Điểm danh các loại rocket có trong trang bị của Không quân Việt Nam

Phi Yến |

Bên cạnh các loại rocket hàng không của Liên Xô/Nga, Không quân Nhân dân Việt Nam còn có trong biên chế cả rocket do Mỹ sản xuất.

1. Rocket S-5

Đạn rocket S-5M

S-5 (ARS-57) là một loại rocket cỡ 55 mm được phát triển bởi Không quân Liên Xô để trang bị cho máy bay chiến đấu cánh cố định cũng như trực thăng nhằm chống lại các mục tiêu mặt đất. Dự án nghiên cứu chế tạo rocket S-5 bắt đầu từ những năm 1950 như một phần trong chương trình vũ khí không đối không AS-5 để trang bị cho tiêm kích MiG-19.

ARS-57 đã được thử nghiệm trên máy bay MiG-15 và MiG-17, các bài kiểm tra hoàn thành vào năm 1955 trên MiG-17PF và nhận được kết luận rằng đây không phải là một vũ khí phù hợp cho các cuộc không chiến. Thay vào đó, tháng 4/1955 nó được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị với vai trò vũ khí không đối đất và nhận định danh S-5.

Rocket S-5 có tất cả 11 biến thể, hình dạng và cấu tạo phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Các loại chính gồm: S-5K sử dụng đầu đạn lõm để chống thiết giáp, S-5M là loại nổ phân mảnh sát thương chống bộ binh, S-5S là loại đạn chứa 1.000 - 1.100 mũi tên dài 40 mm. Rocket S-5 có chiều dài 0,83 - 1,073 m; trọng lượng 3,64 - 5,02 kg; tầm bắn vào khoảng 3 - 4 km tùy phiên bản.

Rocket S-5 được phóng đi từ ống phóng chuyên dụng cỡ 57 mm, có 2 loại bình phóng thông dụng là UB-16-57UB-32-57 chứa 16 và 32 ống phóng.

Bình rocket UB-16-57
Bình rocket UB-32-57

Hiện nay rocket S-5 vẫn còn trong trang bị của Không quân Nga cũng như nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam, thường được trang bị cho trực thăng Mi-8/17/24 cũng như tiêm kích MiG-21, Su-22.

Trực thăng vũ trang Mi-24A của Việt Nam nằm trong khu trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, trên giá treo là 2 bình rocket UB-32-57

Ngoài vai trò vũ khí không đối đất như thiết kế ban đầu, gần đây rocket S-5 còn có một tác dụng khác đó là được quân nổi dậy ở Lybia, Syria sử dụng như một loại pháo phản lực phóng loạt.

“Pháo phản lực phóng loạt” S-5

2. Rocket S-8

Đạn rocket S-8 KOM

S-8 là tên gọi của một gia đình rocket không điều khiển cỡ 82 mm được phát triển bởi Không quân Liên Xô trong thập niên 1970 để thay thế cho rocket S-5 có hiệu suất chiến đấu thấp. Rocket S-8 có sức mạnh và độ chính xác cao hơn hẳn S-5 trong khi vẫn giữ kích thước đủ nhỏ để máy bay có thể mang theo với số lượng lớn. Rocket S-8 chính thức được chấp nhận đưa vào trang bị trong Không quân Liên Xô vào năm 1984.

Rocket S-8 có tất cả 14 biến thể với các loại đầu đạn khác nhau, các nhóm chính gồm đạn nổ lõm-phá mảnh chống thiết giáp-bộ binh S-8K; đạn xuyên chống lô cốt, công sự S-8B; đạn nhiệt áp S-8D; đạn vạch đường S-8O; đạn mồi bẫy S-8P; đạn mũi tên S-8S. Các phiên bản có chiều dài từ 1,54 - 1,7 m; trọng lượng 11,1 - 15,2 kg; tầm bắn 2 - 4 km.

Rocket S-8 sử dụng 2 loại bình phóng chuyên dụng đó là B-8M1 trang bị cho máy bay cánh cố định kiểu MiG-27, MiG-29, Su-17/22, Su-24, Su-25, Su-27/30 và B-8V20A tương thích với trực thăng Mi-8/17, Mi-24/28 và Ka-50/52.

