Mỹ trừng phạt Nga, Iran hưởng lợi?

Nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ vào các doanh nghiệp quốc phòng Nga, Moscow đang cân nhắc nối lại hợp đồng cung cấp hệ thống S-300PMU1 cho Iran.

Thông tin trên được trang tin quốc phòng Vpk ngày 21/7 dẫn lời Đại sứ Iran tại Liên bang Nga, ông Mehdi Sanai cho biết: Tehran hy vọng Nga sẽ cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1, hoặc các phiên bản hiện đại hơn.

“Các quan chức quốc phòng của chúng tôi đã nhiều lần tổ chức các cuộc đàm phán với các đối tác Nga. Tôi nghĩ rằng, họ (Iran - Nga) có một mối quan hệ tốt. Tôi hy vọng chúng tôi sớm có được hệ thống phòng không S-300PMU1 hiện đại trong thời gian ngắn nhất”.

Ông Mehdi Sanai nhấn mạnh: “Tehran cho rằng hợp đồng với S-300PMU1 còn nguyên giá trị, bởi những biện pháp trừng phạt Iran thực hiện theo Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không bao gồm các hợp đồng đối với S-300PMU1. Trên thực tế, hệ thống S-300PMU1 mang tính chất phòng thủ, không có tính tấn công hủy diệt”.

Hệ thống phòng không S-300PMU1

Hệ thống phòng không S-300PMU1

Tuy nhiên tháng 9/2010, ông Dmitry Medvedev khi đó là Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh “Về các biện pháp để thực hiện nghị quyết 1929 ngày 9/6/2010 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” huỷ bỏ hợp đồng bán các hệ thống phòng không S-300PMU1 cho Iran.

Ngay sau đó, Tehran đã đâm đơn kiện ra tòa án quốc tế đòi bồi thường 4 tỷ USD do Nga đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Sau khi Iran đưa đơn ra tòa án quốc tế, chính phủ Nga không ngừng nỗ lực thuyết phục Iran rút đơn và đề xuất cung cấp biến thể S-300VM cho Iran. Tuy nhiên đến nay Tehran vẫn chưa đồng ý.

Những chuyện rắc rối nảy sinh quanh tên lửa S-300PMU1 bắt đầu từ khi Nga, Iran đã ký hợp đồng mua bán 5 tiểu đoàn tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 năm 2005. Tổng giá trị cuộc làm ăn này gần 800 triệu USD, trong đó Iran đã chuyển 167 triệu USD tạm ứng trước.

Mãi đến năm 2007 chính quyền Nga mới công bố chính thức về thoả thuận này, song vì nhiều lý do khác nhau đã không vội thực hiện hợp đồng, lấy lý do có vấn đề kỹ thuật. Iran đã nhiều năm chờ đợi việc cung cấp các tổ hợp này, dù trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng 300 - 400 triệu USD.

Tháng 6/2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết số 1929 cấm bán cho Iran “mọi loại xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, các hệ thống pháo cỡ lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa hoặc hệ thống tên lửa như chúng được xác định cho mục tiêu của Đăng kiểm vũ khí thông thường của Liên Hợp Quốc”.

Như vậy, nghị quyết chỉ cấm bán cho Iran các loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự tấn công.

Cụ thể đối với các hệ thống tên lửa mà nghị quyết đề cập đến, Đăng kiểm Liên Hợp Quốc quy định “tên lửa có và không điều khiển, tên lửa đạn đạo hoặc có cánh có khả năng mang đầu đạn hoặc vũ khí khác đến cự ly không dưới 25 km, cũng như các phương tiện được chế tạo hoặc cải tiến chuyên để phóng những tên lửa như vậy gồm cả các vật thể bay điều khiển từ xa, nhưng không phải tên lửa đất đối không”, cũng như các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai.

Về mặt hình thức, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không áp đặt lệnh cấm cung cấp các hệ thống phòng không (mà tính chất phòng thủ của chúng được xác định ngay trong tên gọi). Tuy nhiên đa số các nước phương Tây, mà trước hết là Mỹ đã lên tiếng phản đối Nga thực hiện hợp đồng bán S-300PMU1 cho Iran.

Mức đòi bồi thường của Iran sau khi Nga chấm sứt hợp đồng là 4 tỷ USD, gấp 10 lần mức phạt được quy định trong hợp đồng do không cung cấp S-300PMU1. Tehran đã cố ý đưa ra số tiền này cốt sao Moscow dễ chấp nhận đàm phán về bán các tổ hợp phòng không.

Tuy vậy, các chuyên gia Nga và Iran những ngày qua không loại trừ khả năng Moscow và Tehran sẽ nối lại các thỏa thuận trước đó về việc cung cấp S-300PMU1 cho Iran sau khi Mỹ tuyên bố cấm vận đối với doanh nghiệp quốc phòng Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại