‘Mù tịt’ về tên lửa Triều Tiên, chuyên gia Mỹ ‘cãi nhau kịch liệt’

Nếu Triều Tiên phóng tên lửa Musudan họ có thể “làm được việc tốt” đó là châm ngòi những trận tranh cãi nảy lửa trong giới chuyên gia vũ khí Mỹ về năng lực, tầm bắn, nguồn gốc, công nghệ… của loại tên lửa này.

Chí ít, nó cũng có thể giải đáp một thắc mắc: Liệu loại tên lửa này có tồn tại ở Triều Tiên hay không?

Hình ảnh về tên lửa Musudan của Triều Tiên lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng hồi giữa năm 2010.

Có một chuyện khá “éo le” đang diễn ra ngay trong nội bộ nước Mỹ. Một phần họ không muốn Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa này nhưng phần khác họ lại rất mong Kim Jong-un ‘bấm nút’ để có thể qua đó giải đáp hàng loạt những câu hỏi mà giới chuyên gia vũ khí, quân sự nước này đang quan tâm.

Theo phỏng đoán của giới tình báo Mỹ - Hàn Quốc, dù Triều Tiên có thể tiến hành vụ phóng tên lửa vào bất cứ lúc nào nhưng nhiều khả năng chủ tịch Kim Jong-un sẽ ra lệnh bắn vào ngày 15/4 tới đây để tạo thành sự kiện kỷ niệm ngày sinh nhật của cố chủ tịch Kim Il-sung – nhà sáng lập chính quyền Bình Nhưỡng đồng thời cũng là ông nội của Kim Jong-un.

Trong lúc này, tâm điểm chú ý của Mỹ còn đặt vào quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tên là “Musudan” (thực ra đến tên thật của quả tên lửa này Mỹ vẫn chưa biết và họ đành đặt tên nó theo địa danh Triều Tiên thường dùng làm bãi phóng thử).

Theo các báo cáo, một tổ hợp tên lửa Musudan đang di chuyển ở bờ đông”, đô đốc Samuel Locklear, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ thông báo trước Ủy ban quân dịch của Thượng viện Mỹ hôm 10/4.

Những thông tin mà giới chuyên gia vũ khí Mỹ biết được về Musudan hiện nay vẫn chỉ là: Đó là loại tên lửa tầm trung, có tầm bắn tối thiểu 400 dặm và tối đa có thể lên tới 3.500 dặm và với tầm bắn đó, nước Mỹ hay căn cứ quân sự của họ ở Hawaii hoàn toàn nằm trong tầm uy hiếp.

Giả dụ với hướng bắn đó, đảo Guam đang nằm trong tầm nguy hiểm. Nhưng tôi khẳng định chúng ta có đủ năng lực để bảo vệ đất nước, bảo vệ các lực lượng của chúng ta ở Guam cũng như bảo vệ các đồng minh của mình”, ông Locklear nói, ám chỉ đến các hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ đã triển khai.

Chính vì thế, các lãnh đạo tình báo của Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc thực ra lại đang rất muốn “xem” Triều Tiên phóng tên lửa Musudan để họ có thể chấm dứt các tranh cãi bấy lâu nay.

Có một luồng ý kiến cho rằng, Musudan là tổ hợp tên lửa đạn đạo di động được chế tạo từ công nghệ tên lửa chuyên dùng cho tàu ngầm SS-N-6 của Liên Xô từ thập niên 60. Vào khoảng giữa những năm 2000, những đồn đoán về loại tên lửa này của Bình Nhưỡng bắt đầu xuất hiện trên báo chí phương Tây và phải đến giữa năm 2010, bức ảnh rõ ràng nhất về Musudan mới xuất hiện khi nó tham gia một cuộc duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Tên lửa của Iran được sản xuất theo công nghệ SS-N-6.

Các chuyên gia Mỹ tin là Triều Tiên đã tiếp cận được với công nghệ SS-N-6 bởi những thông tin tình báo cho biết các thành viên trong nhóm thiết kế, chế tạo loại tên lửa này của Liên Xô đã tới Bình Nhưỡng. Một phần của công nghệ này thậm chí đã được sử dụng trong tên lửa tầm xa của Triều Tiên và một số loại tên lửa khác của Iran. Các báo cáo mật cho biết, Triều Tiên đã bán lại công nghệ chế tạo tên lửa SS-N-6 cho Iran vào năm 2005.

Với Musudan, tất cả những gì họ còn thiếu là một vụ phóng thử", Lewis, giám đốc phụ trách chương trình Đông Á của Trung tâm James Martin (Mỹ) viết, "Tất nhiên, có nhiều tin đồn khẳng định là Iran đã thử loại tên lửa này giúp Triều Tiên”.

Nếu thực sự Triều Tiên có tên lửa Musudan được phát triển trên công nghệ SS-N-6 thì đó sẽ là một bước tiến rất lớn trong lĩnh vực công nghệ sản xuất vũ khí của nước này. Hiện nay, hầu hết số tên lửa mà Triều Tiên đang sở hữu đều là tên lửa tầm ngắn và tầm trung sản xuất theo công nghệ tên lửa Scud của Liên Xô. Dù chưa phải là hiện đại nhất nhưng SS-N-6 tiên tiến hơn rất nhiều nhờ động cơ hiện đại và có thể mang theo nhiều nhiên liệu hơn hẳn Scud.

Mặc dù là thiết kế đã có gần 50 năm tuổi nhưng SS-N-6 vẫn là công nghệ tên lửa gần đạt mức tới hạn của công nghệ và hoạt động hiệu quả không hề kém các tên lửa hiện đại nhất thế giới hiện nay”, Markus Schiller – một chuyên gia về công nghệ tên lửa của Đức viết trong báo cáo, “Hãy tưởng tượng, một quả tên lửa Musudan có trọng lượng gần bằng một quả Nodong (tên lửa dựa trên công nghệ Scud) nhưng có tầm bắn xa gấp đôi”.

Nhưng cũng theo chính chuyên gia Schiller, không có nhiều bằng chứng cho thấy Musudan là một phiên bản từ tên lửa bắn từ tàu ngầm của Liên Xô bởi tên lửa của Liên Xô được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân và nó được thiết kế hoàn toàn khác trong khi Triều Tiên chưa thể có đầu đạn hạt nhân. “Có thể Bình Nhưỡng đang cố đánh lừa Mỹ và các đồng minh của họ tin rằng Triều Tiên sở hữu một công nghệ tên lửa rất hiện đại”.

Giới chuyên gia quân sự Mỹ và đồng minh đang theo dõi rất sát sao mọi "cử động" của tên lửa Triều Tiên.

Tôi tin là Triều Tiên vẫn chỉ dừng lại ở công nghệ tên lửa Scud chứ chưa thể đạt tới công nghệ SS-N-6”, Schiller và người đồng nghiệp của mình là chuyên gia công nghệ vũ khí Robert H. Schmucker viết trong bản báo cáo về tên lửa Triều Tiên hồi năm 2012.

Dù rất “mong” Triều Tiên bắn thử tên lửa, các nước đồng minh và Mỹ đều khẳng định nếu nó được phóng đi, đó sẽ là một hành động khiêu khích ở mức độ cao.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại