Mặc dù quân đội Nhật Bản không công khai kế hoạch chống lại những đe dọa từ chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng các hệ thống tác chiến chống ngầm (ASW) được xây trong nhiều thập kỷ vừa qua của Tokyo có thể đóng vai trò tương tự.
Trên danh nghĩa, nhiệm vụ của Hải quân Nhật Bản vẫn là bảo vệ tuyến đường giao thông - liên lạc trên biển và lãnh hải của Nhật Bản trong trường hợp bị xâm lược trực tiếp. Tuy nhiên, kế hoạch quốc phòng trung hạn đang được thực hiện và kế hoạch tạo ra một chiến lược "quốc phòng linh hoạt” để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ phía tây bắc Thái Bình Dương (hỗ trợ các đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ) sang những vùng biển xung quanh Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, những lực lượng xâm lược trên biển hiện tại được cho là đến từ Trung Quốc chứ không phải Nga.
Nhật Bản đã liên tục tăng cường khả năng ASW trong 30 năm qua, bao gồm việc bổ sung thêm tàu sân bay trực thăng cỡ lớn, tàu khu trục Aegis thế hệ mới và tăng cường khả năng tình báo, do thám và giám sát (ISR). Các nhà phân tích cho rằng những động thái này chứng tỏ Hải quân nói riêng và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nói chung đang âm thầm xây dựng khả năng chống chiến lược A2/AD của Trung Quốc.
Hải quân Nhật Bản cũng đã trang bị máy bay tuần tra biển P-1, trực thăng săn ngầm cải tiến SH-60K và tàu ngầm lớp Soryu thế hệ mới với trọng tải 3.300 tấn (lớp tàu ngầm đầu tiên được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập AIP). Ngoài ra, lực lượng này cũng đang vận hành 5 tàu ngầm tấn công và 11 tàu ngầm lớp Oyashio cũ hơn. Mục tiêu của Hải quân Nhật Bản là sở hữu một hạm đội 22 tàu ngầm.
“Chiến lược A2/AD của Trung Quốc thu hút sự chú ý bằng việc tăng hạm đội tàu ngầm, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, tên lửa hành trình chống hạm cũng như tàu khu trục Type 052D thế hệ mới với khả năng phòng không được tăng cường”, Corey Wallace, một chuyên gia quốc phòng Nhật Bản tại trường đại học Auckland ở New Zealand, cho biết.
“Để đối phó với tàu ngầm, Nhật Bản đã có nhiều thứ mà họ cần. Nhật Bản từ lâu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống ASW và những khả năng khác để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh hải. Điều này tạo ra một nền tảng để Hải quân Nhật Bản có thể dễ dàng điều chỉnh lực lượng, dọn đường cho Hải quân Mỹ khi can thiệp vào các cuộc xung đột liên quan tới Đài Loan hay Okinawa", ông Wallace phân tích.
Những động thái gần đây cho thấy Nhật Bản đang phát triển chiến lược chống A2/AD một cách gián tiếp. Vào tháng 8/2013, Nhật Bản đã ra mắt chiếc tàu khu trục chở trực thăng đầu tiên mang tên Izumo với lượng giãn nước 27.000 tấn. Đây là chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, có thể chở được 15 trực thăng.
Năm 2008 và 2011, Hải quân Nhật Bản cũng đã biên chế hai tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga với lượng giãn nước 20.000 tấn và có thể chở 11 trực thăng mỗi chiếc. Sứ mệnh ưu tiên của hai tàu chiến này là tác chiến chống ngầm, nhưng chúng cũng có khả năng phòng không, cũng như các chức năng chỉ huy và kiểm soát.
“Nếu chiến lược A2/AD của Trung Quốc bao gồm tàu ngầm diesel, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, tên lửa hành trình/đạn đạo phóng từ tàu mặt nước, máy bay chiến đấu cũng như khả năng tác chiến điện tử, thì một chiến lược chống A2/AD của Nhật Bản sẽ được thiết kế để chống lại những phương tiện và vũ khí này”, James Manicom, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm đổi mới quốc tế Governance, cho biết.
Hải quân Nhật Bản cũng đang dự định thay thế 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Hatakaze bằng tàu lớp Atago (biến thể cải tiến từ tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ) hiện đại hơn. Các tàu khu trục Aegis này được trang bị khả năng phòng không và chống tàu mặt nước.
"Có 2 điểm đáng nói về kế hoạch tăng cường này. Một là chiến lược. Nhật Bản luôn duy trì chiến lược chống xâm lược và trọng tâm đã chuyển từ Nga sang Trung Quốc. Hai là công nghệ. Nhật Bản đang tích cực mua sắm rất nhiều trang thiết bị để phòng không và phòng thủ tên lửa. Các tàu Aegis được trang bị những khả năng tiên tiến, rất cần thiết cho những sứ mệnh này" - Alessio Patalano, chuyên gia hàng hải Nhật Bản tại Đại học Kings, London (Anh) nhận định.
Ngoài ra, quân đội Nhật Bản cũng tăng cường triển khai một phi đội của lực lượng phòng vệ trên không tới Okinawa, tăng khả năng theo dõi, trinh sát, đàm phán mua máy bay không người lái, xây dựng căn cứ giám sát trên đảo Yonaguni cách Đài Loan 112 km để ngăn chặn kế hoạch kiểm soát biển của Trung Quốc và bảo đảm các tuyến giao thông - liên lạc trên biển.
Rào cản pháp lý
Tham vọng xây dựng chiến lược chống A2/AD của Nhật Bản bị hạn chế bởi Điều 9 trong hiến pháp, cấm quốc gia này sử dụng lực lượng quân sự để giải quyết các tranh chấp quốc tế và cấm sử dụng phòng thủ tập thể hay quyền sử dụng quân đội để hỗ trợ đồng minh đang bị tấn công.
Điều này dẫn tới một tình huống trong đó Hải quân Nhật Bản và Mỹ có thể chiến đấu cùng nhau nhưng dưới sự chỉ huy độc lập. Thêm nữa, lệnh cấm phòng thủ tập thể đồng nghĩa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không thể trực tiếp bảo vệ quân đội Mỹ khi bị tấn công.
Trong cuộc chiến chung trên biển và trên không, Nhật Bản sẽ phải tấn công quân đội Trung Quốc với mục đích tự vệ chứ không phải bảo vệ quân đội Mỹ. Nhật Bản đã xác định chu vi phòng thủ của nước này là 1.600 km trên biển, điều này cho phép các tàu chiến của Nhật Bản có thể bảo vệ tàu chiến Mỹ khỏi bị tấn công trên khu vực biển quốc tế trong phạm vi này.
"Vấn đề nan giải là khi chúng ta ra khỏi phạm vi phòng vệ của Nhật Bản tại biển Đông. Trong trường hợp này, vấn đề trở nên mù mờ về mặt pháp lý”, ông Wallace cho biết.
Ngoài việc tăng khả năng ASW và phục hồi nhanh chóng sau các cuộc tấn công điện tử, Nhật Bản không làm được gì nhiều để chống lại chiến lược A2/AD của Trung Quốc nếu tuân thủ theo Điều 9 trong hiến pháp.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!