Nga: Hải quân Trung Quốc sẽ thua khi đối đầu Mỹ

Mới đây, cả báo chí Nga và Mỹ đều đăng tải những bài bài viết nói về một cuộc chiến trên biển giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Trung Quốc và thực lực Hải quân 2 bên. Theo đó, Hải quân TQ tuy đông đảo nhưng không phải là đối thủ của Mỹ khi đối đầu.

Nội dung trên được tuần báo “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” của Nga ngày 21/8 cho biết.

Bài viết cho biết, các tàu khu trục mạnh nhất và tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc hiện nay là 2 chiếc lớp 051C, 6 chiếc lớp 052C do Trung Quốc tự sản xuất và 4 tàu khu trục Type 956, lớp “Hiện đại” (Sovremenny) nhập khẩu từ Nga. Chúng đều được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm khá mạnh. Ngoài ra, 14 tàu Type 054A đều thuộc lớp tàu hộ vệ tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Như vậy, tổng cộng hải quân Trung Quốc có trên 20 chiến hạm có khả năng tác chiến viễn dương và có hệ thống phòng không khá mạnh, có khả năng đánh trả các cuộc tập kích bằng tên lửa hoặc tập kích đường không.

Với lực lượng như trên, Hải quân Trung Quốc có khả năng tổ chức 6 nhóm tàu chiến đấu hoặc 1 biên đội tàu sân bay, tăng cường 2-3 nhóm tàu tác chiến. Dưới sự phối hợp yểm trợ của tàu ngầm hạt nhân, tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay và không quân của hải quân, lực lượng này có khả năng tiêu diệt 1 biên đội tàu sân bay Mỹ, nhưng cái giá phải trả sẽ mất khoảng 30%, thậm chí là 40% binh lực.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ số hiệu 582 “Bạng Phụ” Type 056 của Trung Quốc
Tàu hộ vệ hạng nhẹ số hiệu 582 Type 056 của Trung Quốc

Hiện nay, trong tác chiến toàn cầu, hải quân Trung Quốc không phải là đối thủ và thực sự không có khả năng đối đầu với hải quân Mỹ. Ngay cả khi so với hải quân Nga, hải quân Trung Quốc cũng vẫn thua kém với khoảng cách không phải là nhỏ. Nga hiện có 1 tàu sân bay có khả năng thực chiến, các tuần dương hạm và tàu ngầm hạt nhân còn hơn Trung Quốc mấy bậc.

Trong tác chiến gần bờ, lực lượng tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 của Trung Quốc có khả năng tác chiến khá mạnh. Chúng đều được trang bị các tên lửa chống hạm YJ-83 (Ưng kích-83) và hệ thống phòng thủ tầm gần FL-3000N. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 10 tàu chiến loại này, ngoài ra họ còn có khoảng 40 tàu tên lửa cao tốc lớp 022.

Tuy vậy, tính chất nhiệm vụ của lực lượng này hoàn toàn khác biệt so với lực lực lượng tàu tác chiến ven bờ (tiếng Anh: Littoral combat ship, viết tắt là LCS).

Lực lượng tàu LSC của Mỹ thuộc 2 lớp là Freedom và Independence là tàu tác chiến ven bờ nhưng là tác chiến tấn công ven bờ… nước khác chứ không phải là phòng thủ ven bờ biển nước mình, nó có lượng giãn nước gấp hơn 3 lần chiến hạm 056 của Trung Quốc (hơn 1.000 tấn).

Lực lượng tàu tác chiến ven bờ Trung Quốc có thể được tổ chức thành 3 nhóm sục sạo - tìm kiếm - tấn công tàu ngầm đối phương áp sát ven bờ, hoặc 10 nhóm tàu tên lửa đối phó với các tàu mặt nước của đối phương. Tuy vậy, các tàu này chỉ đảm nhận được nhiệm vụ phòng thủ ven bờ chứ không thể tác chiến viễn dương được. Vì vậy, tuy số lượng nhiều nhưng vô hại đối với biên đội tàu sân bay của đối thủ.

Tàu ngầm của Hải quân Mỹ
Tàu ngầm của Hải quân Mỹ

Cùng chung nhận định về khả năng thực sự của Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh với Mỹ, hồi tháng 6/2013, Tạp chí Nghiên cứu Chiến lược( Journal of Strategic Studies) đăng một bài phân tích của nhà nghiên cứu người Mỹ Sean Mirsky về khả năng Hải quân Mỹ sẽ tiến hành phong tỏa Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh, đồng thời ông Sean Mirsky nhấn mạnh Trung Quốc sẽ thảm bại ngay khi cuộc đối đầu quân sự chưa được triển khai.

Nói về vòng phong tỏa Mỹ, nhà nghiên cứu Sean Mirsky cho biết, vòng phong tỏa của Mỹ sẽ chạy theo tuyến bờ biển của Trung Quốc, được coi là vùng cấm tuyệt đối không cho các phương tiện hàng hải qua lại và sẵn sàng tiêu diệt bất cứ sự hiện diện của hạm tàu nào.

Cơ cấu bố trí lực lượng có thể có 2 thành phần tác chiến: Thành phần thứ nhất của lực lượng bố trí cho tuyến phong tỏa là các tàu ngầm của Hải quân Mỹ và Nhật Bản (tổng số tàu ngầm tham chiến theo tính toán của ông Mirsky sẽ khoảng 71 chiến hạm), thành phần thứ 2 là các máy bay chiến đấu, cất cánh từ các căn cứ đang nằm ngoài vùng tấn công có hiệu lực của các phương tiện phòng không Trung Quốc.

Vấn đề Không quân Trung Quốc cũng không khó giải quyết, các phương tiện trinh sát và cảnh báo sớm của Mỹ và Nhật Bản hoàn toàn có khả năng phát hiện từ rất xa (800km) sự xuất hiện của không quân Trung Quốc.

Các máy bay chiến đấu có khả năng tiêu diệt từ tầm xa các tàu vận tải hoặc chiến hạm, đồng thời cung cấp tọa độ chỉ thị mục tiêu cho tàu ngầm và chiến hạm nổi của đối phương. Mệnh lệnh tiêu diệt sẽ được quyết định bởi bộ chỉ huy liên quân cấp chiến dịch. Thành phần thứ 3 của phong tỏa là hệ thống dày đặc thủy – ngư lôi thông minh và hệ thống chống ngầm trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Cơ sở lý luận cho kế hoạch của Mirsky dựa trên các căn cứ đánh giá khả năng khiêm tốn của lực lượng chống ngầm Hải quân Trung Quốc, đồng thời tình hình thủy văn, môi trường ven biển của Trung Quốc rất khó khăn cho nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm, điều đó cho phép tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản có thể tự do tác chiến trong vùng nước ven bờ của Trung Hoa.

Khả năng đưa ra những giải pháp phòng thủ và phản kích của Trung Quốc, theo đánh giá của ông Mirsky cũng rất hạn chế. Trung Quốc không có được các lực lượng tác chiến đủ mạnh để có thể chọc thủng tuyến phong tỏa trên không gian vùng nước tác chiến xa bờ.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại