Châu Á quay cuồng với cuộc đua tiêm kích thế hệ 5

Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và cả Hàn Quốc đều bày tỏ những tham vọng sở hữu tiêm kích thế hệ 5, làm cho cuộc đua này trở nên sôi nổi hơn.

Tiêm kích thế hệ 5 đã và đang dần trở thành vũ khí mang tầm chiến lược đối với bất kỳ quốc gia nào muốn “xưng hùng xưng bá” với thế giới. Một lực lượng không quân mạnh không thể thiếu tiêm kích thế hệ 5.

Sức mạnh của tiêm kích thế hệ 5 là nhờ vào khả năng tàng hình trước các biện pháp trinh sát điện tử, khả năng siêu cơ động nhờ vào động cơ kiểm soát vector lực đẩy, khả năng hành trình siêu tốc mà không cần sử dụng buồng đốt 2 lần cùng với hệ thống điện tử hàng không tối tân.

Châu Á quay cuồng với cuộc đua tiêm kích thế hệ 5
 
Châu Á quay cuồng với cuộc đua tiêm kích thế hệ 5
Hình ảnh tiêm kích thế hệ thứ 5, J-20 của Trung Quốc (trái) được truyền thông nước này đăng tải ngày 27.7 vừa qua cho thấy J-20 có khả năng mang tối đa 6 quả tên lửa không đối không. Trong đó 2 tên lửa được gắn ở hai bên thân là các tên lửa không đối không tầm ngắn. Trong khi đó 4 quả tên lửa chính trong khoang cũng chỉ là loại tầm trung do radar dẫn đường. So với chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ, J-20 có phần yếu thế hơn bởi F-22 Raptor có thể mang 6 tên lửa trong khoang chính. Theo tạp chí Aviation Week đã đưa ra nhận định có thể J -20 mà Trung Quốc đang thử nghiệm mô phỏng từ mẫu thiết kế máy bay tàng hình Mikoyan 1.44 (MiG 1.44) của Nga, loại máy bay chưa được sản xuất hàng loạt.

Nhờ những khả năng đó làm cho tiêm kích thế hệ 5 có một sức mạnh tác chiến vô cùng lớn, được giới thiệu là có thể đột nhập mạng lưới phòng không đối phương và tung ra những đòn tấn công gây thiệt hại không thể chấp nhận được.

Đơn cử máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit của Mỹ có thể đột nhập mạng lưới phòng không của Serbia trong chiến tranh Kosovo năm 1999 hay chiến tranh Iraq năm 2003 để tiến hành đánh phá như đi vào chốn không người. Với sức mạnh ghê gớm của nó nên các quốc gia có tiềm lực tài chính dồi dào không tiếc tiền đầu tư phát triển tiêm kích thế hệ 5 hòng nắm lấy lợi thế chiến lược trước những đối thủ tiềm tàng.

Trung Quốc và những sản phẩm “sao chép”

Tại châu Á, Trung Quốc (TQ) được xem là quốc gia đầu tiên khởi xướng chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5, họ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nga phát triển tiêm kích thế hệ 5.

Mẫu thử nghiệm tiêm kích thế hệ 5 J-20 có chuyến bay đầu tiên vào tháng 1.2011 đã khiến thế giới bất ngờ về sự phát triển của công nghiệp hàng không TQ. Mặc dù bản thân J-20 là một thiết kế chắp vá từ chương trình thử nghiệm tiêm kích thế hệ 5 MiG-1.44 của Nga và một số nét từ tiêm kích F-22 của Mỹ nhưng không thể phủ nhận rằng nền công nghiệp hàng không vũ trụ TQ đã có những tiến bộ vượt bậc.

Phiên bản máy bay chiến đấu tàng hình FGFA của Nga và Ấn Độ sẽ có trọng lượng nhẹ hơn, mạnh mẽ hơn và khả năng tàng hình đối với radar tốt hơn so với phiên bản ban đầu PAK-FA T-50 của Nga, ông S. Subrahmanyanm - Giám đốc quản lý Tổ hợp MiG của Công ty Hàng không Hindustan Aeronautics Limited - cho biết ở triển lãm MAKS-2013 ngày 30.8.
Phiên bản máy bay chiến đấu tàng hình FGFA của Nga và Ấn Độ sẽ có trọng lượng nhẹ hơn, mạnh mẽ hơn và khả năng tàng hình đối với radar tốt hơn so với phiên bản ban đầu PAK-FA T-50 của Nga, ông S. Subrahmanyanm - Giám đốc quản lý Tổ hợp MiG của Công ty Hàng không Hindustan Aeronautics Limited - cho biết ở triển lãm MAKS-2013 ngày 30.8.

Theo các tài liệu của Văn phòng tình báo hải quân Mỹ (ONI), chương trình phát triển máy bay J-20 của TQ được khởi xướng vào năm 1997. ONI xếp hạng J-20 vào loại máy bay thế hệ 4+, dự kiến sẽ đi vào phục vụ khoảng năm 2017. Viện thiết kế CAC/611 và SAC/601 được giao nhiệm vụ thiết kế một máy bay hai động cơ có khả năng tàng hình để cạnh tranh với F-22 Raptor của Mỹ và được giới quân sự TQ đặt biệt danh là J-20 Raptor Killer (“Kẻ tiêu diệt chim ăn thịt”)

Theo các thông tin sơ bộ ban đầu J-20 được trang bị hệ thống kiểm soát bay điện tử số hóa hoàn toàn mới “fly-by-wire” - đây là hệ thống điều khiển bay thông minh, bao gồm hệ máy tính với các thuật toán phức tạp.

Nó tiếp nhận động thái bay của phi công, tính toán, lập lệnh và điều khiển các cơ cấu khí động học, bảo đảm cho máy bay hoạt động linh hoạt, tính điều khiển ổn định ở mọi tốc độ, hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số cho động cơ, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Tiêm kích này được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA Type 1475/KLJ5 do TQ sản xuất, thông tin về loại radar này gần như không có, và người ta cũng chưa rõ loại radar này đã sẵn sàng hoạt động hay chưa.

Các bức ảnh chụp J-20 được công bố cho thấy máy bay có chiều dài khoảng 23m, sải cánh khoảng 14m, khối lượng cất cánh dự kiến khoảng 34-36 tấn. Tuy nhiên với một thân hình dài cùng với hai cánh mũi sẽ là một thách thức trong việc tàng hình của chiến đấu cơ này. Thân hình to lớn cho phép máy bay có tầm bay và tải trọng vũ khí lớn hơn so với F-22 Raptor và PAK F/A T-50. J-20 có thể được trang bị các tên lửa tầm xa cũng như có thể tiếp nhiên liệu trên không. J-20 cũng có thể phóng các tên lửa hành trình và mang các khí tài hạng nặng. Song điều này khiến máy bay mất đi khả năng cơ động và tốc độ.

Vào năm 2005, máy bay ATD-X đã được tiến hành kiểm tra khả năng “qua mắt” radar, năm 2006 bắt đầu thử nghiệm biến thể nhỏ điều khiển từ xa ở tỷ lệ 1:5, đến năm 2007 sau khi Mỹ chính thức từ chối không bán máy bay tiêm kích F-22 Raptor cho Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thiết kế, chế tạo mẫu máy bay thử nghiệm mang tên ATD-X. Dự kiến, ATD-X sẽ bắt đầu thử nghiệm bay vào năm 2014
Vào năm 2005, máy bay ATD-X đã được tiến hành kiểm tra khả năng “qua mắt” radar, năm 2006 bắt đầu thử nghiệm biến thể nhỏ điều khiển từ xa ở tỷ lệ 1:5, đến năm 2007 sau khi Mỹ chính thức từ chối không bán máy bay tiêm kích F-22 Raptor cho Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thiết kế, chế tạo mẫu máy bay thử nghiệm mang tên ATD-X. Dự kiến, ATD-X sẽ bắt đầu thử nghiệm bay vào năm 2014

Một vấn đề khác đang gây tranh cãi là động cơ trang bị cho tiêm kích J-20. Một số nguồn tin TQ cho rằng, J-20 sử dụng động cơ WS-15 do họ tự sản xuất. Tuy nhiên, điều này lại khá mâu thuẫn với các báo cáo phàn nàn về chất lượng động cơ nội địa WS-10A do TQ sản xuất trang bị trên tiêm kích J-10 và J-11B.

Đến nay ít nhất có 2 mẫu thử nghiệm J-20 đã được sản xuất, tiêm kích này đang trải qua khá nhiều thử nghiệm khác nhau từ động cơ, hệ thống điện tử, khoang vũ khí bên trong thân. Tuy nhiên, kết quả của các cuộc thử nghiệm này được bảo mật rất chặt chẽ, ngoại trừ những hình ảnh thử nghiệm được đăng tải trên một số diễn đàn quốc phòng TQ còn kết quả ra sao thì hoàn toàn không được công bố.

Dự kiến, nếu các phát triển diễn ra suôn sẻ nhiều khả năng tiêm kích thế hệ 5 J-20 sẽ đi vào phục vụ trong giai đoạn 2017-2019. Ngoài J-20, TQ còn một chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 khác là J-31 do tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương phát triển.

Các chuyên gia quân sự trên thế giới nhận định, J-31 là một bản sao của F-35 được thiết kế với vai trò tương tự. TQ đang học theo Mỹ để phát triển song song 2 chương trình tiêm kích thế hệ 5, trong đó J-20 có vai trò tương tự F-22 Raptor là một tiêm kích chiếm ưu thế trên không, còn J-31 là một tiêm kích đa năng như F-35.

Những sản phẩm của tương lai

Quốc gia thứ nhì ở châu Á khởi động chương trình tiêm kích thế hệ 5 là Ấn Độ. Tuy nhiên, New Delhi không độc lập phát triển chương trình này mà hợp tác cùng với Nga. Chương trình FGFA được đánh giá là một sự lựa chọn khôn ngoan của New Dehli trong bối cảnh họ chưa đủ tiềm lực cả về tài chính lẫn công nghệ để tự phát triển tiêm kích thế hệ 5.

So với J-20 của TQ, chương trình FGFA có xuất phát điểm khá muộn, chuyến bay đầu tiên của tiêm kích này dự kiến diễn ra trong năm 2014 muộn hơn đến 4 năm so với J-20. Nhưng các nhà phân tích quốc phòng nhận định tính khả thi của dự án FGFA cao hơn nhiều so với J-20 của Trung Quốc.

Chương trình FGFA sẽ được phát triển dựa trên chương trình tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 của Nga như vậy nó sẽ được thừa hưởng rất nhiều thành tựu công nghệ từ sự phát triển của T-50. Ấn sẽ đưa vào chương trình này một số công nghệ riêng do họ phát triển để tạo nên sự khác biệt so với tiêm kích của Nga. Tỷ lệ góp vốn cũng như chia sẽ quyền sở hữu trí tuệ là 50-50. Thiết kế ngoại hình khí động học của FGFA đến nay vẫn chưa được công bố nhưng nhiều khả năng sẽ tương tự PAK FA T-50 với khoảng 30% thiết kế sẽ được thay đổi.

FGFA sẽ sử dụng chung radar, động cơ cùng một số hệ thống phụ trợ khác tương tự T-50, trong khi phần lớn phần mềm điều khiển trên tiêm kích do Ấn phát triển. Phần lớn hệ thống vũ khí trên tiêm kích cũng do Ấn tự sản xuất. Dự kiến tiêm kích FGFA sẽ đi vào sản xuất hàng loạt từ năm 2022.

Số lượng sản xuất dự kiến cho chương trình khoảng 500 chiếc trong đó không quân Nga sẽ sử dụng khoảng 250 chiếc và Ấn khoảng 214 chiếc và một số chiếc sẽ được xuất khẩu. Sukhoi dự đoán thị trường cho FGFA khoảng hơn 1.000 chiếc trong đó số lượng xuất khẩu khoảng 400 chiếc.

Trước sự phát triển rầm rộ của các chương trình tiêm kích thế hệ 5 tại châu Á, đặc biệt là sự ra đời của 2 mẫu thử nghiệm tiêm kích thế hệ 5 khác nhau của TQ đã tác động rất lớn đến Nhật Bản. Đặc biệt, giữa hai nước tồn tại khá nhiều mâu thuẫn về tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề trong lịch sử.

Với tiềm lực tài chính hùng mạnh cùng nền tảng khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới chắc chắn Nhật không muốn đứng ngoài cuộc chơi trong phát triển tiêm kích thế hệ 5. Nhật đang âm thầm phát triển một mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình thế hệ 5 có tên gọi là ATD-X. Chương trình được phát triển bởi Viện nghiên cứu kỹ thuật quốc phòng TRDI, Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries được giao nhiệm vụ sản xuất mẫu thử nghiệm này. Mẫu ATD-X của Nhật Bản giống máy bay tiêm kích tàng hình đa năng Saab Gripen của Thụy Điển hơn là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của Mỹ.

Mẫu ATD-X sẽ được trang bị 2 động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3D IHI XF5-1, với lực đẩy thô là 49,03kN, lực đẩy có đốt sau là 98,07kN mỗi chiếc do Kawasaki phát triển, vector lực đẩy sẽ được kiểm soát bởi 3 cánh lái trên mỗi vòi phun của động cơ.

Máy bay sẽ được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại bao gồm radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA, hệ thống cảm biến đa chức năng RF. Mẫu thử nghiệm sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát bay fly-by-wire quang học, thay thế hệ thống cáp thông thường bằng cáp quang. Thiết kế này làm tăng tốc độ xử lý tín hiệu, an toàn hơn trước các biện pháp đối phó điện tử của đối phương.

Mẫu thử nghiệm cũng sẽ được trang bị khả năng đối phó điện tử ECM và hỗ trợ điện tử ESM toàn diện. Các công tác thử nghiệm hệ thống điều khiển tiên tiến và thiết bị gây nhiễu radar đã được thực hiện liên tục trong nhiều năm qua. Mẫu thử nghiệm ATD-X đã trải qua các thử nghiệm sơ bộ trên mặt đất.

Một số nguồn tin cho biết, sự phát triển của ATD-X có sự tham gia trợ giúp của Lockheed Martin. Ban đầu sự phát triển của ATD-X chỉ là để thử nghiệm xem Nhật có đủ khả năng để phát triển các công nghệ cho tiêm kích thế hệ 5 hay không. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp trong khu vực thời gian qua nhiều khả năng Nhật sẽ xúc tiến ATD-X thành một chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 nghiêm túc.

Sự vào cuộc của Nhật đã làm cho cuộc đua phát triển tiêm kích thế hệ 5 trở nên khốc liệt hơn. Với tiềm lực hùng mạnh của Nhật nhiều khả năng ATD-X sẽ là một tiêm kích thế hệ 5 xuất sắc, một tiêm kích đầy thách thức với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt, ATD-X hoàn toàn có thể ăn đứt J-20 và J-31 của TQ.

Hàn Quốc và Indonesia cũng đã bày tỏ tham vọng của mình trong cuộc chơi tiêm kích thế hệ 5. Hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ 5 trong chương trình KF-X/IF-X. Dự án kỳ vọng sẽ phát triển khoảng 250 chiếc tiêm kích cho cả không quân Hàn Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, dường như đây là một cuộc chơi quá sức đối với 2 quốc gia này.

Tháng 3-2013, Hàn Quốc tuyên bố rút khỏi dự án do không đủ chi phí nhưng Indonesia tuyên bố họ vẫn tiếp tục cuộc chơi đầy mạo hiểm này. Thực tế thì những chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 là những chương trình đốt tiền không thương tiếc mà chỉ có những quốc gia có tiềm lực tài chính hùng hậu cùng nền tảng khoa học kỹ thuật hàng không vững chắc mới có thể tiến hành được.

Đơn cử chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 F-22 của Mỹ đã tiêu tốn tới 70 tỷ USD chi phí phát triển, chương trình phát triển F-35 tuy chưa có thống kê cuối cùng nhưng chi phí phát triển cũng không dưới 50 tỷ USD. Tóm lại, tiêm kích thế hệ 5 chỉ là cuộc chơi giữa những gã nhà giàu mà thôi.

 

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại