Nhật Bản công bố giá mua "cắt cổ" F-35

Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố phải tăng mạnh giá mua tiêm kích F-35A Lightning II của Mỹ.

Theo đó, mức giá mua F-35A sẽ tăng từ 10,2 tỷ yen (104,4 triệu USD) lên tới 14,9 tỷ yen (153 triệu USD) mỗi chiếc. Mức giá này được áp dụng cho năm tài khóa 2013 (từ ngày 1/4/2013 đến 31/3/2014).

Bộ Quốc phòng Nhật Bản giải thích mức giá mua F-35A tăng mạnh vì các công ty trong nước của Nhật Bản sẽ tham gia sản xuất các chi tiết của loại siêu tiêm kích này.

Nguyên mẫu tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35A
Nguyên mẫu tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35A

Trong năm 2012, Nhật Bản đã đặt mua 4 chiếc F-35A. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng vừa hoàn tất thương lượng mua thêm 2 chiếc với chi phí ước tính 23 tỉ yen (233,59 triệu USD) trong năm tài khóa 2013. Hai máy bay này dự kiến sẽ được giao cho Nhật Bản vào tháng 3/2018.

Thông báo về việc nâng giá mua F-35A được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30/9 đã ký các hợp đồng đầu tiên với 3 công ty quốc phòng nội địa để phối hợp sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ tài khóa 2013. Cụ thể, hợp đồng lắp ráp và kiểm tra cuối cùng trị giá 63,9 tỷ yen được ký kết với Mitsubishi Heavy Industries.

Hãng Ishikawajima-Harima Heavy Industries chế tạo linh kiện động cơ theo một hợp đồng trị giá 18,2 tỷ yen.

Hợp đồng thứ ba trị giá 5,6 tỷ yen được trao cho Mitsubishi Electric để sản xuất bộ phận rađa. Tổng trị giá các hợp đồng với 3 công ty này là 87,7 tỷ yen (khoảng 890,68 triệu USD).

Mức giá mua F-35A mà Nhật Bản vừa công bố được đánh giá cao hơn so với mặt bằng chung
Mức giá mua F-35A mà Nhật Bản vừa công bố được đánh giá cao hơn so với mặt bằng chung

Như vậy, thông báo tăng giá mua F-35A của Nhật Bản trái với những nhận định trước đó rằng việc các công ty nội địa tham gia sản xuất sẽ giúp hạ giá thành loại tiêm kích này. Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng mức giá mà Nhật Bản vừa công bố là quá đắt so với mức giá trung bình 120 triệu USD mỗi chiếc F-35 hiện nay.

Không những vậy, việc tăng giá mua F-35 của Nhật Bản cũng đi ngược lại xu hướng hạ giá của F-35. Nếu như lô F-35A thứ 6 được sản xuất với số lượng nhỏ có giá 103 triệu USD mỗi chiếc thì đến lô thứ 7, mức giá này đã giảm còn 98 triệu USD. Mức giá này không gồm giá mua thêm động cơ riêng lẻ.

Tuy nhiên, việc tăng giá mua F-35A hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Nhật Bản bởi chính phủ nước này luôn thể hiện sự hỗ trợ rất lớn đối với nền kinh tế cũng như các nhà sản xuất trong nước. Trong hầu hết các hợp đồng mua sắm vũ khí của nước ngoài, Nhật Bản luôn tìm mọi cách để đưa các hãng trong nước được tham gia quá trình sản xuất.

Điển hình là trường hợp đối với các tiêm kích F-16 Fighting Falcon. Nếu nhập khẩu nguyên chiếc, Nhật Bản chỉ phải bỏ ra 60 triệu USD cho mỗi chiếc. Nhưng khi Nhật Bản “nội địa hóa” F-16 thành F-2 với sự tham gia của Mitsubishi thì giá thành lên tới 110 triệu USD mỗi chiếc.

F-35A sẽ thay thế những chiếc F-4 đã lạc hậu của Nhật Bản
F-35A sẽ thay thế những chiếc F-4 đã lạc hậu của Nhật Bản

Hồi tháng 5/2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố hợp đồng bán 42 chiếc F-35A cho Nhật Bản với tổng trị giá 9 tỷ USD, tương đương 238 triệu USD mỗi chiếc. Mức giá này bao gồm cả động cơ F135, dịch vụ bảo trì, thay thế, các thiết bị trên khoang và huấn luyện phi công.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tổng chi phí của chương trình, bao gồm cả việc mua 42 máy bay, bảo dưỡng, sửa chữa và bảo trì trong vòng 20 năm cũng như việc đào tạo phi công và nhân viên ước tính vào khoảng 1,6 nghìn tỷ yên (hơn 20 tỷ USD).

Những chiếc F-35A sẽ thay thế cho các máy bay chiến đấu F-4 đã lỗi thời của Nhật Bản. Chiếc F-35A đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho Nhật Bản vào năm 2016.

Theo các nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí lần đầu tiên được ban hành tại Nhật Bản vào năm 1967, Tokyo nghiêm cấm xuất khẩu vũ khí sang các nước bị Liên hợp quốc cấm vận vũ khí và những nước có dính líu tới các cuộc xung đột quốc tế.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, song cho phép các công ty trong nước tham gia sản xuất các bộ phận của F-35 trên cơ sở Mỹ sẽ kiểm soát chặt chẽ các lô hàng do Nhật Bản chế tạo. Ông Suga cho rằng điều này sẽ giúp "duy trì, khuyến khích và nâng cấp nền tảng chế tạo trang thiết bị quốc phòng Nhật Bản và các công nghệ liên quan, đồng thời góp phần vào việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận An ninh Nhật - Mỹ".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại