Tên lửa vác vai khiến Mỹ thiệt hại nặng trên chiến trường Việt Nam

Theo Infonet |

Tên lửa phòng không 9K32 Strela hay còn gọi là A-72 đã góp phần quan trọng ngăn chặn khả năng chi viện hỏa lực đường không của Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam.

9K32 Strela, được NATO định danh là SA-7 Grail, là loại tên lửa phòng không tầm thấp vác vai một người sử dụng được sản xuất tại Liên Xô năm 1964 và đưa vào sử dụng từ năm 1968. Cơ cấu phóng bao gồm một ống phóng đường kính 70 mm, dài 1,4 mét, trọng lượng 15 kg (ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu).

Sự có mặt của tên lửa A-72 đã góp phần quan trọng bẻ gãy khả năng chi viện hỏa lực đường không của Mỹ. Ảnh tư liệu.

Tên lửa được trang bị đầu dò hồng ngoại (tức là đầu dò của tên lửa bám theo các nguồn phát nhiệt như động cơ của máy bay trực thăng hay máy bay cánh cố định). Sau khi phóng đi, tên lửa nhắm vào luồng phát nhiệt là ống xả của động cơ máy bay và phát nổ.

Đầu dò của tên lửa hoạt động theo nguyên lý bám đuôi khá đơn giản và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, do hoạt động theo nguyên lý đơn giản này nên tên lửa dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi các biện pháp che chắn hồng ngoại, các loại mồi bẫy pháo sáng.

Diễn tập tiêu diệt mục tiêu đường không bằng tên lửa A-72. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Biến thể nâng cấp về sau được trang bị đầu dò hồng ngoại làm mát bằng nito lỏng giúp tên lửa vượt qua các biện pháp đối phó hồng ngoại. Tên lửa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu đường không như trực thăng, máy bay cánh cố định bay thấp, UAV (máy bay không người lái) trong phạm vi từ 500-5000 mét.

9K32 Strela được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào năm 1972, chính vì xuất hiện lần đầu vào năm 1972 nên tên lửa được gọi là A-72. Hỏa thần A-72 tham chiến lần đầu trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, sự có mặt của loại tên lửa phòng không tầm thấp này đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn khả năng chi viện hỏa lực đường không của Mỹ bằng các loại trực thăng và máy bay cánh cố định bay tầm thấp.

Tên lửa A-72 là công cụ quan trọng trong việc ngăn chặn các chiến dịch đổ bộ đường không bằng trực thăng hay máy bay cánh cố định bay thấp. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Sự có mặt của A-72 trong biên chế quân đội nhân dân Việt Nam đã làm “run tay” các phi công điều khiển trực thăng Mỹ - Ngụy khi hoạt động tác chiến trên chiến trường Việt Nam. Hỏa thần A-72 kết hợp với điều kiện địa lý và phương pháp tác chiến đặc biệt của quân đội nhân dân Việt Nam đã tạo nên hiệu quả tác chiến đặc biệt.

Theo thống kê của Steven Zaloga trên tạp chí JIR số 4-1994 tại chiến trường Việt Nam từ 1972-1975 đã có 528 tên lửa A-72 được phóng đi, bắn rơi 45 máy bay các loại, đạt tỷ lệ diệt mục tiêu 8,5%, trong đó xác suất diệt máy bay lên thẳng đạt tới 28,8% (15 máy bay/52 tên lửa).

Sau này Việt Nam được Liên Xô viện trợ thêm loại tên lửa phòng không vác vai hiện đại hơn là Igla-1M, NATO định danh là SA-16 Gimlet, Việt Nam gọi là A-87. Hỏa thần A-87 được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như đầu dò hồng ngoại thế hệ mới đa kênh có khả năng vượt qua các biện pháp đối phó hồng ngoại, động cơ tên lửa cải tiến giúp tên lửa đạt tốc độ nhanh hơn.

Giá phóng tên lửa Igla-1M trên tàu chiến Hải quân Việt Nam. Ảnh sưu tầm.

Tên lửa có tốc độ nhanh hơn so với các thế hệ trước đó, tốc độ tên lửa nhanh gấp 2-3 lần tốc độ âm thanh (khoảng 2530 km/h). A-87 có tầm bắn 5,2 km, tầm bắn hiệu quả 3,5 km. Hiện nay, Việt Nam đã được Nga chuyển giao công nghệ để sản xuất A-72 và A-87, đảm bảo chủ động nguồn cung trang bị cho quân đội.

Tên lửa Igla-1M cũng được trang bị cho một số tàu chiến của Hải quân Việt Nam để đối phó với các mục tiêu đường không tầm thấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại