Khi vũ khí đảm nhiệm vai trò cascadeur

Tuấn Trung |

Trong một số bộ phim làm về đề tài chiến tranh, không phải đạo diễn nào cũng có trong tay đúng chủng loại vũ khí cần thiết, do đó họ đã buộc phải sử dụng những “Diễn viên đóng thế”.

Trường hợp sử dụng vũ khí với vai trò cascadeur nổi tiếng nhất phải kể đến bộ phim bom tấn Top Gun sản xuất năm 1986 do diễn viên Tom Cruise đóng vai chính. Trong phim có những cảnh không chiến cự ly gần (dog fight) cực kỳ hoành tráng giữa tiêm kích cánh cụp cánh xòe F-14 Tomcat và một loại máy bay lạ mang tên MiG-28.

Tiêm kích MiG-28 trong phim Top gun

Cái tên MiG-28 của loại tiêm kích lạ trên gây bối rối cho không ít người vì sản phẩm máy bay MiG của Mikoyan - Guevich luôn được đánh số lẻ. Đạo diễn bộ phim đã chọn cách định danh này có lẽ để tránh những căng thẳng không cần thiết nhiều khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên với những người am hiểu về quân sự thì họ không gặp phải khó khăn gì để nhận ra những chiếc MiG-28 đó chính là do F-5 đóng thế.

Tiêm kích F-5F Tiger II

F-5A/B Freedom FighterF-5E/F Tiger II là một phần trong gia đình máy bay tiêm kích-bom siêu âm hạng nhẹ được thiết kế và chế tạo bởi hãng Northrop từ thập niên 1960. Mặc dù được sản xuất với số lượng trên 2.300 chiếc nhưng Không quân Mỹ không sử dụng F-5 với chức năng máy bay chiến đấu tiền tuyến mà nó chỉ được sử dụng để đóng giả tiêm kích đối phương (OPFOR) cho vai trò huấn luyện vì kích thước nhỏ và có hiệu suất khá tương đồng với MiG-21 của Liên Xô, chúng chủ yếu hoạt động trong Phi đội đóng giả máy bay đối phương số 64 và 65 tại Căn cứ không quân Nellis, bang Nevada.

Trong thập kỷ 1980, tiêm kích chủ lực F-14 của Hải quân Mỹ vẫn thường xuyên thực hiện các bài tập đối kháng với máy bay F-5 Tiger II. Do đó cũng dễ hiểu vì sao các đạo diễn Hollywood và quan chức quân sự Mỹ đã đồng ý sử dụng F-5E/F để đóng giả MiG-28 trong các cảnh quay không chiến.

Cảnh không chiến giữa F-14 và MiG-28/F-5 trong phim Top Gun

Một trường hợp đóng thế cũng khá nổi tiếng khác đó là trong bộ phim Beast of War sản xuất năm 1988 nói về cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan. Trong bộ phim này xuất hiện một chiếc xe tăng có hình dạng thân xe giống với T-54/55 nhưng tháp pháo có một số khác biệt, đặc biệt là khẩu pháo chính với bọng hút khói ở giữa không hề giống với T-62.

Chiếc xe tăng lạ trong phim Beast of War

Chiếc xe tăng này sau đó được xác định là loại Ti-67 của Israel. Ti-67 là phiên bản nâng cấp của dòng xe tăng Tiran mà cụ thể ở đây là Tiran-5Sh, nguyên gốc xe tăng Tiran lại chính là bản sửa đổi của Israel dựa trên những chiếc T-54/55 mà họ bắt giữ được sau cuộc chiến tranh với các quốc gia Arab, quá trình sản xuất hoán cải diễn ra trong giai đoạn 1967 - 1973.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Tiran-5

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở xe tăng Ti-67/ Tiran-5 đó là khẩu pháo chính D-10T2S cỡ 100 mm đã được thay thế bằng pháo 105 mm Sharir (một phiên bản của pháo M68/ L7 105 mm). Ngoài ra súng máy đồng trục PKT 7,62 mm và súng máy hạng nặng DShK 12,7 mm cũng phải nhường chỗ cho súng máy Browning. Xe cũng được thay đổi thiết bị nhìn đêm, hệ thống kiểm soát hỏa lực, hệ thống điện, hệ thống điều hòa không khí, thiết bị thông tin liên lạc và chỗ ngồi của trưởng xe cũng như pháo thủ cũng khác với nguyên bản.

Xe tăng Tiran chỉ phục vụ trong Quân đội Israel một thời gian ngắn, đa phần trong số đó đã được bán lại cho các quốc gia khác hoặc cho những nhà sưu tập vũ khí. Rất có thể chiếc Ti-67 trong phim được mua về theo con đường trên.

Xe tăng Ti-67 trong phim Beast of War

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại