Defense News hôm thứ Ba (17/9) dẫn lời Cựu giám đốc hội đồng tư vấn khoa học của Không quân Hoa Kỳ Mark Lewis cho biết rằng sau kỷ nguyên tàng hình, một kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu, đó là kỷ nguyên siêu vượt âm.
“Mỹ có một số lợi thế vượt trội, bao gồm công nghệ không gian và tàng hình”, Mark Lewis nhận định. “Vậy sau công nghệ tàng hình sẽ là gì? Tôi nghĩ rằng một phần của câu trả lời là tốc độ.”
Công nghệ tàng hình dựa trên một khái niệm cơ bản: Nếu kẻ thù không biết bạn ở đó, thì kẻ thù không thể ngăn cản bạn. Ông Lewis cho rằng tốc độ cũng có tác dụng tương tự. Một vũ khí lao tới với tốc độ cực lớn thì ngay cả khi bị mạng lưới radar phát hiện, chúng cũng sẽ không cho đối phương có thời gian và cơ hội đối phó
X-51 được phóng từ cánh máy bay ném bom B-52.
Không quân Mỹ đang nghiên cứu cách ứng dụng những lợi thế của tốc độ vào vũ khí như phương tiện bay siêu vượt âm X-51 WaveRider do tập đoàn Boeing thiết kế. Tên lửa đẩy có thể giúp X-51A tăng tốc đến tốc độ hơn 4M, sau đó nó được được tách ra khỏi tên lửa đẩy và động cơ phản lực siêu âm để đạt tới tốc độ 6M (khoảng 4.000 dặm một giờ, hoặc 7.400 km/h). Trong khi đó, một tên lửa hành trình Tomahawk hiện đại nhất chỉ có thể đạt vận tốc 885 km/giờ.
X-51 được thiết kế để gắn trên các giá treo dưới cánh B-52, nhưng các phiên bản trong tương lai của loại vũ khí này cũng có thể được trang bị cho máy bay tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ.
Loại vũ khí siêu vượt âm tương lai với trọng lượng khoảng 1.800 kg và tầm bắn lên tới 740 km nếu được phát triển thành công, sẽ là sự kết hợp lý tưởng giữa tầm bắn và tốc độ để chống lại hiệu quả các hệ thống A2/AD của đối phương. Trong số 4 cuộc thử nghiệm đã được tiến hành (hai thành công và hai không thành công), thành tích ấn tượng nhất của X-51 là đã bay đạt tốc độ 5,1M (hơn 6.100km/h) trong một chuyến bay thử nghiệm trên Thái Bình Dương vượt quãng đường hơn 230 hải lý (426 km) chỉ trong vòng 6 phút.
Phương tiện bay siêu vượt âm X-51
Mặc dù đề cao vai trò của vũ khí siêu vượt âm trong tương lai, song Lewis khẳng định rằng công nghệ siêu vượt âm không thể thay thế hoàn toàn cho công nghệ tàng hình. "Tôi không nghĩ rằng nó (vũ khí siêu vượt âm) sẽ thay thế cho công nghệ tàng hình. Rất có thể, nó sẽ bổ sung cho công nghệ tàng hình. Đây sẽ là một sự kết hợp và là hướng phát triển của Không quân", Lewis nói.
Theo chuyên viên James Acton của chương trình chính sách hạt nhân thuộc Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie (Mỹ), tốc độ và tàng hình có thể được thiết kế để phục vụ hai sứ mệnh khác nhau.
"Tôi không biết trong 20-30 năm tới, tàng hình hay tốc độ là yếu tố tốt nhất để vượt qua hệ thống phòng thủ. Đây là một vấn đề rất quan trọng mà chúng ta cần xem xét. Tại thời điểm tài chính dồi dào, hoàn toàn hợp lý khi cân nhắc tất cả các phương án. Tuy nhiên, trong thời kỳ thắt buộc bụng, tôi nghĩ quan trọng là cần ưu tiên cách ít rủi ro nhất”, James Acton cho biết.
Acton là nhà nghiên cứu của chương trình “Tấn công chớp nhoáng bằng vũ khí quy ước trên phạm vi toàn cầu” (CPGS), đồng thời cũng là tác giả của bản báo cáo tiết lộ quân đội Mỹ đang phát triển một hệ thống vũ khí siêu tốc có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới chỉ trong vòng vài phút. Theo ông này, hệ thống vũ khí CPGS có thể đạt đến tốc độ gấp 20 lần vận tốc âm thanh, và nhiều khả năng sẽ được sử dụng chủ yếu nhằm đối phó các mối đe dọa đến từ Trung Quốc hơn là Nga hoặc các quốc gia khác.
CPGS có khái niệm đơn giản nhưng lại rất khó áp dụng trên thực tế. Công nghệ này đã được Mỹ triển khai từ năm 2003, nhưng chỉ có thể hoàn thiện và được sử dụng sớm nhất vào đầu những năm 2020.
Xét theo lý thuyết, CPGS có thể là sự lựa chọn hoàn hảo cho một cuộc tấn công nhằm mục đích triệt phá chiến lược A2/AD của một quốc gia thù địch, đặc biệt là những nước lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, với chi phí cao và số lượng hạn chế, vũ khí CPGS chỉ được sử dụng để tiêu diệt các hệ thống phòng không khi những loại vũ khí đơn giản hơn như tên lửa hành trình Tomahawk không thể đảm nhiệm sứ mệnh này. Nó cũng không được sử dụng để chống lại các mục tiêu di động. Thay vào đó, CPGS có thể được sử dụng để phá hủy những căn cứ quan trọng như trung tâm chỉ huy và kiểm soát.
“Các tên lửa tầm xa là là một phần trong hệ thống tấn công tầm xa, nhưng không phải là vũ khí tốt nhất để sử dụng chống lại các mục tiêu di động như hệ thống phóng tên lửa di động hay mục tiêu dưới lòng đất vì chúng có chi phí rất tốn kém”, Mark Gunzinger, một nhà phân tích tại Trung tâm đánh gia ngân sách và chiến lược Mỹ, nhận định.
Ông Mark Gunzinger cho rằng hệ thống chống A2/AD của Không quân Mỹ trong tương lai không thể dựa trên một công nghệ nhất định. Thay vào đó, hệ thống này sẽ cần một loạt các công nghệ có khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Theo Gunzinger, trước khi lựa chọn bất cứ hệ thống vũ khí mới nào, Lầu Năm Góc cần tiến hành một cuộc nghiên cứu đầy đủ về cách vận hành chúng như thế nào theo nhiều kịch bản đe dọa khác nhau.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!