Tên lửa đối đất trên tàu ngầm Kilo - Cảnh cáo đanh thép của VN

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Thiết kế nguyên bản của tàu ngầm Kilo 636 không có các loại tên lửa dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền.

Cải tiến của người Nga hay yêu cầu của Việt Nam?

Với quan điểm trang bị vũ khí để bảo vệ chủ quyền đất nước mà không dùng để đe dọa hoặc xâm lược nước khác nên các loại vũ khí Việt Nam mua từ trước đến nay đều chỉ là vũ khí phòng thủ. Tên lửa đối đất dùng để tấn công tiêu diệt các loại mục tiêu trên đất liền không được xem là vũ khí mang tính phòng thủ.

Đối với loại vũ khí này, ngoại lệ duy nhất mà Việt Nam có là tên lửa đất đối đất Scud. Nó được đưa vào trang bị trong hoàn cảnh lịch sử khi Việt Nam và Trung Quốc có những mâu thuẫn sâu sắc, Scud được Việt Nam coi là vũ khí để răn đe tránh một cuộc chiến tương tự như năm 1979.


	Tên lửa Scud của Việt Nam

Tên lửa Scud của Việt Nam


	Tên lửa đối đất 3M-14E, tầm bắn 290 km, đầu chiến đấu nặng 400 kg

Tên lửa đối đất 3M-14E, tầm bắn 290 km, đầu chiến đấu nặng 400 kg

Tàu ngầm Kilo 636 được Nga ký hợp đồng xuất khẩu cho 7 nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romani, Algeria và Việt Nam. Tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ được lắp đặt tên lửa hành trình tấn công đối đất 3M-14E loại mới nhất, có tầm bắn 290 km. Loại tên lửa này không được Bộ Quốc phòng Nga phê chuẩn xuất khẩu cho Trung Quốc. Ngoài Việt Nam, hai nước khác được Nga xuất khẩu tên lửa 3M-14E là Ấn Độ và Algeria.

Điều cần chú ý là các loại vũ khí trên Kilo 636 được phía Nga xem xét và trang bị theo yêu cầu của khách hàng. Chính vì những yêu cầu riêng biệt này mà giá cả tàu ngầm Kilo 636MV của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với Kilo 636MK của Trung Quốc. Do vậy có thể khẳng định rằng việc trang bị tên lửa đối đất 3M-14E trên Kilo 636MV của Việt Nam nằm trong chiến lược của Việt Nam.

Quả đấm thép làm tê liệt  căn cứ xuất phát của đối phương

Các tàu ngầm Kilo 636MV được dùng để nâng cao sức mạnh phòng thủ của Việt Nam trên biển Đông. Trước hết là sức mạnh để răn đe những thế lực bất chấp luật pháp quốc tế muốn biến biển Đông thành ao nhà của mình. Tiếp theo trong trường hợp xảy ra xung đột, Kilo 636MV của Việt Nam sẽ đóng vai trò là quả đấm thép xoay chuyển cục diện cuộc xung đột.

Trong bài phân tích “Thử so tài của Không quân Việt Nam và Không quân Trung Quốc trên Trường Sa” mà chúng tôi đã giới thiệu với các bạn trên Sohanews vào ngày 7/6/2013, chúng ta đã thấy vai trò của Không quân cũng như lợi thế địa lý mà Việt Nam đang có.

Cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc đều nhận thức được điều này, do đó đều có những động thái khác nhau.

Về phía Trung Quốc để khắc phục bất lợi về địa lý, họ tìm cách chuyển các vũ khí phương tiện ra càng gần biển Đông càng tốt. Thể hiện của việc này là Trung Quốc đã xây dựng Tam Á ở đảo Hải Nam thành một căn cứ quân sự khổng lồ, được ưu tiên những vũ khí phương tiện hiện đại nhất. Bên cạnh đó là tăng cường lực lượng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa Việt Nam mà họ đang chiếm giữ. Trung Quốc muốn biến Hoàng Sa và Tam Á thành nơi xuất kích của Không quân, Hải quân một khi xung đột biển Đông xảy ra.


	Căn cứ Hải quân Trung Quốc ở Tam Á, đảo Hải Nam

Căn cứ Hải quân Trung Quốc ở Tam Á, đảo Hải Nam


	Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép

Việt Nam buộc phải trang bị cho mình một loại vũ khí có thể ngăn chặn được các lực lượng này. Và tên lửa đối đất 3M-14E, tầm bắn 290 km, đầu nổ 400 kg đã được lựa chọn.

Với phương tiện mang là tàu ngầm Kilo 636MV, chúng có thể tiếp cận và tung ra quả đấm thép làm tê liệt các căn cứ đối phương. Thiếu sự hỗ trợ của Không quân cũng như tiếp tế hậu cần kỹ thuật, lực lượng Trung Quốc đang tác chiến trên biển Đông sẽ lâm vào tình thế hết sức khó khăn.

Khi đó với Không quân bao gồm các máy bay Su-30MK2, Su-30MK2V và Hải quân với các tàu mặt nước, tàu ngầm xuất kích từ bờ biển miền Trung, Việt Nam sẽ hoàn toàn kiểm soát được tình hình biển Đông.


	Tàu HQ-381 Hải quân nhân dân Việt Nam diễn tập bắn đạn thật

Tàu HQ-381 Hải quân nhân dân Việt Nam diễn tập bắn đạn thật


	Su-30MK2 của Không quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa

Su-30MK2 của Không quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa

Đòn đánh đập tan lực lượng chiếm giữ đảo

Bên cạnh là đòn đánh nhằm làm tê liệt các căn cứ xuất phát của đối phương, tên lửa 3M-14E cũng có thể được dùng để đánh chiếm lại các đảo bị đối phương xâm chiếm. Đặc điểm của các đảo ở Trường Sa là nhỏ, hẹp, dễ công khó thủ.

Trong trường hợp đối phương tiến hành chiếm đảo và cho một lực lượng đóng chốt, xây dựng công sự trên đó. Việt Nam có thể sử dụng tên lửa 3M-14E để xóa sổ hoàn toàn các công sự này và tiến hành đánh chiếm lại. Ngoài tên lửa đối đất còn có tên lửa đối hạm và săn ngầm nên Kilo 636MV của Việt Nam thực sự là một thế lực mạnh trấn giữ các đảo này.

Như vậy chúng ta thấy đằng sau động thái trang bị tên lửa đối đất 3M-14E là những tính toán hết sức chiến lược của Việt Nam. Vai trò cốt yếu của hạm đội tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam không phải là dùng trong xung đột trên biển Đông mà là ngăn ngừa nguy cơ xảy ra xung đột.

Chỉ sự hiện diện của chúng cũng khiến các thế lực có âm mưu độc chiếm biển Đông phải cân nhắc lại chiến lược của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại