Việt Nam sản xuất thành công súng chống tăng SPG-9T2

Ly Vy |

(Soha.vn) - Việc sản xuất thành công súng chống tăng SPG-9T2 là lời khẳng định một lần nữa đối với năng lực của ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Súng chống tăng không giật SPG-9 cỡ 73 mm được Liên Xô chế tạo từ năm 1962 nhằm thay thế súng không giật B-10 cỡ 82 mm. Tuy được chế tạo từ cách đây 50 năm nhưng SPG-9 vẫn là loại vũ khí uy lực và có tính sát thương cao với các mục tiêu xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành, công sự,... So với các loại súng phóng lựu vác vai chống tăng như B-40, B-41 thì SPG-9 có ưu điểm là tầm bắn vượt trội (tầm bắn hiệu quả 800 m, tầm bắn tối đa 1.300 m).

Súng chống tăng SPG-9 trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Súng chống tăng SPG-9 trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thông số kỹ thuật cơ bản của súng chống tăng SPG-9

- Khối lượng: 47,6 kg và 59 kg khi có giá 3 chân

- Chiều dài: 2,1 m

- Cỡ nòng: 73 mm (nòng trơn)

- Tốc độ bắn tối đa: 6 phát/phút

- Sơ tốc đầu nòng: 300 - 700 m/s

- Khẩu đội: 2 người

- Kính ngắm: kính ngắm quang học PGO-9 với khả năng phóng đại 4 lần và kính ngắm PGN-9IR phục vụ cho bắn đêm

Súng chống tăng SPG-9 có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau như: đạn chống tăng tiêu chuẩn sử dụng liều nổ lõm PG-9, PG-9N; đạn nổ phá mảnh chống bộ binh OG-9V hoặc đạn chống tăng tadem sử dụng đầu nổ lõm 2 lần PG-9NT có thể tiêu diệt các loại xe tăng hiện đại được trang bị giáp phản ứng nổ. Súng chống tăng SPG-9 có thể lắp đặt lên các loại xe quân sự như xe bọc thép, xe bán tải,... nhằm tăng cường tính cơ động.

Tại Việt Nam, súng chống tăng SPG-9 được sản xuất tại nhà máy Z125 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng dưới tên gọi SPG-9T2 với một số cải tiến phù hợp điều kiện tác chiến tại khu vực miền núi, điều kiện môi trường nóng ẩm, tác chiến bộ binh mang vác,...

Trong quy trình sản xuất súng chống tăng SPG-9T2 thì phần quan trọng và phức tạp nhất là chế tạo nòng súng. Nòng súng được làm từ phôi thép đặc sử dụng công nghệ khoan, khoét lỗ sâu bằng máy CNC. Việc sử dụng máy CNC cùng mũi khoan cho khả năng gia công nòng cỡ 60 - 100 mm với thời gian được rút ngắn, đối với nòng súng SPG-9T2 thì trong vòng 1 giờ có thể khoan được 1 m2 và điều quan trọng là nhà máy Z125 hiện nay đã có thể tự chế tạo mũi khoan, giúp chủ động trong việc sản xuất và giảm chi phí.

Súng chống tăng SPG-9T2 lắp đặt trên xe thiết giáp M113 sau cải tiến.

Súng chống tăng SPG-9T2 lắp đặt trên xe thiết giáp M-113 sau cải tiến.

Vừa qua tại trường bắn K3 - Quân khu 9, sản phẩm súng chống tăng SPG-9T2 được lắp đặt lên xe thiết giáp M-113 nâng cấp đã tiêu diệt thành công mục tiêu.

Việc chế tạo thành công súng chống tăng SPG-9T2 một lần nữa cho thấy trình độ nghiên cứu và chế tạo vũ khí của quân đội ta, giúp nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất, chế tạo vũ khí đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Việt Nam chế tạo thành công súng chống tăng SPG-9T2

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại