1. Súng không giật B-10 (DKZ-82)
B-10 thường được đặt trên giá 3 chân, có thể gắn thêm 2 bánh xe với khả năng gập lại để thuận tiện khi di chuyển. Súng có chiều dài 1,85 m với nòng dài 1,66 m; trọng lượng 85,3 kg khi gắn thêm bánh xe hay 71,7 kg khi chỉ có riêng giá 3 chân. Ảnh: Bảo dưỡng súng không giật B-10 (Nguồn: Quân đội nhân dân).
Một khẩu đội DKZ-82 (B-10) tiêu chuẩn gồm 4 người, có nhiệm vụ mang vác đạn cũng như từng bộ phận tháo rời của súng. Ảnh: Khẩu đội DKZ-82 trong trạng thái hành quân (Nguồn: Quân đội nhân dân).
Trong tình huống khẩn cấp, xạ thủ cũng có thể lựa chọn phương pháp bắn ứng dụng bằng cách vác vai như các loại súng chống tăng thông thường. Ảnh: súng không giật B-10 trong trạng thái bắn ứng dụng (Nguồn: Báo Bình Định).
Súng DKZ-82 có góc nâng hạ từ -20 - +35 độ; góc xoay ngang 250 - 360 độ; tốc độ bắn 5 - 7 phát/phút. Loại đạn thông dụng của súng là đạn xuyên lõm KB-881 nặng 3,87 kg, có sơ tốc 322 m/s; tầm bắn hiệu quả 400 m, tầm bắn tối đa 4.500 m, sức xuyên 150 mm thép đồng nhất. Kính ngắm tiêu chuẩn của súng là loại PBO-2. Ảnh: nạp đạn cho súng DKZ-82 (Nguồn: Quân đội nhân dân).
Trong kháng chiến chống Mỹ, súng không giật B-10/DKZ-82 đã được sử dụng rất hiệu quả trong việc tiêu diệt xe tăng, thiết giáp, lô cốt, hỏa điểm hay công trình quân sự của đối phương. Tuy nhiên hiện nay súng đã trở nên lạc hậu vì 2 nhược điểm chính đó là rất nặng và sức xuyên thấp. Do vậy Việt Nam đang tiến hành thay thế dần súng không giật B-10 bằng SPG-9. Ảnh: Khẩu đội DKZ-82 khai hỏa tiêu diệt mục tiêu (Nguồn: Quân đội nhân dân).
2. Súng không giật SPG-9
SPG-9 Kopye (ngọn giáo) là loại súng (pháo) chống tăng không giật nòng trơn cỡ 73 mm do Liên Xô phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1962 nhằm thay thế cho loại súng không giật 82 mm B-10.
So với B-10 thì SPG-9 có nhiều ưu điểm hơn hẳn như nhẹ hơn (trọng lượng súng 47,5 kg và 59,5 kg với giá 3 chân) do đó khẩu đội được rút gọn xuống chỉ còn 2 người; đạn xuyên lõm PG-9V của súng nặng 4,4 kg có sơ tốc đầu nòng 435 m/s, tầm bắn hiệu quả 800 m và tối đa 1.300 m (6.500 m với đạn nổ phá mảnh OG-9BG1), sức xuyên 400 mm thép đồng nhất (550 mm với đạn PG-9VNT). Kính ngắm tiêu chuẩn của súng là loại PGO-9 có độ phóng đại 4x. Ảnh: khẩu đội sĩ quan sự bị SPG-9 luyện tập (Nguồn: Quân đội nhân dân).
Gần đây Việt Nam đã sản xuất thành công phiên bản nâng cấp của súng SPG-9 với tên gọi SPG-9T2 và đang dần biên chế cho các đơn vị để thay thế súng không giật B-10/DKZ-82. Ảnh: khẩu đội SPG-9T2 (Nguồn: Quân đội nhân dân).
Ngoài trang bị cho bộ binh, súng SPG-9 còn được lắp đặt trên các xe thiết giáp M-113 nâng cấp để thay thế súng không giật 105 mm M-40A1 của Mỹ. Ảnh: súng không giật SPG-9 trên xe thiết giáp M-113 (Nguồn: Quân đội nhân dân).
Súng không giật SPG-9 còn có một biến thể mang định danh 2A28 được lắp trên xe chiến đấu bộ binh BMP-1. Ảnh: Nạp đạn cho xe chiến đấu bộ binh BMP-1 (Nguồn: Quân đội nhân dân).
3. Súng không giật M-20/ Type-56/ DKZ-75
M-20 là loại súng không giật cỡ 75 mm được quân đội Mỹ chế tạo và sử dụng từ Chiến tranh thế giới II, Trung Quốc copy lại M-20 và định danh là Type-56, bổ sung thêm kính ngắm quang học và giá 3 chân kiểu mới. Súng không giật M-20 tiêu chuẩn có trọng lượng 52 kg, tầm bắn 6.400m, đạn xuyên lõm có trọng lượng 9,92 kg nhưng chỉ xuyên được 100 mm thép đồng nhất.
Hiện nay trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn còn một lượng nhỏ DKZ-75 (tên định danh của Việt Nam dành cho súng không giật Type-56 được Trung Quốc viện trợ), tuy nhiên chúng chỉ phục vụ công tác huấn luyện, không được triển khai sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: khẩu đội DKZ-75 của sư đoàn 395 (Nguồn: Quân đội nhân dân).