Tên lửa hành trình có thể “châm ngòi” chiến tranh hạt nhân
Các hiệp ước và thoả thuận kiểm soát vũ khí có xu hướng tập trung chủ yếu vào việc hạn chế tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, một loại vũ khí khác là tên lửa hành trình cũng đang được nhiều quốc gia nghiên cứu và phát triển. Động thái này khiến cho việc kiểm soát vũ khí trở nên khó khăn hơn.
Những tên lửa hành trình có độ chính xác cao được thiết kế để mang cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân, khiến một quốc gia có vũ khí hạt nhân đối mặt với một cuộc tấn công từ tên lửa hành trình, nhưng họ không thể biết được tên lửa phóng về phía mình có mang theo đầu đạn hạt nhân hay không. Tình huống như vậy rất dễ dẫn đến đòn đáp trả bằng hạt nhân. Nguy cơ tương tự cũng đến từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Bộ Chỉ huy tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ tháng trước báo cáo rằng cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đang phát triển tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân. Mỹ và Nga là hai quốc gia đứng đầu thế giới về tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, được phóng từ máy bay ném bom chiến lược hay tàu ngầm. Tuy nhiên, Ấn Độ và Pakistan cũng đang phát triển các tên lửa tương tự. Những tên lửa này có nhiều loại khác nhau với tầm bắn khác nhau. Chúng đã được đưa vào hoạt động hoặc đang được thử nghiệm.
Các tên lửa hành trình, được trang bị động cơ phản lực, có thể di chuyển ở tầm thấp với tốc độ cực nhanh trên đất liền hay biển. Những tính năng này khiến tên lửa hành trình rất khó bị phát hiện. Chúng cũng có kích cỡ tương đối nhỏ so với tên lửa đạn đạo tầm xa.
Các quốc gia sở hữu tên lửa hành trình hạt nhân
Hiện tại có khoảng 1.140 tên lửa hành trình hạt nhân AGM-86 trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ngoài ra, quân đội nước này cũng đang sử hữu 460 tên lửa hành trình AGM-129A có khả năng năng mang đầu đạn hạt nhân. Không quân Mỹ cho biết tên lửa AGM-129A được thiết kế với những tính năng đặc biệt, giúp nó không bị radar của đối phương phát hiện.
Tầm bắn của loại tên lửa hành trình AGM-129A của Mỹ khoảng 3.220 km. Tuy nhiên, tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Raduga Kh-101 của Nga, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay, có tầm bắn lên tới 9.650 km – tương đương với tầm bắn của một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tên lửa hành trình mới của Trung Quốc và Triều Tiên đã xuất hiện trên một tài liệu công khai được đưa ra bởi Trung tướng James Kowalski, Chỉ huy trưởng lực lượng tấn công toàn cầu Không quân Mỹ. Tài liệu này cho thấy mức độ hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của 8 trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Chỉ có duy nhất Israel không xuất hiện trong tài liệu này.
Tên lửa hành trình của Trung Quốc là CJ-20, được trang bị cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6. Ông Hans Kristensen, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, cho biết đây là lần đầu tiên một tài liệu chính thức của Mỹ đề cập đến tên lửa hành trình được phóng từ máy bay với khả năng hạt nhân của Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, một máy bay ném bom H-6 sử dụng tên lửa hành trình CJ-20 trong một chiến dịch tấn công mặt đất, có thể tiêu diệt các mục tiêu ở khắp châu Á, phía đông nước Nga cũng như căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương. Khoảng 2/3 lãnh thổ Nga thuộc Châu Á.
Tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên được tài liệu của Mỹ có tên là KN-09. Đây là loại tên lửa phòng thủ bờ biển với tầm bắn chỉ khoảng từ 100 đến 120km.
Trong khi đó, Ấn Độ đang phát triển tên lửa hành trình siêu âm Brahmos – một dự án liên doanh giữa Ấn Độ với Nga. Tên lửa Brahmos là một vũ khí then chốt mới giúp tạo ra lợi thế chiến lược cho Ấn Độ so với nước láng giềng Pakistan. Brahmos được biết đến là tên lửa hành trình siêu âm duy nhất đang hoạt động. Nó thể bay với tốc độ gấp từ 2 đến 3 lần âm thanh hay tương đương với 1km/giây.
Tên lửa hành trình Brahmos của Ấn Độ có thể được phóng đi từ đất liền, trên biển hoặc trên không với tầm bắn khoảng 300km. Brahmos có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Tốc độ cao của tên lửa hành trình Brahmos đồng nghĩa với việc nó có thể tiến hành các cuộc tấn công một cách nhanh chóng vào những căn cứ bên trong lãnh thổ Pakistan.
Bởi vì Ấn Độ lớn mạnh hơn rất nhiều, nên Pakistan cũng đã phải phát triển những tên lửa đạn đạo tầm ngắn có đầu đạn hạt nhân để ngăn chặn nguy cơ bị tấn công từ Ấn Độ. Mặc dù vẫn chưa được kiểm chứng, nhưng Pakistan tuyên bố họ đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để đưa lên các tên lửa hành trình của họ.
Cuộc chạy đua phát triển tên lửa hành trình và đạn đạo của các quốc gia tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một hiểm họa tiềm tàng đối với khu vực này, bởi nếu những loại vũ khí này được sử dụng, chúng có thể gây ra một hậu quả tham khốc tương tự như một cuộc chiến tranh hạn nhân.