Israel nâng cấp máy bay chiến đấu F-5 của một quốc gia châu Á giấu tên

Bạch Dương (TH) |

Công ty Elbit Systems (Israel) vừa nhận hợp đồng nâng cấp các đơn vị máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-5E Tiger II với một quốc gia châu Á.

Theo tạp chí quân sự Janes, toàn bộ thông tin về quốc gia ký hợp đồng với Elbit Systems và các điều khoản cụ thể của hợp đồng nêu trên không được hé lộ. Từ các nguồn tin công khai, hợp đồng nâng cấp máy bay F-5 sẽ được thực hiện trong 3 năm tới.

Máy bay chiến đấu F-5 của Không quân Indonesia. Ảnh minh hoạ.

Theo thông tin từ phía Elbit Systems, máy bay F-5 nâng cấp sẽ được tái trang bị lại hoàn toàn hệ thống điện tử trên khoang, hệ thống quan sát quang-điện tử và hệ thống liên lạc mới. Ngoài ra, Elbit Systems cũng có thể trang bị thêm thiết bị định vị và hệ thống đối kháng điện tử mới trên máy bay F-5 nâng cấp. Quốc gia châu Á giấu tên cũng được cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đối với các máy bay F-5 nâng cấp.

Hiện tại, máy bay F-5 chỉ còn phục vụ trong biên chế Quân đội Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… Trước đây, Elbit Systems từng ký hợp đồng nâng cấp máy bay F-5 của Singapore và Thái Lan. Trong khi đó, Malaysia do có quan hệ chính trị không mấy nồng ấm với Israel, nên khả năng nước này “nhờ” Israel nâng cấp chiến đấu cơ F-5 rất khó xảy ra.

F-5E Hàn Quốc “gãy cánh”, gây nổ lớn F-5E Hàn Quốc “gãy cánh”, gây nổ lớn

(Soha.vn) - Tiêm kích F-5E của Hàn Quốc vừa gặp nạn tại một khu vực thuộc huyện Jeungpyong, tỉnh Bắc Chungcheong, Hàn Quốc. Rất may, phi công đã kịp thời thoát khỏi máy bay.

F-5A/B Freedom Fighter và F-5E/F Tiger II là một phần trong gia đình máy bay tiêm kích-bom siêu âm hạng nhẹ được thiết kế và chế tạo bởi hãng Northrop từ thập niên 1960. Hàng trăm chiếc vẫn đang hoạt động trong biên chế một số lực lượng không quân trên thế giới tại thời điểm đầu thế kỷ 21, và F-5 cũng được dùng làm mẫu cho một số thiết kế máy bay khác.

Dự án F-5 bắt đầu trong một chương trình máy bay tiêm kích hạng nhẹ do hãng Northrop đầu tư từ những năm 1950. Thế hệ đầu tiên là F-5A Freedom Fighter bắt đầu hoạt động vào thập niên 1960. Trên 800 chiếc đã được chế tạo đến năm 1972 tại các quốc gia đồng minh của Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh . Mặc dù Không quân Mỹ không có nhu cầu đối với một máy bay tiêm kích hạng nhẹ, nhưng F-5 vẫn được sử dụng trong vai trò huấn luyện với khoảng 1.200 chiếc T-38 Talon (được phát triển từ khung của F-5) đã được chế tạo.

Thế hệ thứ hai F-5E Tiger II cải tiến cũng được sử dụng chính trong các nước đồng minh của Mỹ nhưng với số lượng giới hạn, những chiếc F-5E hoạt động trong hàng không quân sự Mỹ với nhiệm vụ làm máy bay huấn luyện và đóng giả máy bay đối phương; F-5E Tiger II đã được chế tạo trên 1.400 chiếc, việc sản xuất kết thúc vào năm 1987 . Rất nhiều chiếc F-5 khác hiện vẫn đang tiếp tục hoạt động trong thập niên 1990 và 2000, sau khi trải qua rất nhiều chương trình nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu trong môi trường chiến đấu luôn thay đổi. F-5 cũng được phát triển thành một phiên bản trinh sát chuyên dụng có tên RF-5 Tigereye.

Thông số kỹ thuật cơ bản của F-5E Tiger II: Kíp lái 1 người; dài 14,45 m; sải cánh 8,13 m; cao 4,08 m; trọng lượng rỗng 4.349 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 11.187 kg. F-5E được trang bị 2 động cơ phản lực General Electric J85-GE-21B, công suất 15,5 kN và 22,2 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa Mach 1,6; tầm hoạt động 3.720 km; trần bay 15.800 m; tải trọng vũ khí tối đa 3.200 kg.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại