để trực tiếp thảo luận chi tiết kế hoạch đào thoát với tướng Mordecai Hod.

Trong chuyến đi này, Munir đặc biệt ấn tượng về những thông tin mà tình báo Israel nắm được về hoạt động của không quân Iraq. Họ biết rõ tên những người trong căn cứ, cả người Iraq và Liên Xô, cách bố trí bên trong căn cứ, lịch huấn luyện bay…

Poster của Đánh cắp bầu trời, bộ phim nói về Chiến dịch Kim Cương

Poster của "Đánh cắp bầu trời", bộ phim nói về Chiến dịch Kim Cương

Ngày 16/8/1966, Munir Redfa có lịch thực hiện một bài bay huấn luyện tầm xa. Theo đúng kế hoạch đã vạch ra trước đó, Munir bay về hướng Israel với đường bay zig zag để tránh bị radar Iraq và Jordani theo dấu. Israel cử một phi đội Mirage đón và hộ tống Munir về căn cứ không quân nằm sâu bên trong sa mạc Negev. Sau khi hạ cánh, thùng xăng chiếc MiG-21 đã cạn sạch nhiên liệu.

Trước đó Mossad đã lần lượt đưa nhiều thành viên trong gia đình Munir rời khỏi Iraq, với lí do du lịch hay chữa bệnh. Trong ngày Munir thực hiện chuyến bay, những thành viên còn lại rời Baghdad để đi cắm trại, họ được Mossad đưa sang Iran và từ đó bay sang Israel. Để đảm bảo bí mật, những người này hoàn toàn không biết gì về ý định của Munir, kể cả vợ của ông ta.

Chiếc MiG-21 hiện được trưng bày tại bảo tàng

Chiếc MiG-21 hiện được trưng bày tại bảo tàng

Về phía Israel, lợi ích từ việc chiếm được chiếc MiG-21 được thể hiện rất rõ ngay sau đó. Ngày 7/4/1967, trong một trận không chiến với không quân Syria, máy bay Israel bắn rơi 6 chiếc MiG mà không chịu tổn thất nào.

Trong cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6 năm đó, không quân Israel hoàn toàn làm chủ bầu trời và góp phần quyết định vào chiến thắng áp đảo của Israel trước liên quân các nước Ả Rập.

Một chiếc MiG-21 của Ai Cập trúng đạn từ Mirage III của Israel

Israel sau đó cho Mỹ mượn chiếc MiG-21 trong một khoảng thời gian ngắn từ 23/01 đến 08/04/1968. Nó ngay lập tức được đưa đến Vùng 51 để thử nghiệm và đánh giá.

Chi tiết cuộc thử nghiệm này như thế nào? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: Những phát hiện bất ngờ của Mỹ về MiG-21 ở Vùng 51

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại