Súng M-18 Việt Nam: Những thông tin thú vị

Bạch Dương |

Sau khi súng M-18 xuất hiện đã có nhiều ý kiến so sánh nó với khẩu Colt M-4, tuy nhiên có thể thấy so sánh này khá khập khiễng.

Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, súng trường tấn công Colt M-16A1 giữ vai trò vũ khí cá nhân tiêu chuẩn của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Ngoài nhược điểm đã được nhắc đến nhiều đó là hay kẹt đạn thì M-16A1 còn có một điểm bất tiện nữa đó là nòng súng khá dài, điều này làm giảm tính cơ động, đặc biệt khi tác chiến trong môi trường đô thị hay rừng rậm.

Súng trường tấn công M-16A1

Nhằm khắc phục nhược điểm trên, một phiên bản rút gọn có tên gọi XM-177E1 (Colt Model 609) đã được thiết kế dành riêng cho các lực lượng đặc nhiệm, biệt kích với 2 cải tiến chủ yếu đó là rút ngắn chiều dài nòng từ 20 inch (508 mm) xuống còn 10,5 inch (267 mm) và trang bị loa che lửa dài hơn, bên cạnh đó súng có báng kiểu rút với khả năng thay đổi độ dài thay cho báng cố định.

Súng tiểu liên XM-177E1

Trải qua một thời gian thử nghiệm trên chiến trường, quân đội Mỹ thực hiện tiếp một thay đổi nữa đó là kéo dài nòng của khẩu XM-177E1 thêm 1 inch, lên 11,5 inch (292 mm), phiên bản này được gọi là XM-177E2 (Colt Model 629) và trang bị hạn chế cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa với số lượng khoảng 500 khẩu.

Súng tiểu liên XM-177E2

Sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, toàn bộ số súng XM-177E2 trên trở thành chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với một số ưu điểm như gọn nhẹ, đạn 5,56 x 45 mm .233 Remington có uy lực lớn hơn đạn tiểu liên cỡ 9 x18 mm hay 7,62 x 25 mm của Nga nên XM-177E2 đã được biên chế trong một số đơn vị đặc công, trinh sát.

Trong lễ diễu binh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, những người lính đặc công, cảnh sát biển đã đi qua lễ đài với một khẩu súng lạ trên tay, loại súng này có hình dáng khá giống với khẩu XM-177E2 trừ một chi tiết đó là trang bị loa che lửa đầu nòng kiểu M-16 thay vì loa che lửa dài đặc trưng của dòng XM-177. Loại súng này sau đó được công bố với tên gọi M-18 và được cho là sử dụng loại đạn 5,56 x 45 mm NATO M855 thay cho đạn 5,56 x 45 mm .233 Remington của súng M-16A1 cũ.

Súng tiểu liên M-18

Sau khi súng M-18 xuất hiện đã có nhiều ý kiến so sánh nó với khẩu Colt M-4, tuy nhiên có thể thấy so sánh này khá khập khiễng vì mặc dù cùng sử dụng loại đạn M855 nhưng Colt M-4 là phiên bản carbine của M-16, có chiều dài nòng lên tới 14,5 inch (370 mm), còn khẩu M-18 có nòng dài 11,5 inch (292 mm) lại thuộc chủng compact carbine (tiểu liên). Ngoài ra kết cấu thân vỏ của 2 loại súng cũng có sự khác biệt rõ ràng khi tay xách của M-18 là loại cố định không thể tháo rời và cũng không có các thanh ray picatinny như M-4.

Súng carbine M-4A1

Phiên bản gần nhất với súng M-18 do Việt Nam sản xuất có lẽ phải là khẩu Colt Model 733 (M-16A2 Commando). Đây thực chất chính là biến thể hiện đại hóa của khẩu XM-177E2 với một số công nghệ áp dụng trên M-16A2, loại súng này từng được trang bị với số lượng lớn cho các đơn vị đặc nhiệm của quân đội và cảnh sát Mỹ trước khi bị thay thế bằng khẩu M-4, hình ảnh của nó xuất hiện rất nhiều trong bộ phim bom tấn Black Hawk Down sản xuất năm 2001.

Súng tiểu liên Colt Model 733

Súng tiểu liên Colt Model 733 có rất nhiều nét tương đồng với khẩu M-18 của Việt Nam từ vẻ bề ngoài cho đến cấu tạo bên trong như cùng sử dụng loại đạn M855, cùng có chiều dài nòng 11,5 inch, cùng sử dụng loa che lửa ngắn thay vì loa che lửa dài kiểu XM-177 và tay xách trên thân súng đều là loại cố định không thể tháo rời, khác hẳn với khẩu M-4A1 hay Colt Model 933 sau này.

Súng tiểu liên Colt Model 933 (M-4 Commando) với nòng dài 11,5 inch và tay xách có thể tháo rời

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại