Knox là tên một lớp khinh hạm của Hải quân Hoa Kỳ gồm tất cả 46 chiếc được đóng trong giai đoạn 1965 - 1974 và phục vụ trong khoảng thời gian 1969 - 1994. Ban đầu lớp chiến hạm này được thiết kế để đảm nhiệm vai trò khu trục hạm hộ tống nhưng đến 30/6/1975 đã được tái phân loại thành khinh hạm và đổi ký hiệu từ DE sang FF.
Sau khi ngừng phục vụ trong Hải quân Mỹ, một số khinh hạm lớp Knox đã được chuyển giao cho các quốc gia đồng minh gồm Đài Loan, Ai Cập, Hy Lạp, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan. Hải quân Thái Lan được Mỹ chuyển giao 2 khinh hạm lớp Knox gồm USS Ouellet (FF-1077), nhận năm 1993 và đổi tên thành HTMS. Phutthaloetla Naphalai (FFG 462) cùng với USS Truett (FF-1095), nhận năm 1999 và đổi tên thành HTMS. Phutthayotfa Chulalok (FFG 461).Trong ảnh: khinh hạm HTMS. Phutthaloetla Naphalai (FFG 462).
Với lượng giãn nước đầy tải 4.260 tấn; dài 134 m; rộng 14,25 m; mớn nước 7,54 m, nếu so sánh Knox với các khinh hạm khác trong khu vực Đông Nam Á như: Formidable (Singapore), Lekiu (Malaysia), Gepard 3.9 (Việt Nam), Van Speijk (Indonesia), Nakhodam Ragam (Brunei) thì không loại nào có thể sánh bằng, vì vậy có thể coi đây chính là 2 khinh hạm lớn nhất khu vực. Trong ảnh: khinh hạm HTMS. Phutthayotfa Chulalok (FFG 461).
Hệ thống động lực của tàu gồm 1 động cơ turbine hơi nước Westinghouse 1 trục và 2 nồi hơi V2M có tổng công suất 35.000 shp, cho phép chạy với tốc độ tối đa 27 hải lý/h (50 km/h), biên chế phục vụ gồm 17 sĩ quan và 240 thủy thủ.
Hệ thống điện tử của tàu khá đồ sộ gồm radar tìm kiếm trên không AN/SPS-40, radar tìm kiếm bề mặt AN/SPS-10 và AN/SPS-67, radar kiểm soát hỏa lực pháo AN/SPG-53 Mk 68, sonar gắn cố định AN/SQS-26 và sonar kéo AN/SQR-18. Ngoài ra, còn có hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32 kết hợp thiết bị phóng mồi bẫy Mk 36 SRBOC.
Vũ khí trang bị của các khinh hạm lớp Knox gồm 1 hải pháo Mk 42 127 mm có trọng lượng 60,4 tấn; dài 9,652 m trong đó nòng dài 6,858 m; góc phương vị 150° tốc độ 40°/s, góc tà -15°/+85° tốc độ 25°/s; tốc độ bắn thiết kế 40 viên/phút, tốc độ bắn chiến đấu kiểm nghiệm trong thực tế 28 viên/phút; tầm bắn tối đa 23.691,2 m ở góc +45° hoặc 15.727,7 m ở góc +85°; đạn có sơ tốc đầu nòng 807,7 m/s. Trong ảnh: pháo Mk 42 trên khinh hạm Chulalok.
Phía sau khẩu pháo là 1 bệ 8 ống phóng Mk 16 tương thích với tên lửa chống ngầm RUR-5 ASROC và tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon.
Tên lửa chống ngầm RUR-5 ASROC được Hải quân Mỹ phát triển từ những năm 1950 và chính thức chấp nhận đưa vào trang bị năm 1961. Tên lửa ASROC nặng 487 kg; dài 4,5 m; đường kính 420 mm; tầm bắn 19 km; đầu đạn của ASROC là 1 ngư lôi hạng nhẹ Mk 46 hoặc bom chìm PBXN-103. Trong ảnh: tên lửa ASROC được phóng đi từ khu trục hạm USS Joseph Strauss.
Tên lửa hành trình đối hạm RGM-84 Harpoon hiện vẫn giữ vai trò vũ khí chống hạm chủ lực của Hải quân Mỹ và nhiều nước đồng minh. Phiên bản phóng từ tàu mặt nước của Harpoon có trọng lượng 691 kg; dài 4,6 m; đường kính 0,34 m; mang theo đầu đạn nặng 221 kg, tốc độ hành trình cận âm; tầm bắn 124 km. Trong ảnh: tên lửa Harpoon được phóng đi từ bệ phóng Mk 16.
2 bên hông tàu bố trí 2 ống phóng đôi của ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk 46 có tầm bắn 10.972,8 m; độ sâu hoạt động 365,8 m. Tuy nhiên một số thông tin cho biết 2 khinh hạm Knox của Thái Lan chỉ được trang bị ngư lôi Mk 44 có tầm bắn 5,4 km.
Hỏa lực phòng không của khinh hạm lớp Knox có thể là tên lửa RIM-7 Sea Sparrow hoặc hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx. Knox của Hải quân Thái Lan lựa chọn trang bị 1 tổ hợp Phalanx bố trí ở phía sau sàn đáp trực thăng. Tổ hợp Phalanx lắp pháo M61 Vulcan 6 nòng cỡ 20 mm, tốc độ bắn 4.500 viên/phút, tầm bắn hiệu quả 3,6 km. Trong ảnh: Hệ thống Phalanx trên khinh hạm Chulalok đang nhả đạn.
Sàn đáp và nhà chứa máy bay ở đuôi tàu có thể tiếp nhận trực thăng hạng trung SH-2, nhưng Hải quân Thái Lan lại lựa chọn trang bị trực thăng UH-1N. Trong ảnh: trực thăng UH-1N của Thái Lan cất cánh từ khinh hạm Chulalok.
Mặc dù tuổi đời đã rất cao nhưng 2 khinh hạm lớp Knox vẫn phục vụ rất tích cực trong biên chế Hải quân Hoàng gia Thái Lan và sẽ chưa thể bị thay thế trong tương lai gần.