Bình rocket B-8M1B-8V20A mang 20 ống phóng, ngoài ra còn có loại bình B-8V7 nhỏ và nhẹ hơn chỉ mang được 7 đạn, tuy nhiên loại bình phóng này có thể lắp trên cả máy bay cánh có định lẫn trực thăng.

Bình rocket B-8M1
Bình rocket B-8V20A

Hiện nay S-8 vẫn là loại rocket hiện đại nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam, chủ yếu trang bị cho các máy bay chiến đấu đa năng Su-30.

Nạp rocket S-8 cho Su-30MK2. Nguồn: Quân đội nhân dân
Su-30MK2 của Việt Nam mang 4 bình rocket B-8M1. Nguồn: Quân đội nhân dân

3. Rocket Hydra 70

Rocket Hydra 70 bên cạnh tên lửa AGM-114 Hellfire

Hydra 70 cỡ 70 mm là một loại vũ khí có nguồn gốc từ chương trình 2,75 inch Mk 4/Mk 40 Folding-Fin Aerial Rocket (FFAR) do Quân đội Mỹ phát triển từ cuối những năm 1940 và được chính thức đưa vào trang bị năm 1948.

Về cơ bản, rocket Hydra 70 xoay quanh cơ sở của động cơ Mk 66 kết hợp với các loại đầu đạn dùng cho những mục đích khác nhau gồm 6 loại chính: đầu đạn khói M264; đầu đạn chứa mũi tên M255A1; đầu đạn vạch sáng M257/ M278; đầu đạn nổ phân mảnh M151/ M229/ M156; đầu đạn luyện tập M274/ WTU-1/B và đầu đạn dẫn đường bằng laser APKWS (Advanced Precision Kill Weapon System).

Động cơ rocket Mk 66 có trọng lượng 6,2 kg; dài 1.060 mm; thời gian hoạt động 1,05 - 1,1 giây; cho tầm bắn hiệu quả 500 - 8.000 m, tối đa 11.000 m.

Rocket Hydra 70 sử dụng 2 loại bình phóng chính gồm M261 với 19 ống phóng và M260 có 7 ống, ngoài ra còn có 2 loại bình 19 ống và 7 ống khác là LAU-130/A, LAU-61C/A và LAU-131/A, LAU-68D/A.

Bình rocket M261 và M260

Trong Chiến tranh Việt Nam, rocket Hydra 70 là vũ khí chính của trực thăng UH-1 Huey cũng như AH-1 Cobra và OH-6 Cayuse. Trong đó trực thăng UH-1 thường mang theo 2 bình rocket loại M261 hoặc M260 ở hai bên hông.

Trực thăng UH-1A với 2 bình rocket M261

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, vì số lượng đạn rocket Hydra 70 của Mỹ viện trợ cho quân Việt Nam Cộng Hòa còn rất nhiều nên cán bộ kỹ thuật của ta quyết định tận dụng để mang lên các phương tiện chiến đấu do Liên Xô sản xuất như trực thăng Mi-8 và Mi-24.

Cách đưa rocket Mỹ lên trực thăng Nga cũng khá đặc biệt: “Chúng tôi lấy ống phóng rocket của máy bay trinh sát U-17 chuyên dùng để bắn rocket khói chỉ điểm mục tiêu. Sau đó, chúng tôi dùng 2 đai bó lại thành chụm (8 - 16 ống), trên đai hàn một móc treo với kích thước phù hợp để móc vào giá treo trực thăng Mi-24, phải đảm bảo cho cân đối.

Với cách làm này, đã đảm bảo được phóng rocket Mỹ trên trực thăng Nga, có thể dùng đi dùng lại nhiều lần”, Đại tá Nguyễn Kim Khôi - Cán bộ vũ khí hàng không (Quân chủng Phòng không Không quân) trực tiếp tham gia công tác cải tiến đưa rocket do Mỹ sản xuất để bắn trên trực thăng Mi-24 của Liên Xô chia sẻ.

Hiện nay không rõ số lượng và tình trạng số rocket Hydra 70 còn lại trong kho dự trữ của Không quân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại